Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

NDO -

Sáng 30-9, tại thành phố Sơn La, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (TD và MNBB) giai đoạn 2021-2025”.

Ký kết hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tỉnh Sơn La về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn.
Ký kết hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tỉnh Sơn La về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự và chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là vùng chiến lược an ninh quốc phòng của đất nước, nhưng đồng thời là vùng sản xuất nông nghiệp hết sức đặc sắc, bởi tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, con người, văn hóa… Với dân số cả vùng hơn 12 triệu người, không gian diện tích rộng lớn hơn 10 triệu km2, đây là vùng chiến lược về an ninh năng lượng, an ninh môi trường, nguồn nước… Do điều kiện kinh tế, xã hội chưa phát triển, đời sống của bà con nhân dân còn nhiều khó khăn, vì vậy, tái cơ cấu lại nông nghiệp có ý nghĩa thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân.

Theo báo cáo đánh giá tại hội nghị, sau hơn bảy năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và gần bốn năm triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, sản xuất nông nghiệp vùng TD và MNBB đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giai đoạn 2013-2020, dự kiến tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của vùng đạt bình quân 3,68%/năm (cả nước đạt 2,95 %/năm). Trong nội bộ ngành nông, lâm, thủy sản vùng diễn ra quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành, sản phẩm có dư địa lớn và giá trị gia tăng cao.

Về trồng trọt, cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Toàn vùng đã chuyển đổi khoảng 54.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây hằng năm, lâu năm cho giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, hình thành một số vùng chuyên canh hàng hóa, phát triển các vùng cây đặc sản, cây ăn quả, một số loại cây công nghiệp, dược liệu. Các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thâm canh để tăng năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về chăn nuôi, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Phương thức chăn nuôi của vùng đã chuyển mạnh từ nhỏ lẻ, tự phát sang công nghiệp, bán công nghiệp quy mô lớn; chăn nuôi nông hộ an toàn dịch bệnh và bền vững.

Về thủy sản, so cả nước chỉ chiếm 4,3% diện tích và 3,1% sản lượng, nhưng tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản của vùng giai đoạn 2013-2019 đạt bình quân 7,54%/năm và là vùng có mức tăng cao nhất so các vùng khác trên cả nước.

Về lâm nghiệp, rừng khu vực này chiếm 36% diện tích rừng cả nước, được xác định là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế. Công tác bảo vệ, phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng, giá trị rừng trồng được cải thiện. Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 50,4% lên 53,5% năm 2019. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tăng 1,73 lần, đáp ứng khoảng 75-80% nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu. Đáng chú ý, chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả, trở thành động lực mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Về kết quả xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, đến hết tháng 8-2020, vùng có 798/2.280 xã đạt 35% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 16 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương. Tính đến hết tháng 8-2020, các tỉnh đã đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 469 sản phẩm OCOP, trong đó có hai sản phẩm 5 sao, 117 sản phẩm đạt 4 sao và 349 sản phẩm đạt 3 sao.

Tái cơ cấu nông nghiệp vùng TD và MNBB giai đoạn vừa qua cho thấy, các tỉnh đã quan tâm phát triển công nghiệp chế biến theo hướng chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao. Đến nay nhiều địa phương đã đầu tư và đưa vào hoạt động một số nhà máy chế biến lớn, như: Nhà máy chế biến rau quả, chè, sữa, gỗ và lâm sản, tinh bột sắn. Cùng với đó, các địa phương đã phối hợp bộ, ngành liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu đưa nông sản vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đã làm sáng tỏ thêm kết quả trong lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương trong quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Trong đó, kết quả cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang tiêu biểu cho hướng phát huy lợi thế đất rừng, phát triển kinh tế rừng, chế biến gỗ, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Bắc Cạn, một địa phương còn nhiều khó khăn ở phía Bắc nhưng đã có cách làm hay cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đây là địa phương không những có tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất cả nước với trên 72,3%,  mà còn có nhiều sản phẩm OCOP mang lại giá trị kinh tế cao.

Với Sơn La, trong năm năm thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đã tăng diện tích cây ăn quả gấp hơn ba lần, từ 23.000 ha nay tăng lên gần 80.000 ha. Để tiêu thụ sản phẩm cho người dân, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm xúc tiến đầu tư, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, tỉnh đã kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng xây dựng các cơ sở chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Đến nay Sơn La đã có 37 cơ sở chế biến nông sản, trong đó có 11 nhà máy đầu tư hiện đại. Gần đây nhất Tập đoàn TH đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ, vốn đầu tư giai đoạn I là 1.200 tỷ đồng; Công ty CP chế biến xuất khẩu Đồng Giao khởi công Trung tâm chế biến hoa quả Doveco Sơn La, vốn đầu tư 400 tỷ đồng.

Phát biểu về định hướng phát triển trong thời gian tới, đồng chí Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đưa Sơn La trở thành trung tâm công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng TD và MNBB. Sơn La tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách nhằm gắn kết doanh nghiệp với các HTX và các hộ sản xuất tạo nên những mắt xích trong một “dây chuyền” sản xuất bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất đối với Chính phủ và Bộ NN và PTNT nhằm tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh, sửa đổi cơ chế chính sách nhằm tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 của vùng. Các đại biểu đã quan tâm đến chính sách khuyến khích phát triển kinh tế rừng, các mô hình ứng dựng kỹ thuật, khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, chính sách hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm…   

Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ -0
 Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Phát biểu tiếp thu và kết luận Hội nghị, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh các ý kiến đóng góp thắng thắn, trúng vấn đề nhằm gợi mở, tháo gỡ khó khăn cũng như tiếp tục hoàn thiện chính sách cho phù hợp thực tiễn. Về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tới đây Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chi trả căn cứ vào lưu vực, mức độ ảnh hưởng thay bằng như hiện nay địa phương nào có thủy điện, sử dụng tài nguyên nước mới được chi trả là chưa hợp lý.

Định hướng việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp các tỉnh vùng TD và MNBB, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo, xác định cho rõ vị trí, vai trò, tiềm năng lợi thế từng vùng để có bước điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cân đối giữa trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp cho phù hợp. Bấy lâu nay nói đến nông nghiệp chỉ chú ý đến trồng trọt là chưa đúng. Vì thế, thời gian tới cần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp phải quan tâm kinh tế rừng. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, không chỉ có gỗ, mà phải chú ý đến các nguồn lợi khác ngoài gỗ, như nông lâm thủy sản, dược liệu. Kinh tế lâm nghiệp vẫn là hướng chủ yếu, một trục quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Ngoài ra, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đối với các tỉnh trong khu vực còn quan tâm đến thủy sản. Đây là vùng có diện tích mặt nước ao hồ lớn, sau khi hình thành các hồ thủy điện việc phát triển nghề nuôi trông thủy sản có mức tăng trưởng mạnh, nhưng tiềm năng lợi thế còn rất lớn, cần đầu tư khai thác nâng cao đời sống nhân dân.

Về chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là một thế mạnh trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Các địa phương cần tận dụng tốt đất đai, khí hậu, coi đây là một tài nguyên riêng có để xây dựng các sản phảm dặc sản vùng tham gia vào thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Để thực hiện chương trình, các địa phương quan tâm đến công tác phục tráng giống, quy trình chăm sóc, xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Trong xây dựng nông thôn mới, ngoài việc thực hiện theo bộ tiêu chí chung của Trung ương quy định, các địa phương cũng cần có những tiêu chí riêng phù hợp với điều kiện thực tiễn mang tính đặc thù của miền núi, không nên cứng nhắc. Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 cần gắn với phát triển nông nghiệp sạch, bền vững và phát triển du lịch, bảo vệ môi trường.

Để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp vùng TDMNBB giai đoạn 2020 - 20205 hiệu quả, đồng chí Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động cụ thể, thể hiện: Quyết tâm - Sáng tạo - Đổi mới một cách đồng bộ. Tiếp tục quan tâm làm tốt vai trò bà đỡ để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước -  doanh nghiệp - HTX và hộ nông dân gắn kết, bền vững, góp phần thúc đẩy xóa đói nghèo, tiến tới làm giàu ở khu vực đang được coi là nghèo và khó khăn nhất cả nước hiện nay.