Thừa Thiên Huế tập trung khôi phục sản xuất sau lũ

Do lượng mưa quá lớn, ngập lụt kéo dài trong nhiều ngày nên hầu hết rau màu cùng gia súc, gia cầm của nông dân tại Thừa Thiên Huế bị chết, cuốn trôi và chìm trong nước lũ. Chính quyền các cấp cùng các ban, ngành tại Thừa Thiên Huế đang chung lòng, dốc sức căng mình khôi phục sản xuất sau lũ, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.

Nông dân xã Quảng Phú (huyện Quảng Ðiền) khôi phục lồng cá nuôi trên sông Bồ bị chết và hư hỏng do mưa.
Nông dân xã Quảng Phú (huyện Quảng Ðiền) khôi phục lồng cá nuôi trên sông Bồ bị chết và hư hỏng do mưa.

Thống kê ban đầu từ các địa phương ở Thừa Thiên Huế cho thấy, toàn tỉnh có hơn 330 ha rau màu, gần 170 ha sắn và nhiều diện tích trồng hoa bị ngập chìm hoàn toàn trong nước lũ. Gần 1.700 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập hoàn toàn. Thiệt hại ban đầu do mưa lũ đã làm thiếu hụt lượng giống rau màu để cung ứng cho sản xuất vụ đông 2020 và vụ đông xuân 2020-2021. Ngành nông nghiệp, thủy sản Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp các địa phương rà soát, nghiên cứu, cơ cấu lại khung lịch thời vụ một cách hợp lý. Riêng ngành thủy sản đã có biện pháp hỗ trợ các địa phương khắc phục nguồn giống thủy sản cho vụ nuôi sắp đến.

Ở xã Ðiền Hương (huyện Phong Ðiền), người dân điêu đứng khi hơn 1.000 m2 diện tích thả nuôi trồng thủy sản đã được bốn đến năm tháng do mưa quá lớn, độ mặn giảm đột ngột nên cá bị chết gần 1,5 tấn. Tại xã Quảng Thọ (huyện Quảng Ðiền), thu nhập của người dân  chủ yếu dựa vào cây rau má, nhưng do mưa lớn kéo dài và ngập sâu, nước sông Bồ đổ về trắng đồng khiến nhiều diện tích rau má bị dập nát, mất trắng hơn 120 ha; thiệt hại gần 13 ha ao hồ do nguồn nước bạc, đỏ ngầu từ đầu nguồn đổ về khiến cá lồng nuôi trên các sông bị chết. Ông Phan Văn Vinh, ở thôn Phước Yên (xã Quảng Thọ) buồn bã nói: “Ba hồ nuôi cá giống sắp đến ngày thu hoạch đã ngập chìm trong nước. Thấy nước lên nhanh quá, cả gia đình tập trung giăng lưới, giăng chài nhưng gió to quá nên bung ra hết. Thiệt hại lên đến 120 triệu đồng, không biết làm răng mà xoay xở được...”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành (huyện Quảng Ðiền) Ngô Hợi nói: “Chúng tôi vận động nông dân thu hoạch diện tích rau nhằm giảm thiệt hại. Riêng, những rau màu bị thiệt hại cần thu gom để tiêu hủy, tranh thủ  thời tiết trở lại bình thường thì làm đất để gieo trồng. Những gia đình có diện tích thiệt hại nhẹ, cần chăm sóc, trồng dặm để cây phục hồi, phát triển trở lại, nhất là chú ý vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy rác thải”.

Trên mạng xã hội, các tổ chức, đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Ðoàn Thanh niên và nhiều cá nhân kết nối, kêu gọi mọi người chung tay hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, giúp khâu tiêu thụ. Bí thư Huyện đoàn Phú Vang Nguyễn Thanh Hoài chia sẻ: “Các bạn trẻ rất năng động, sẵn sàng vận chuyển nông sản của mình đến tận tay người tiêu dùng; giúp người sản xuất thu hồi  vốn liếng để  tái sản xuất sau lũ, bão”.

Các địa phương trong tỉnh đang tổng hợp tình hình thiệt hại để đề nghị các cơ quan, ban, ngành cấp trên hỗ trợ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nông dân khôi phục sản xuất. Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hùng cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, các địa phương hướng dẫn người dân khẩn trương di chuyển các lồng, bè nuôi thủy sản đến nơi an toàn; thu hoạch sớm diện tích thủy sản để giảm mật độ, tránh rủi ro thiệt hại do mưa lũ; gia cố bảo đảm an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối; có phương án bảo vệ, phòng tránh các thiệt hại có thể xảy ra cho khu nuôi thủy sản; hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền neo đậu bảo đảm an toàn.