Tuổi trẻ lối sống

Thoát nghèo thành công từ vùng cao

Xuất thân từ vùng cao Bắc Kạn, chị Lý Thị Quyên đã gác lại ước mơ trở thành cô giáo để khởi nghiệp, lập nghiệp với mong muốn giúp bà con dân tộc thiểu số ở địa phương thoát nghèo, làm giàu chính đáng tại mảnh đất quê hương bằng những sản phẩm độc đáo, sáng tạo, đậm nét văn hóa đặc trưng người Dao.

Chị Lý Thị Quyên (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn bà con người Dao phân loại, lựa chọn nguyên liệu sản xuất gối thảo dược.
Chị Lý Thị Quyên (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn bà con người Dao phân loại, lựa chọn nguyên liệu sản xuất gối thảo dược.

Vượt hàng chục ki-lô-mét đường đồi núi từ huyện Bạch Thông (Bắc Kạn), chúng tôi tìm đến Nà Ít, một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Vi Hương (huyện Bạch Thông). Đã từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Dao tại đây gắn bó với cây chuối như một loại nông sản chủ lực. Dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng cây chuối hiển nhiên không thể giúp người dân địa phương thoát nghèo. Năm 2015, tại xã vùng sâu, vùng xa này, có một cô gái vì trăn trở với suy nghĩ giúp gia đình, bà con không còn phải lo ăn, lo mặc mỗi ngày mà quyết định bỏ dở ước mơ nghề giáo, trở về khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương ngay sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên. Chị là Lý Thị Quyên, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chế biến nông sản Thiên An, một hợp tác xã đặc biệt với tên gọi có ý nghĩa mong chờ sự bình an cho thôn, bản. 

Những ngày đầu khởi nghiệp, cô gái trẻ người Dao tập trung phát triển sản phẩm chuối sấy giòn nhằm tìm đầu ra cho cây trồng chính ở địa phương. Sau hàng chục mẻ chuối sấy bị hỏng, chị Quyên “khăn gói” lên Thủ đô học kỹ thuật sản xuất, chế biến tại Viện Công nghệ sau thu hoạch. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, cộng thêm tính ham học hỏi sẵn có, nữ Chủ nhiệm HTX trẻ cuối cùng cũng dần gặt hái thành công với mô hình chuối sấy. Có thu nhập, chị bắt tay vào cải tiến bao bì, thêm mã vạch, chú thích về nguồn gốc, thành phần sản phẩm, đồng thời mở rộng thêm nhiều loại mặt hàng như khoai lang, khoai tây sấy, bim bim rau củ cho trẻ em, măng, mật ong rừng... Tiếng lành đồn xa, sản phẩm của HTX từ Bắc Kạn đã vươn ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng và có mặt ở nhiều sân bay, các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc. Chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng doanh thu của HTX đạt hơn một tỷ đồng. 

Sau một vài năm triển khai mô hình nêu trên, chị Lý Thị Quyên nhận thấy HTX Thiên An cần một làn gió mới cho những sản phẩm đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại trên thị trường. Chị nảy ra ý tưởng về một sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc Dao: một chiếc gối với hoa văn đặc trưng, bắt mắt, chứa những bài thuốc, thảo dược cổ truyền với tác dụng xua tan mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ. “Gối làm bằng vải thô nhuộm chàm, với các họa tiết thổ cẩm được thêu tay, bên trong lót thảo dược gia truyền của người Dao. Ngay lần đầu thử nghiệm sản xuất, gần 200 chiếc gối đã được mua hết nhanh chóng khiến các xã viên HTX rất phấn khởi. Tôi mạnh dạn tập hợp thêm nhiều phụ nữ giỏi thêu thùa ở địa phương, thiết kế thêm mẫu mã, cho ra đời thêm nhiều đầu sản phẩm khác như gối ôm, gối tựa, gối chống mỏi cổ... và được khách hàng đánh giá cao”, chị Quyên chia sẻ.

Với sản phẩm mới lạ, độc đáo và sáng tạo nêu trên, HTX Thiên An đã tạo thu nhập hằng tháng từ 3-4 triệu đồng/người cho 15 lao động là đồng bào dân tộc Dao tại địa phương. Chị Lý Thị Quyên cho biết, sẽ đầu tư mở rộng thêm vùng nguyên dược liệu phục vụ sản xuất từ 5 ha lên khoảng 10 ha trong thời gian tới nhằm đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, giúp HTX phát triển bền vững hơn, góp phần khôi phục, gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao. Vừa qua, sản phẩm sáng tạo của chị Lý Thị Quyên lần lượt giành giải cao tại cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh Thái Nguyên, lọt vào tốp tiềm năng rồi tiến thẳng vào chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” năm 2020 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.