Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

Thiết chế công đoàn, niềm tin của người lao động ở Hà Nam

Tỉnh Hà Nam hiện có 1.116 công đoàn cơ sở với gần 70 nghìn đoàn viên công đoàn. Trong đó, khoảng 61 nghìn công nhân lao động trực tiếp trong doanh nghiệp. Ước tính đến năm 2020, số lao động tại các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh sẽ lên tới 80 nghìn người. Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở cũng như các công trình phúc lợi để phục vụ người lao động tại Hà Nam đang rất bức thiết.

Đại diện lãnh đạo Công đoàn Ban quản lý doanh nghiệp tỉnh Hà Nam trao tượng trưng nhà “Mái ấm công đoàn” tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Đại diện lãnh đạo Công đoàn Ban quản lý doanh nghiệp tỉnh Hà Nam trao tượng trưng nhà “Mái ấm công đoàn” tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện tại, chỉ tính riêng bốn KCN Đồng Văn của tỉnh Hà Nam đang thu hút khoảng 45 nghìn công nhân lao động (CNLĐ). Trong đó, số lao động trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 50%, còn lại là số lao động đến từ các tỉnh trong nước và nước ngoài. Do đó, nhu cầu về nhà ở cho lực lượng CNLĐ là vấn đề rất được người lao động và các chủ doanh nghiệp quan tâm. Nhiều hộ dân trong huyện Duy Tiên cũng tận dụng các phần đất dư thừa của gia đình để xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê, tạo nên một thị trường nhà trọ tự do, sôi động. Phần lớn các khu nhà trọ này là do người dân xây dựng tự phát, là nhà cấp 4, có diện tích khá chật chội, ẩm thấp. Theo khảo sát của công đoàn các KCN tỉnh Hà Nam, số CNLĐ đang ở trọ ở các xã chung quanh các KCN là hơn sáu nghìn người; tổng số có gần 4.000 phòng trọ; diện tích trung bình của phòng trọ là 10-20m2; giá thuê phòng trọ từ 700 nghìn đồng đến một triệu đồng/tháng; chưa kể các chi phí điện, nước sinh hoạt. Cùng với đó, gần 7.000 gia đình công nhân có nhu cầu gửi trẻ. Nhưng hiện tại, các điều kiện về nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế ở đây đều đang rất thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều gia đình công nhân có con nhỏ phải gửi về quê cho ông bà trông nom.

Chị Lê Thị Hà, công nhân của nhà máy dây dẫn Sumi tại KCN Đồng Văn chia sẻ: Quê tôi ở tận huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình về đây làm công nhân đã tám năm rồi, và cũng từng ấy năm tôi đi thuê nhà trọ. Bây giờ có gia đình và con nhỏ, việc thuê được một phòng trọ ưng ý, phù hợp là rất khó. Tôi và nhiều công nhân khác chỉ mong có được một căn phòng trọ hoặc được mua một căn hộ giá rẻ, phù hợp mức thu nhập để yên tâm gắn bó lâu dài với công ty.

Năm 2017, một tin vui đã đến với những CNLĐ của tỉnh Hà Nam, đó là Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” sẽ được triển khai tại KCN Đồng Văn, tỉnh Hà Nam. Đến tháng 5-2018, công trình đã được khởi công với diện tích 4,2ha, gồm 1.021 căn hộ, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của CNLĐ. Theo đó, các khu nhà tại các thiết chế sẽ có hai loại: Trả tiền ngay hoặc trả góp trong vòng mười năm, mỗi căn hộ có diện tích từ 30 m2 đến 45 m2 gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… có giá từ 150 triệu đồng trở lên. Ðối tượng được mua nhà là đoàn viên công đoàn, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, công chức, viên chức cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn. Trong số 976 căn hộ, có 208 căn có diện tích 30 m2 sẽ cho công nhân, người lao động tại KCN thuê với giá từ 250 nghìn đồng/người/tháng; 768 căn còn lại có diện tích 30 đến 45 m2 dành để bán cho công nhân, người lao động với giá chỉ từ 150 triệu đến 350 triệu đồng/căn tùy theo diện tích, vị trí tầng cao của căn hộ. Đến nay, nhiều hạng mục công trình đang được hoàn thành. Khi hoàn thành toàn bộ, dự án thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam sẽ tạo chỗ ở cho khoảng từ 4.000 đến 4.500 đoàn viên là công nhân, người lao động tại KCN.

Ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam cho biết: Theo quy hoạch phát triển, tỉnh Hà Nam tiếp tục mở rộng các KCN và thu hút đầu tư. Dự kiến mỗi năm, các KCN tỉnh Hà Nam thu hút từ 8.000 đến 9.000 người lao động, chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn và việc xây dựng nhà ở phù hợp thu nhập của công nhân, đi cùng với đó là các dịch vụ như siêu thị, nhà trẻ góp phần giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, với tỉnh.

Trước thực trạng về nhà ở cho CNLĐ, tỉnh Hà Nam đã có quy hoạch và kế hoạch dành một phần quỹ đất nhất định để kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ. Tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã quy hoạch quỹ đất khoảng 50 ha để xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp. Như vậy, quỹ đất đã có trong quy hoạch, nhu cầu cũng rất lớn, vấn đề là tỉnh Hà Nam cần có nguồn vốn và cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà ở và thiết chế cho CNLĐ được thuận lợi.