Thêm nhiều điểm sạt lở mới ven bờ biển Tây tỉnh Cà Mau

NDO -

Những ngày qua, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 kết hợp gió mùa tây nam hoạt động mạnh gây nên mưa lớn kèm dông lốc và triều cường dâng cao đã gây nên sạt lở nhiều đoạn ven bờ biển Tây tỉnh Cà Mau, báo động nguy cơ vỡ đê rất cao…

Sạt lở vào tận chân đê biển Tây, đoạn thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Sạt lở vào tận chân đê biển Tây, đoạn thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Kiểm tra thực tế từ cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, ven tuyến đê biển Tây vừa có thêm ba vị trí sạt lở mới rất nguy hiểm, tổng chiều dài gần 3.000m.

Nặng nhất là vị trí sạt lở thuộc đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh), tổng chiều dài khoảng 957m. Khu vực sạt lở nêu trên, đai rừng hiện còn rất mỏng (chỉ từ 1-5m), thậm chí có đoạn không còn đai rừng phòng hộ chắn sóng.

Mặc dù phía bên ngoài khu vực sạt lở đang được tỉnh Cà Mau triển khai xây dựng kè cơ bản, nhưng do điều kiện thi công gặp bất lợi vì thời tiết xấu nên đến nay, một số đoạn chưa đổ đá vào thân kè nên chưa tạo được bùn bồi lắng, dẫn đến diễn biến sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra.

Trong đó, vị trí cách Giồng Cát hướng về Tiểu Dừa khoảng 2.600m, khu vực ảnh hưởng vì sạt lở dài khoảng 210m, đai rừng còn rất mỏng và một số vị trí sạt lở chỉ còn cách mặt đê hiện hữu chừng 1m. Trong khi đó, đoạn cách Giồng Cát hướng về Tiểu Dừa khoảng 2.960m, trên tuyến có chiều dài sạt lở 320m nhưng có tới 230m không còn đai rừng phòng hộ. Vì thế, sạt lở ở chân đê, cách mặt đê gần nhất chỉ khoảng 2m.

Thêm nhiều điểm sạt lở mới ven bờ biển Tây tỉnh Cà Mau -0
 Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra tình hình sạt lợ bờ biển Tây, sáng 6-8.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, một trong ba vị trí sạt lở nguy hiểm mới xuất hiện ven bờ biển Tây thuộc khu vực từ Ba Tĩnh đến T25 (huyện U Minh) với chiều dài khoảng 1.900m.

“Khu vực nêu trên, hiện đai rừng phòng hộ chỉ còn từ 12m đến 25m nhưng phía bên ngoài chưa xây dựng kè. Vì thế, diễn tiến sạt lở đang diễn ra nhanh và nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đê biển, có khả năng gây vỡ đê nếu không triển khai các giải pháp ngay từ bây giờ”, ông Tô Quốc Nam chia sẻ.

Trong chuyến kiểm tra thực tế tình hình sạt lở bờ biển Tây vào sáng 6-8, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, đối với những vị trí sạt lở nhưng đang triển khai giải pháp công trình kè biển phía bên ngoài, tỉnh sẽ đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công tập trung quyết liệt hơn nữa, huy động thêm nhân lực, thiết bị chuyên dụng để đẩy nhanh tiến độ nhằm phát huy hiệu quả công trình chắn sóng, bảo vệ thân đê.

Đối với những khu vực sạt lở nằm sát chân đê nhưng đai rừng còn mỏng, thậm chí không còn đai rừng phòng hộ và phía bên ngoài chưa có triển khai các giải pháp công trình, lãnh đạo tỉnh giao Sở NN-PTNT tổng hợp, đề xuất các phương án về vốn để tới đây có giải pháp bảo vệ khẩn cấp, tuyệt đối không để sạt lở gây vỡ đê, góp phần bảo vệ kịp thời tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân.

Vùng ven biển Cà Mau thường xuyên xảy ra sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 105km. Nhiều năm qua, thông qua các nguồn vốn, địa phương đã xử lý được hơn 28,5km và hiện còn 76,5km tiếp tục sạt lở, nhất là những tháng cao điểm mùa mưa bão như hiện nay. Sạt lở thường xảy ra tại những vị trí không còn đai rừng phòng hộ, đe dọa phá vỡ đê biển.

Qua thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, ngoài sạt lở, ảnh hưởng của bão số 2 gây mưa lớn kèm dông lốc, triều cường đã làm chìm một tàu cá  của ngư dân, sập 78 căn nhà, hư hỏng và tốc mái 514 nhà, 7 trường học, đổ ngã 29 pano tuyên truyền, 9 trụ điện, 90 cây xanh và hơn 130 ha trồng chuối của người dân (mức độ thiệt hại hơn 70%)…

Tổng thiệt hại tài sản ban đầu ước tính hơn 3,2 tỷ đồng.

Quyết tâm bảo vệ an toàn đê biển Cà Mau