Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao năng lực ứng phó thiên tai

Trước dự báo tình hình thiên tai năm 2020 diễn biến khó lường, UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu.

 Ðường giao thông nông thôn ở xã Trường Long, huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ) được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Quốc Trung
Ðường giao thông nông thôn ở xã Trường Long, huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ) được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Quốc Trung

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề xuất các biện pháp thích hợp, bảo đảm an toàn tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao đã được công bố; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân sinh sống chung quanh biết và chủ động phòng, tránh; đồng thời tổ chức thực hiện quy trình nhắn tin cảnh báo thiên tai cho các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn thành phố… Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh duy trì nghiêm chế độ trực, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, tổ chức tập kết, quản lý sử dụng các phương tiện, trang thiết bị thường trực để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy, cứu sập, sơ tán dân khi xảy ra thiên tai. Các sở, ngành liên quan xử lý dứt điểm tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông không phép, trái phép, gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch của tuyến sông Sài Gòn, sông Ðồng Nai và vùng biển Cần Giờ. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm hoàn chỉnh phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tương ứng với từng loại hình thiên tai, cấp độ rủi ro; tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và đề xuất giải pháp xử lý đối với các nhà ở, chung cư cũ, xuống cấp...

Các quận 12, Bình Thạnh, Thủ Ðức và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dứt điểm các công trình phòng, chống thiên tai đã có chủ trương của UBND thành phố; khẩn trương giải phóng mặt bằng để sớm triển khai và hoàn thành các dự án tiêu thoát nước, chống ngập, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Riêng huyện Cần Giờ cần nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng (đường, cầu cảng, nhà quản lý, nhân sự) phục vụ công tác quản lý Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khi đưa tàu thuyền vào tránh trú bão; nắm chắc số lượng tàu thuyền, thuyền viên đang khai thác thủy sản trên sông, trên biển thuộc địa bàn để kịp thời hướng dẫn phòng, tránh, bảo đảm an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới, thiên tai xảy ra.

★ Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020, TP Cần Thơ phấn đấu có ít nhất hai xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hai xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và toàn thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Ðể đạt mục tiêu đề ra, thành phố tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM các cấp; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành thành phố và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM. Ðồng thời, thành phố phối hợp với các viện, trường và các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng NTM cho cán bộ cấp huyện và xã. Toàn thành phố đẩy mạnh phong trào thi đua "Cần Thơ chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020"; tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh". Bên cạnh đó, thành phố tăng cường chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, tạo điều kiện phát huy hiệu quả "liên kết bốn nhà". Các mô hình kinh tế hợp tác có hiệu quả được nhân rộng, từng bước góp phần nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Các chính sách khuyến khích đầu tư kinh tế nông thôn, phát triển sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn sẽ được chuyển dịch theo hướng dịch vụ, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động, để giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân nông thôn. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thành phố phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tìm ra giải pháp hiệu quả, thiết thực bảo đảm kết quả xây dựng NTM của thành phố bền vững.

Gắn với chương trình xây dựng NTM, thành phố triển khai thực hiện Ðề án "Mỗi xã một sản phẩm" năm 2020. Mục tiêu đến cuối năm 2020 là củng cố 200 tổ chức kinh tế sản xuất - kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn hiện có và phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia Ðề án. Ðồng thời, thành phố đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh cho 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Ðề án. Ðể thực hiện các mục tiêu này, Cần Thơ triển khai thực hiện đề án theo lộ trình sáu giai đoạn, bắt đầu bằng các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, sau đó là hướng dẫn, hỗ trợ người dân khởi đầu tham gia Ðề án bằng việc đăng ký ý tưởng sản phẩm cho hệ thống quản lý Ðề án "Mỗi xã một sản phẩm", thời gian đăng ký diễn ra vào cuối tháng 3-2020. Từng ý tưởng sản phẩm sẽ được xem xét, từ đó lựa chọn các ý tưởng tốt nhất làm cơ sở để triển khai. Sản phẩm sau khi phát triển hoàn thiện, được các chuyên gia tiến hành đánh giá và phân hạng theo ba cấp: huyện, tỉnh, quốc gia nhằm thực hiện hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm theo từng cấp tương ứng.