Thanh Hóa chủ động ứng phó với hoàn lưu bão số 2

NDO -

Ứng phó với bão số 2, Thanh Hóa đã ban hành hai Công điện chỉ đạo, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương, đơn vị chủ động triển khai phòng, chống bão theo phương án “bốn tại chỗ”.

Lực lượng chức năng ở Thanh Hóa kiểm tra đôn đốc phòng chống bão số 2 tại khu vực ven biển thành phố Sầm Sơn.
Lực lượng chức năng ở Thanh Hóa kiểm tra đôn đốc phòng chống bão số 2 tại khu vực ven biển thành phố Sầm Sơn.

Trưa 2-8, lãnh đạo huyện miền núi Quan Sơn cho biết: Các thành viên Ban chỉ huy phòng chống bão lũ huyện đã xuống cơ sở, ở lại 12 xã, thị trấn trên địa bàn phối hợp với lực lượng tại chỗ rà soát phương án sơ tán dân, vật tư, nhân lực, hậu cần tại chỗ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ huy, điều hành các hoạt động phòng, chống thiên tai. 

Qua rà soát, huyện Quan Sơn có 446 hộ nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bên suối Xỉa, suối Yên, lưu vực sông Luồng và sông Lò; dự kiến sẽ di dân đến nhà văn hóa thôn, trường học, công sở, bố trí xen cư trong các hộ thân tộc. Các địa phương và huyện chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, vật tư dự trữ bảo đảm ổn định đời sống cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn trong khoảng 15 ngày.

Tại huyện vùng cao Mường Lát, các thành viên ban chỉ đạo cũng đã cắm chốt ở tám xã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở, các đơn vị bộ đội, bộ đội biên phòng triển khai phòng chống bão số 2. Tại xã Mường Lý và Trung Lý có hơn 200 hộ nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã được cảnh báo, sẵn sàng thực hiện sơ tán đến nơi an toàn. Trước đó, các doanh nghiệp đã vận chuyển tám xe xăng, dầu, tổng khối lượng khoảng 24 tấn tiếp nhiên liệu dự trữ cho bốn điểm bán xăng dầu trên địa bàn huyện. 

Các đồn Biên phòng ngoài bảo đảm đủ lương thực cho quân số thường trực, mỗi đơn vị dự trữ thêm khoảng hai tấn gạo và sẵn sàng bố trí nơi lưu trú đón đồng bào tránh bão.

Chủ động ứng phó với bão số 2, tỉnh Thanh Hóa đã có Công điện chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm... Bố trí nhân lực kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ. Các huyện đã kiểm tra cụ thể phương án "bốn tại chỗ". Để bảo đảm an toàn cho khách du lịch và Thanh Hóa đã cấm biển từ 19 giờ ngày 1-8 đến khi bão suy yếu, tan dần. 

Thanh Hóa chủ động ứng phó với bão số 2 -0
Tàu thuyền neo đậu an toàn tại nơi tránh trú bão.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Đức Quyền cho biết: Hơn 7.230 phương tiện với hơn 26 nghìn lao động nghề cá đã về nơi trú ẩn an toàn, các hộ vùng mép nước cửa sông sẵn sàng sơ tán khi có lệnh. Các huyện có đê chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều theo cấp báo động, bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi; nhất là các điểm đê xung yếu, đang thi công dở dang; các đập, hồ chứa thủy lợi và vùng hạ du đập, các công trình đang thi công xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp, gia cố hồ chứa xung yếu. Thanh Hóa chỉ đạo không tích nước đối với 78 hồ không an toàn; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố phát sinh.

Được biết, các địa phương vùng đồng bằng, duyên hải, các đô thị ở Thanh Hóa sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chống ngập úng đối với các đô thị và sản xuất nông nghiệp; chủ động thực hiện tiêu nước đệm, giải tỏa ách tắc lòng sông, các trục tiêu nhằm đảm bảo tốt việc tiêu úng, thoát lũ, đồng thời vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn, bảo vệ diện tích lúa và hoa màu. 

Ngành Điện lực ưu tiên cấp điện cho tất cả các trạm bơm tiêu, triển khai phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống truyền tải điện... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 2 gây ra.