Thái Nguyên tập trung khắc phục thiệt hại do mưa lớn

Ảnh hưởng của rãnh áp thấp qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ tối 9-9 đến sáng 10-9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa rất to kèm theo sấm sét dồn dập trong thời gian dài đã gây thiệt hại về người và nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ. Với tinh thần chủ động, tỉnh đã khẩn trương khắc phục hậu quả, đưa các hoạt động trở lại bình thường.

Công ty Điện lực Thái Nguyên huy động nhiều máy bơm công suất lớn hút tiêu thoát nước ở khu vực Trạm biến áp 110kV (TP Thái Nguyên) bị ngập do mưa lớn. Ảnh: HOÀNG CƯỜNG
Công ty Điện lực Thái Nguyên huy động nhiều máy bơm công suất lớn hút tiêu thoát nước ở khu vực Trạm biến áp 110kV (TP Thái Nguyên) bị ngập do mưa lớn. Ảnh: HOÀNG CƯỜNG

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, lượng mưa tại TP Thái Nguyên là 243 mm, Núi Cốc 270 mm, đặc biệt tại xã Phúc Trừu lượng mưa lên đến 361mm đã gây ra những thiệt hại nặng. Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 10-9, nhóm thợ xây gồm bốn người xây dựng các công trình tại nhà ông Phạm Mạnh Dũng ở tổ 5, phường Tân Lập, TP Thái Nguyên ngủ tại lán thì bất ngờ bức tường phía sau đổ, đè chết ba người, gồm: Ông Nguyễn Viết Tuấn, sinh năm 1974, cư trú tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh (Hà Nội); anh Vàng Văn Thới, sinh năm 1999; anh Vàng Văn Lượng, sinh năm 2001 đều trú ở xã Bản Ngò, huyện Sín Mần, tỉnh Hà Giang. Người may mắn thoát chết là anh Vàng Văn Viêng, sinh năm 1996 ở xã Bản Ngò kể lại: Tốp chúng tôi đi làm thợ xây tại địa phương, dựng lán dựa vào bức tường để làm chỗ ngủ. Đêm 9-9, trời mưa to, tường ngấm nước, bất ngờ đổ sập, đè lên ba người, tôi nằm ngoài cùng cho nên may mắn thoát nạn, chạy ra ngoài báo cho chủ nhà, các đội thợ xây khác và lực lượng của địa phương đến ứng cứu, nhưng cả ba nạn nhân đều không qua khỏi. Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh, TP Thái Nguyên và các cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo cứu nạn, khám nghiệm hiện trường, hỗ trợ phương tiện đưa các nạn nhân về gia đình lo hậu sự. TP Thái Nguyên hỗ trợ mỗi nạn nhân gần ba triệu đồng.

Bên cạnh đó, mưa lớn làm gần 1.200 gia đình bị ngập úng, 663 ha lúa bị ngập; trạm biến áp 110kV Thịnh Đán bị ngập sâu gây mất điện toàn khu vực. Trên địa bàn TP Thái Nguyên các tuyến đường như Cách mạng Tháng Tám, Minh Cầu, Hoàng Văn Thụ... nước ngập sâu, có thời điểm không thể đi lại được, làm gần 50 ô-tô bị hư hỏng; hầu hết các trường đều cho học sinh nghỉ học, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ.

Để sớm ổn định đời sống người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn, sáng 10-9, tỉnh Thái Nguyên cử hai đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó mưa lớn và khắc phục thiệt hại, thăm hỏi, hỗ trợ thân nhân gia đình có người chết. Lực lượng quân đội triển khai hơn 600 cán bộ, chiến sĩ, huy động nhiều phương tiện tham gia khắc phục thiên tai, nhất là bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Công ty Điện lực Thái Nguyên huy động tối đa lực lượng và phương tiện khắc phục sự cố; lực lượng dân phòng ở các tuyến phố tham gia ứng trực, tích cực thực hiện các biện pháp tiêu thoát nước cho nên đến chiều cùng ngày tình trạng ngập úng trên các tuyến phố đã cơ bản chấm dứt, các hoạt động ở TP Thái Nguyên trở lại gần như bình thường, một số khu vực ở TP Thái Nguyên đã được cấp điện. Các địa phương trong tỉnh và lực lượng chức năng tích cực khắc phục tình trạng ngập úng, tổ chức tuần tra, canh gác tại các đường qua sông, suối bị ngập, bến đò, ngầm tràn để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại, cấm vớt củi, các vật trôi trên sông và đánh bắt cá khi đang có lũ. Tiến hành kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn. Triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ chứa, kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ cho nên không xảy ra thiệt hại gì thêm.

Chiều ngày 10-9, Thường trực Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp khẩn với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Công điện khẩn về chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất, chỉ đạo các địa phương rà soát theo phương châm “bốn tại chỗ”, chú trọng dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có lũ lớn. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.