Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng"

NDO -

NDĐT- “Mọi năm bọn em có lá dong gói bánh chưng nhưng bây giờ thuyền viên thay người ở Nhật, không được mang sang Nhật những đồ như lá dong hay giò, chả nên bọn em phải cắt vỏ bao gạo ra gói tạm chục cái bánh chưng để có cái thắp hương. Gói được chị ạ mà lúc bóc ra ăn, bánh bị in màu của cái vỏ bao”…

Các thuỷ thủ tàu M/v Glorius Poeny gói bánh chưng bằng vỏ bao gạo do không mua được lá gói.
Các thuỷ thủ tàu M/v Glorius Poeny gói bánh chưng bằng vỏ bao gạo do không mua được lá gói.

Đây là chia sẻ của một thuỷ thủ tàu viễn dương khi tôi may mắn liên lạc được với các anh em trên tàu vào trưa 30 Tết.

Chiều 30 Tết, thời điểm mà những khâu chuẩn bị cuối cùng để đón một năm mới của mọi nhà có lẽ đã gần xong, những người ở xa chắc có lẽ cũng đã trở về nhà để đoàn viên cùng gia đình. Nhưng có những ngành nghề đặc thù mà những ai đã trót bén duyên với nó sẽ chẳng mấy khi được sum họp cùng gia đình những ngày Tết, những thuỷ thủ tàu viễn dưỡng là nhiều trong số đó.

Công Đoàn, một thuỷ thủ trẻ đi tàu được 5 năm, mới cưới vợ vào tháng 5 năm ngoái, Tết này không được đón Tết cùng gia đình và vợ mới cưới. Đoàn ít tuổi hơn tôi nên lúc nói chuyện, chúng tôi xưng hô “chị - em”. Đoàn chia sẻ, mới cưới vợ được mấy tháng mà đã đi tàu cũng được gần hai tháng rồi, năm nay Tết đầu tiên ở chồng nhưng vợ Đoàn chỉ có một mình. Tàu của Đoàn có tên M/v Glorius Poeny, ông chủ là người Nhật, chuyên chạy các tuyến quốc tế.

Năm nay, tàu của Đoàn gói bánh chưng từ 26 tháng Chạp. Do không có lá dong nên anh em trên tàu nghĩ ra cách cắt vỏ bao đựng gạo để gói bánh. Gạo nếp Việt Nam, đỗ với thịt thì mua được ở Mỹ.

Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 1
Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 2

Có lẽ đây là những chiếc bánh chưng độc nhất vô nhị trong mùa Tết năm nay.

Ngày Tết, thường nếu tàu chạy biển rảnh thì anh em được nghỉ một đến hai ngày, tổ chức tiệc liên hoan, hát hò và chơi trò chơi còn nếu cập cảng làm hàng thì hầu như không được nghỉ.

“Bọn em đi tàu cũng gói bánh cho có không khí. 30 Tết hôm nay tàu mới rời cầu cảngở Nhật chạy sang Busan, Hàn Quốc nhận dầu. Bọn em phải làm từ 4 giờ sáng, bây giờ mới được về nghỉ (lúc nói chuyện là 10 giờ sáng - giờ Việt Nam). Sáng mai mùng 1 tới cập cầu nhận xong chiều mai lại chạy sang cảng trả hàng ở Nhật. Nói chung là không được nghỉ ngày nào cả, Tết năm nay chẳng ai được nghỉ”, Đoàn chia sẻ.

Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 3

Tàu M/v Glorius Poeny trên biển.

Nghề thuỷ thủ tàu thường xuyên không được ăn Tết ở nhà dù dần dần cũng quen nhưng cứ Tết đến là không thể quên đi được nỗi nhớ nhà, nhớ mọi người trong gia đình. “Hôm qua, tàu em vừa thay bốn người ở Nhật. 29 Tết có người vẫn phải lên đường đi làm, người phải đi làm thì buồn, người được về thì phấn khởi, hào hứng lắm. Thấy anh, em được về, lúc nào cũng nghĩ không biết bao giờ mới đến lượt mình”, Đoàn nói.

Cũng như Đoàn, Trần Xuân Hào là bạn học của Đoàn, cũng mới cưới vợ tháng 7 năm ngoái, đang đi tàu tuyến Đông Nam Á. Lúc tôi liên lạc được với Hào là tàu của Hào vừa từ nước ngoài về, đang đi qua Mũi Cà Mau của Việt Nam. May mắn hơn Đoàn một chút là đợt này tàu của Hào về Sài Gòn, đúng dịp Tết được đón giao thừa trên biển Việt Nam và chiều mùng 1 Tết thì được vào bờ. Tàu của Hào có 23 anh em, đều là người Việt Nam.

Dẫu vậy, cậu thuỷ thủ trẻ vẫn không vơi nỗi nhớ nhà dịp Tết đến Xuân về. “Buồn lắm chị ơi, bao nhiêu năm đi tàu là bấy nhiêu năm xa nhà. Năm ngoái chiều 30 Tết em rời Việt Nam. Chạy từ Sài Gòn đi thấy bắn pháo hoa với nhạc mở hai bên bờ, nghĩ tủi thân lắm, em đi tàu 5 năm rồi. Tết chỉ có khi được ở nhà thôi”, Hào chia sẻ.

Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 4

Bàn thờ cúng tất niên trên tàu của thuỷ thủ Hào.

Vì chạy tuyến Đông - Nam Á nên tàu của Hào mua được nhiều đồ Tết như ở Việt Nam. Anh em trên tàu thường mua sẵn đồ từ khoảng 23 tháng Chạp. Nếu ở Việt Nam thì mua đồ ở Việt Nam, còn không thì mua thêm ở nước khác.

“Năm nay, bọn em sắm đồ Tết ở Thái Lan. Hoa quả bên Thái Lan cũng giống mình. Giao thừa tất cả anh em tập trung ở câu lạc bộ, thắp hương, hát hò, buồng lái thì bấm mấy hồi còi báo hiệu giao thừa. Cây mai bọn em mua ở Sài Gòn, mua trước cả tháng, chăm nó cũng khổ”, Hào chia sẻ.

Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 5

Một trong những thú vui trên tàu của các anh em thuỷ thủ là câu cá. Những ngày cuối năm, Hào cũng các anh em trên tàu vẫn duy trì thú vui ấy.

Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 6

Thứ luôn dồi dào trên các con tàu của thuỷ thủ chính là hải sản.

Gần chục năm đi biển là từng ấy năm anh Bùi Đức Tuân không được ăn Tết ở nhà. Cuộc trò chuyện với anh giữa trưa 30 Tết liên tục bị ngắt quãng vì tàu anh đang làm hàng. Con tàu anh đang đi có tên Royal 36. Tết năm nay, tàu anh cúng tất niên từ 29 tháng Chạp, đồ cúng, hoa quả được mua ở Myanmar. Tàu anh cúng trước vì ngày 30 tàu vào bờ phải làm hàng. Đi tàu lâu năm nên anh cũng có nhiều kỷ niệm đón Tết của đời thuỷ thủ. Có năm đón Tết lúc tàu chạy trên biển, có năm đón Tết lúc tàu đang neo, lại có năm đón Tết đúng lúc tàu đang làm hàng như năm nay. Khi thì đón Tết ở Trung Đông, khi thì đón Tết ở Đông - Nam Á,… Kỷ niệm vui nhất của anh là vào Tết năm 2016, khi hai tàu của công ty anh đều cập một cảng, anh em cùng liên hoan đón Tết.

Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 7
Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 8

Đồ cúng tất niên và bàn thờ Tết Canh Tý của tàu Royal 36.

“Chúng tôi đi tàu không có ngày nghỉ, làm việc theo ca, ca ai thì người ấy đi làm, hôm nay 30 Tết vẫn phải làm hàng. Cảm giác đón Tết trên tàu vẫn không được như ở nhà, lúc nào cũng nghĩ về gia đình. Năm nào may thì còn mua được đồ ăn Tết còn năm nào bị nhỡ thì ít đồ hơn”, anh Tuân chia sẻ.

Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 9
Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 10

Gói bánh chưng và liên hoan tất niên Xuân Canh Tý trên tàu Royal 36.

Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 11

Không khí chuẩn bị Tết năm 2019 trên tàu của anh Tuân, khi ấy, tàu anh đang trên đường sang Ấn Độ.

Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 12
Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 13

Bàn thờ cúng tất niên và cảnh gói bánh trưng trên tàu PTV Synergy, đang neo ở Singapore.

May mắn hơn cả có lẽ là các thuỷ thủ đi tàu trong nước, tàu dịch vụ gần bờ. Mặc dù cũng phải đón Tết trên biển nhưng các anh có điều kiện được sắm sửa một cái Tết đủ đầy hơn. Được cập cảng từ ngày 23 tháng Chạp và lưu lại cảng một vài ngày, anh em thuỷ thủ tàu dịch vụ Sông Dinh, chủ yếu phục vụ các giàn khoan gần bờ, của Xí nghiệp Vận tải biển và công tác lặn thuộc Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) đã kịp sắm cho mình đầy đủ đồ Tết, từ hoa cúc, hoa dơn, chuối xanh, rồi đến mai vàng, lá dong, gạo, đỗ để gói bánh chưng.

Chiều 30 Tết, mặc dù vẫn phải làm việc, ai trực thì trực còn lại tập trung chuẩn bị đón giao thừa. Các anh thậm chí còn thịt một con lợn để liên hoan.

Đủ đầy hơn các anh em thuỷ thủ khác là thế nhưng khi được hỏi cảm giác đón Tết trên biển như thế nào, các anh đều chung một câu trả lời “chúng tôi chẳng thiếu gì, chỉ thiếu gia đình bên cạnh”!

Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 14

Bàn thờ trên tàu Sông Dinh mang đầy đủ hương vị Tết Việt.

Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 15

Bánh chưng gói bằng lá dong khác hẳn bánh chưng gói bằng lá chuối hay... vỏ bao gạo.

Tết của thuỷ thủ viễn dương: “Không có lá dong, cắt tạm vỏ bao gạo gói bánh chưng" ảnh 16

Từ tàu Sông Dinh, phía xa là giàn khoan TTK3 thuộc mỏ dầu Bạch Hổ.