Tết ấm với bà con nghèo Sóc Trăng

Tết Kỷ Hợi đã đến gần, chúng tôi có dịp về thăm một số địa phương ở Sóc Trăng. Năm nay các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức nhân đạo, nhà hảo tâm đang có nhiều nỗ lực chăm lo Tết cho những gia đình nghèo, trẻ em khuyết tật, mồ côi… để người dân đón Tết cổ truyền đầm ấm, sum vầy.

Bộ đội cùng người dân làm đường giao thông nông thôn ở huyện Trần Ðề nhân hoạt động Tết Quân - dân. Ảnh: TRUNG HIẾU (TTXVN)
Bộ đội cùng người dân làm đường giao thông nông thôn ở huyện Trần Ðề nhân hoạt động Tết Quân - dân. Ảnh: TRUNG HIẾU (TTXVN)

Theo quốc lộ 1 từ TP Sóc Trăng về huyện Châu Thành rồi đến cầu Ba Rinh rẽ phải về xã Ðại Hải, huyện Kế Sách - hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng với chúng tôi là sức sống mới đang về với người dân nơi đây. Ðó không chỉ vì sinh khí rộn ràng, náo nức khi Xuân về, Tết đến mà còn là diện mạo của những làng quê nghèo đang có nhiều khởi sắc. Ðại Hải bây giờ thay đổi nhiều, tất cả các con đường từ xã về ấp đều được trải bê-tông, thuận tiện cho người dân đi lại, làm ăn. Ðến đâu cũng thấy bà con đang tất bật với công việc ruộng nương, sửa sang lại nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Nhìn những cánh đồng lúa đông xuân vàng ươm, những căn nhà tường mới xây của bà con các ấp Mang Cá, Ba Rinh Ðông Hải, Hậu Bối… chúng tôi không còn nhận ra vóc dáng Ðại Hải ngày nào. Chủ tịch UBND xã Ðại Hải Trương Thanh Bình cho biết: Trước đây, vùng đất này còn hoang vắng lắm, chỉ có lau sậy, mọc bạt ngàn, phần lớn diện tích đất nông nghiệp nơi đây bị nhiễm phèn nặng, hiệu quả sản xuất thấp cho nên ít người dân đến lập nghiệp, sinh sống. Cái nghèo cứ đeo bám mãi, đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng từ khi được hưởng lợi từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở nông thôn cho nên đời sống người dân đã có bước phát triển đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Ðồng chí Bình cho biết thêm, năm nay, hầu hết những hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã đã trả sổ hộ nghèo cho chính quyền địa phương, trong đó, 164 hộ xây dựng nhà kiên cố, mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình. Ông Nguyễn Văn Sang, ngụ ấp Hậu Bối hớn hở khoe: Tết này gia đình tui cũng như bà con chòm xóm rất mừng vì nhiều nhà trúng mùa lúa, trúng giá lại được đón Tết trong những ngôi nhà mới. Thật sự, không có niềm vui nào bằng! Anh Trần Văn Mẫn, ở ấp Số 1, trước đây gia đình nghèo tới mức “không có cục đất chọi chim” phải bỏ xứ đi làm thuê, làm mướn để kiếm kế sinh nhai. Nay thấy quê hương thay da đổi thịt, vợ chồng gom góp vốn liếng tích lũy được, về đầu tư xây dựng lò sấy lúa, mở đại lý bán tạp hóa, cuộc sống đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Anh Mẫn tâm sự: Tui nhớ, ngày xưa người dân nơi đây còn ít lắm, chỉ khoảng vài chục hộ gia đình, chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy và độc canh cây lúa, không chỉ mình nghèo mà nhiều bà con trong xóm quanh năm suốt tháng cũng vậy. Tết đến thì càng hẩm hiu hơn! Thế mà, bây giờ trở thành những cụm dân cư sung túc, có nơi hình thành khu vực mua bán sầm uất. Những hộ còn nghèo được chính quyền, bà con chòm xóm chung tay giúp đỡ, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế gia đình.

Dưới ánh nắng Xuân ấm áp, ngược về TP Sóc Trăng, chúng tôi đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội Sóc Trăng tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, thuộc phường 3, TP Sóc Trăng. Ở đây, những ngày cuối năm với những người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi thì Tết là cả một sự chờ mong. Các em mong Tết đến, vì đó là dịp có các bác, các cô, chú đến thăm hỏi, trò chuyện; lại được ăn mứt kẹo, được mặc quần áo mới… Tại đây, mọi thứ chung quanh trông ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ. Bọn trẻ được nuôi dưỡng chu đáo, đều rất ngoan và đang lớn khôn từng ngày. Dù thiếu tình thương gia đình nhưng các em được chăm sóc, đùm bọc bởi các cô chú công tác tại trung tâm, phần nào vơi đi nỗi buồn, chăm chỉ học tập, vui chơi với bạn bè trong sự hồn nhiên của trẻ thơ. Cháu Nguyễn Văn Thiện, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, 12 tuổi, đang học lớp 6 kể với chúng tôi: “Tết năm nay, cháu và các bạn vui lắm. Suốt ngày được chơi, bữa cơm có thịt kho tàu, bánh tét thật ngon…”. Hai cháu Trần Văn Kha, 11 tuổi và Nguyễn Thanh Hùng, 12 tuổi tranh nhau khoe: “Tụi cháu đứa nào cũng có quà, nào bánh, nào kẹo, mứt và có cả tiền lì xì nữa. Các bạn khác trong trung tâm cũng đều được như vậy”. Còn cụ bà Âu Thị Lạc, 82 tuổi, quê huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), đang được trung tâm nuôi dưỡng kể: “Mấy năm trước, nhà nghèo, không có con cháu cho nên đâu có ăn Tết. Tết năm nay vui quá, có nhiều người đến thăm hỏi, tặng quà, lại có tiền mừng thọ”. Không chỉ người già yếu không nơi nương tựa, các cháu khuyết tật, mồ côi mà Xuân về, trường hợp khó khăn trong tỉnh cũng được chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể quan tâm.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng Lâm Dũng Liêm cho biết: Ðã thành thông lệ, cứ vào những ngày cuối năm, dù cơ quan còn nhiều công việc, thế nhưng anh em chúng tôi vẫn dành thời gian chăm lo cho những người nghèo được vui Tết, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Năm nay, với nhiều hình thức hoạt động thông qua các tổ chức thành viên, đơn vị đã khơi dậy tinh thần đoàn kết “tương thân, tương ái”, tương trợ giúp đỡ nhau ở cộng đồng dân cư. Tính đến cuối năm 2018, Quỹ Vì người nghèo của tỉnh đã vận động được 61 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ xây dựng 250 căn nhà Ðại đoàn kết, tặng 27.870 phần quà Tết cho hộ nghèo, cận nghèo… Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp tổ chức đoàn đi thăm hỏi, tặng nhiều phần quà, trị giá hơn 8,4 tỷ đồng để chia sẻ với các gia đình nghèo, gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại TP Sóc Trăng, công viên Hồ Nước Ngọt và Nhà văn hóa Thiếu nhi, Công trường 30-4 tổ chức chương trình vui Tết, đón Xuân với những trò chơi cổ truyền dân tộc, biểu diễn văn nghệ, tặng quà, mừng tuổi các cháu thiếu nhi nghèo ở các địa bàn dân cư. Những món quà Tết mang đến cho người nghèo đều thấm đậm nghĩa tình và có chung một mong ước là Xuân về, Tết đến mọi người, mọi nhà đều ấm no, hạnh phúc.

Cùng hoàn cảnh nghèo, bác Vũ Văn Cảnh, ngụ Khu 2, xã Thạnh Phú xúc động nói: “Gia đình đông con, các cháu còn nhỏ, suốt ngày hai vợ chồng đẩy xe mướn lo cho con cái ăn học còn không đủ lấy đâu lo Tết. Không có Nhà nước, bà con gần xa giúp, chúng tôi không biết Tết nhất là gì”. Số tiền, quà Tết được nhận tuy không lớn nhưng sự quan tâm lo lắng sẻ chia của các cấp chính quyền và xã hội đối với những người gặp hoàn cảnh khó khăn dịp Tết đến, Xuân về khiến ai nấy đều ấm lòng. Anh Lê Văn Tông, ngụ ấp Hòa Phuông, xã Hòa Tú 1 vui mừng nói: “Năm nay, con mình đã có bộ quần áo mới khoe với bè bạn xóm giềng rồi!” - Khi mở gói quà Tết, bé gái con anh thấy chiếc áo đầm, liền cười đòi: “Cho con đi ba, cho con đi ba!” . Với vẻ hồn nhiên và niềm vui trong ánh mắt trẻ thơ khiến chúng tôi không khỏi xúc động.

Mừng hơn là mùa Xuân này, gia đình bác Võ Thanh Xuân ở ấp Công Hòa, xã Gia Hòa 1 được ăn Tết trong căn nhà mới. Ngôi nhà gạch thoáng mát rộng 50 m2, mái tôn, tường còn nồng mùi vôi mới . Bác nghẹn ngào bảo: “Cả đời tôi chỉ sống ở chòi, gạo còn phải chạy ăn từng bữa, thì lấy tiền đâu cất nhà. Năm nay không chỉ được tặng quà ăn Tết mà còn được ở trong căn nhà khang trang, sạch sẽ lại có bàn thờ cúng ông bà tổ tiên thì còn gì sung sướng bằng. Mừng thật là mừng! Ơn này của Ðảng, Nhà nước và bà con lối xóm không biết đến bao giờ tôi mới trả được!”. Tết này có thêm nhiều hộ gia đình nghèo khác được đón Tết trong những căn nhà mới, được xây dựng bằng tình làng nghĩa xóm, sự chung tay giúp đỡ của Quỹ Vì người nghèo địa phương.

Những ngày này, chúng tôi cảm nhận được bao điều tốt lành đang đến, đó là sự đổi thay cuộc sống đối với những người nông dân chân lấm, tay bùn, quanh năm dãi gió, dầm sương; đó là niềm vui của trẻ thơ, người già neo đơn được đón nhận những tình cảm chân thành, ấm áp. Cuộc sống mới giúp người dân tự tin hơn, nỗ lực vượt lên số phận, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu thoát nghèo để vui Xuân, đón Tết thật đầm ấm, hạnh phúc.