Tập trung ứng phó dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (7-4), ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 15 đến 30 mm/24 giờ, riêng Lai Châu, Ðiện Biên, Lào Cai, Hà Giang có nơi hơn 60 mm/24 giờ.

Nông dân huyện Ân Thi (Hưng Yên) phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa.
Nông dân huyện Ân Thi (Hưng Yên) phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét và mưa đá: Cấp 1.

Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, chỉ số UV cực đại tiềm năng trong ba ngày tới tại các tỉnh, thành phố miền bắc, phổ biến đều có nguy cơ gây hại cao, riêng Hà Nội, ngày 8-4 có nguy cơ gây hại rất cao và ngày 9-4 có nguy cơ gây hại trung bình. Với các tỉnh miền trung và miền nam, phổ biến đều có nguy cơ gây hại rất cao.

★ Tại tỉnh Lào Cai có không khí lạnh tác động, trong đó, ngày 6-4, tại thị xã Sa Pa có rét hại với nền nhiệt xuống tới 12,90C. Các địa phương trong tỉnh đề phòng mưa đá, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất đá bất ngờ...

★ Mưa dông từ ngày 3 đến 5-4, tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) khiến một ngươi bị thương, 20 ha lúa, hoa màu thiệt hại, ba công trình thủy lợi hư hỏng, tuyến giao thông ÐH13 qua xã Sơn Nam bị sạt lở 394,2 m taluy âm... Chính quyền địa phương đang khẩn trương khắc phục thiệt hại.

★ Tỉnh Thái Nguyên đã lắp đặt 19 trạm đo mưa và trước mùa mưa năm nay sẽ lắp đặt hoàn chỉnh thêm 10 trạm đo mưa ở các xã xung yếu, có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống.

★ Hiện nay, tỉnh Yên Bái có hơn 1.000 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh. Ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh gây hại trên lúa, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

★ Theo Cục Bảo vệ thực vật, tổng diện tích bị nhiễm ốc bươu vàng trong vụ đông xuân 2020-2021 của các tỉnh, thành phố phía nam là 5.418 ha, tăng 2.115 ha so với vụ đông xuân trước. Một số tỉnh bị ảnh hưởng như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Ðồng Tháp, Long An, Hậu Giang...

Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, tại các tỉnh, thành phố phía nam, diện tích bị chuột gây hại là 6.294 ha, tăng 55 ha so với vụ đông xuân 2019-2020, với tỷ lệ gây hại phổ biến 5 đến 7%; tỷ lệ gây hại hơn 10% trên diện tích 102 ha. Cũng tại các tỉnh, thành phố phía nam, diện tích bị nhiễm sâu năn là 7.449 ha, tăng 3.545 ha so với vụ đông xuân năm trước, tỷ lệ gây hại phổ biến 10 đến 20%, tỷ lệ hơn 40% có diện tích 20 ha.

★ Bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên các trà lúa đang đẻ nhánh rộ tại Nam Ðịnh với tỷ lệ cao 5 đến 7%, cục bộ có nơi lên tới 10 đến 15%. Ngành chức năng khuyến cáo người dân dùng thuốc đặc hiệu phòng trừ dịch bệnh...

★ Hiện, tỉnh Thanh Hóa có hơn 700 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá; trong đó, nhiễm nặng 390,2 ha, trung bình 175 ha, nhẹ là 141 ha. Ngành chức năng đang hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ...

★ Vụ lúa xuân 2021, tỉnh Nghệ An gieo cấy 90.300 ha lúa. Hiện, có hơn 1.300 ha lúa bị bệnh đạo ôn lá; trong đó, có gần 80 ha nhiễm nặng. Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn người dân phun thuốc trừ dịch bệnh...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.762 hộ, thuộc 145 xã của 19 huyện, tổng số lợn đã tiêu hủy là 4.794 con.

Từ ngày 10-2 đến nay, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trở lại tại Nghệ An. Trong thời gian ngắn đã lan ra 85 ổ dịch với 668 con trâu bò bị mắc bệnh; trong đó, có 26 con chết phải tiêu hủy.

★ Hiện nay, hơn 1.000 ha lúa xuân ở Hà Tĩnh đã bị nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ nhiễm trung bình khoảng 10 đến 20%. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

★ Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trồng khoảng 4.198 ha sắn. Hiện nay, các địa phương đã trồng được khoảng 3.072 ha. Tuy nhiên, bệnh khảm lá sắn đang gây hại khoảng hơn 1.003 ha tại các huyện Phong Ðiền, A Lưới...

★ Bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 33 thôn, 12 xã của huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với tổng số trâu, bò bị mắc bệnh là 299 con. Ngành chức năng đã tạm ứng 16 nghìn lít hóa chất Benkocid để phân bổ cho các huyện chống dịch...

★ Tại hai huyện Ðồng Xuân và Sông Hinh (Phú Yên) có 180 con gia súc mắc bệnh lở mồm long móng. Hiện, tỉnh đã phân bổ 8.000 lít thuốc Benkocid cho các địa phương này để phun sát trùng, tiêu độc môi trường và cấp 1.080 lít thuốc Iodine để xử lý các ổ dịch.

★ Trong tháng 6, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Ðịnh bắt buộc tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tại tỉnh phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP). Hiện, tỉnh đã cấp được hơn 160 giấy chứng nhận ATTP. Ðến nay, Bình Ðịnh đã có hơn 2.800 trong số 3.200 tàu có chứng nhận ATTP.

PV và CTV