Tập trung triển khai công tác phòng chống bão số 3

NDO -

NDĐT - Dự báo bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh đến Nam Định vào trưa mai, trọng tâm là Quảng Ninh và Hải Phòng với sức gió giật cấp 11. Để ứng phó với bão, sáng 1-8, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp triển khai công tác phòng, chống bão số 3.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai họp triển khai công tác phòng, chống bão số 3 sáng 1-8.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai họp triển khai công tác phòng, chống bão số 3 sáng 1-8.

Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão đang di chuyển chậm hơn so với hôm qua, di chuyển hướng Tây, sau đổi hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 5-10km/giờ.

So với các cơn bão khác, bão số 3 có hoàn lưu tương đối rộng. Dự báo trưa mai, bão đổ bộ vào Quảng Ninh đến Nam Định, trọng tâm là Quảng Ninh và Hải Phòng với sức gió cấp 7-8, giật cấp 11.

Tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ven biển Quảng Ninh và Hải Phòng có khả năng gió bão cấp 7-8, giật cấp 10-11.

Theo ông Mai Văn Khiêm, trong hôm nay và ngày mai, mưa lớn tập trung ở phía Đông Bắc Bộ, Thanh Hoá. Ngày 3 đến 4-8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-300mm, có nơi trên 400mm. Tại Hà Nội có mưa rất to với lượng mưa từ 100-200mm.

Ngoài ra, bão số 3 đổ bộ vào đất liền đúng thời điểm triều cường dâng nên ở ngoài khơi nước dâng cao khoảng 3-5m, 2-3m trong đất liền.

Tại Quảng Ninh, đến 7 giờ sáng nay còn khoảng 200 khách du lịch trên đảo Cô Tô, địa phương sẽ bố trí phương tiện cho những người có nhu cầu vào đất liền, đồng thời căn cứ tình hình thực tế để cấm biển.

Hải Phòng sẽ cấm biển, đình chỉ hoạt động phà trước 12 giờ và Thái Bình dự kiến cấm biển trước 10 giờ trưa nay.

Thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, các đơn vị tuyến biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.402 tàu/274.641 người. Hiện, có 20 tàu/120 ngư dân của Quảng Bình (mới xác định được số hiệu 6 tàu) đang vào tránh trú bão tại đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng đã thông báo, hướng dẫn cho: 505 tàu du lịch, 87 phương tiện chở khách; 1.937 khách du lịch (trong đó có 163 khách nước ngoài tại Hải Phòng); các chủ của 19.723 lồng bè; chòi canh 3.569 (mỗi chòi có 1 - 2 người).

Liên quan tới an toàn đê điều, hệ thống đê điều các tỉnh khu vực Bắc Bộ còn 47 công trình đang thi công dở dang.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng, khi đã đưa người dân ở lồng bè, chòi canh lên bờ thì không được cho xuống. Ngoài ra, cần cấm biển, không cho khách du lịch ra các đảo.

“Hiện nay, một số người dân có xu thế đi du lịch ở các đảo khi có bão để trải nghiệm bão, đi xem bão. Do vậy, khi khách đã đặt tour du lịch vào dịp bão cần cấm biển, không cho người dân ra đảo để đảm bảo an toàn”, ông Hiệp nói.

Theo Thứ trưởng Hiệp, bão sẽ đổ bộ vào trưa mai, với cường độ mưa ở Đông Bắc Bộ 100-200mm, Bắc Trung Bộ 300-400 mm, thời gian mưa kéo dài. Đồng thời, nước triều cường dâng nên có thể gây ra ngập úng đô thị rất lớn.

Thứ trưởng yêu cầu các tỉnh, địa phương cần phòng tránh ngập lụt, có giải pháp để tránh ngập lụt bất ngờ, nước dâng quá nhanh khiến thiệt hại kinh tế lớn. Ngoài ra, đề phòng sạt lở đất, sạt trượt, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn người dân qua ngầm, tràn.

Trước việc cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) được cho là đáng lo ngại vì chưa xử lý xong sự cố, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Tổng cục Thuỷ lợi cùng Hà Nội kiểm tra vì nếu cống này có chuyện thì Hà Nội sẽ gặp nguy hiểm.

Ông cũng đề nghị lực lượng vũ trang sẵn sàng lực lượng và trang thiết bị có thể đi bất kỳ thời tiết, địa hình nào và phương tiện nếu có sự việc xảy ra.

*UBND tỉnh Quảng Ninh đã có thông báo bắt đầu từ 10 giờ ngày 1-8, tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi và yêu cầu tất các tàu chạy tuyến đảo phải trở về nơi tránh trú an toàn trước 12 giờ trưa nay. Đồng thời, tạm dừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển.

Trước đó, ngày 31-7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công điện yêu cầu thủ trưởng các địa phương, các sở ban, ngành, đơn vị trên địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3, tổ chức ứng trực 24/24 giờ và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bão.

Tại huyện Cô Tô, đến thời điểm này đã có 416/480 phương tiện đã về nơi tránh trú an toàn; 64 phương tiện đã di chuyển về khu vực âu cảng (khu dịch hậu cần nghề cá bắc Vịnh Bắc Bộ, bao gồm cả các phương tiện ngoài huyện). Huyện vẫn tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình, tiếp tục kêu gọi các tàu về nơi tránh trú an toàn.

Tập trung triển khai công tác phòng chống bão số 3 ảnh 1

Lực lượng quân đội kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng về nơi tránh trú bão an toàn tại thôn 2, xã Thanh Lân. (Ảnh: QUANG THỌ)

Toàn huyện có 12 bè nuôi cá ô lồng với 80 ô lồng, năm bè nuôi với 20 ô lồng đã di chuyển về nơi tránh trú an toàn; chín bè nuôi với 60 ô lồng đã di chuyển về khu vực âu cảng (khu dịch hậu cần nghề cá bắc Vịnh Bắc Bộ); Lượng du khách ở lại trong các cơ sở lưu trú trên đảo là 307 người, có bốn du khách người nước ngoài (hai du khách người Anh, hai du khách người Đức). Các du khách đã nhận được đầy đủ thông tin và hướng dẫn an toàn.

* Từ đêm qua đến sáng nay (1-8), toàn tỉnh Thái Bình có mưa vừa trên diện rộng. Ngay trong sáng nay, tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương không được chủ quan trước diễn biến phức tạp của bão số 3.

Tập trung triển khai công tác phòng chống bão số 3 ảnh 2

Trạm bơm Lịch Bài (Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) mở hết công suất tiêu nước đệm trong đồng, tránh ngập úng khi bão vào. (Ảnh: MAI TÚ)

Ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh,Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình cho biết: Tỉnh đã thực hiện cấm tàu, thuyền ra khơi bắt đầu từ 10 giờ sáng nay, đồng thời kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn. Tổ chức kiểm đếm phương tiện và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với tất cả chủ phương tiện đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Được biết, trước 16 giờ chiều nay Thái Bình cũng tổ chức sơ tán toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống ở các khu vực nguy hiểm ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn vào trong đê chính. Bên cạnh đó, đóng các cửa khẩu qua đê sông, đê biển, chỉ đạo chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, nhà xưởng… bảo đảm an toàn trong bão.

Bắt đầu từ hôm nay, tỉnh hoãn các cuộc họp và các hoạt động chưa thật sự cần thiết; tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường lực lượng ứng trực theo quy định. Thái Bình cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động ứng cứu với các tình huống theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Ở trong nội đồng, để bảo vệ khoảng 78 nghìn ha lúa mùa mới gieo cấy cũng như hơn 7 nghìn ha cây hè thu, UBND tỉnh đang gấp rút yêu cầu các trạm bơm thuộc hai Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình triệt để tiêu nước đệm trong đồng ra hệ thống, tránh úng ngập khi có mưa to, ảnh hưởng tới sinh trưởng của lúa và hoa màu.

*Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) TP Hải Phòng, đến 17 giờ 30 phút chiều 1-8, trên vùng biển Hải Phòng không còn phương tiện nào hoạt động xa bờ. Hiện có 37 phương tiện với 79 lao động ở khu vực cửa sông Văn Úc đang di chuyển vào bờ tránh bão số 3.

Theo quan sát của Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ và Trạm Ra đa hải quân, vùng biển quanh đảo Bạch Long Vĩ hiện không còn phương tiện nào hoạt động.

Tập trung triển khai công tác phòng chống bão số 3 ảnh 3

Ngư dân đưa tàu thuyền về bến cá Ngọc Hải (Đồ Sơn) tránh bão.

Lực lượng Bộ đội biên phòng Hải Phòng phối hợp với các địa phương, đơn vị kiểm đếm, thông báo cho 3.164 phương tiện với 12.435 lao động; 465 lồng bè với 1.290 lao động; 350 chòi canh với 288 lao động đang hoạt động và neo đậu tại các bến thuộc địa bàn biên phòng biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 3 để chủ động phòng tránh.

Hiện tại các khu neo đậu trên địa bàn thành phố có 3.127 tàu thuyền đang neo đậu tránh bão. Trong đó, 2.423 tàu thuyền của Hải Phòng; 554 tàu thuyền của các địa phương bạn.

Tại cảng Hải Phòng có 17 tàu nước ngoài và 133 tàu Việt Nam đang neo đậu. Quận Đồ Sơn đôn đốc 11 phương tiện với 23 lao động và năm người trên chòi canh nuôi ngao đang trên đường vào bờ khẩn trương.

Tại huyện Kiến Thụy, 52 lao động trên các chòi nuôi ngao cũng đang trên đường vào bờ tránh trú. Quận Hải An đang yêu cầu 10 phương tiện với 20 lao động đang khai thác thủy sản trên vùng bãi bồi Tràng Cát khẩn trương vào bờ tránh bão...

Tập trung triển khai công tác phòng chống bão số 3 ảnh 4

Tàu SAR 411 được Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I điều động ra ứng trực tại vịnh Lan Hạ (Cát Bà). (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG)

* Chiều 1-8, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đã ban hành hai công điện và yêu cầu các cấp, các ngành triển khai ngay một số nội dung cấp bách nhằm chủ động ứng phó với bão số 3

Theo đó, các địa phương và cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm, khẩn trương về nơi tránh trú an toàn.

Cùng ngày, Bộ đội Biên phòng cùng các địa phương, ban quản lý các cảng cá, âu tránh trú bão đôn đốc, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn tại nơi neo đậu.

Các khu du lịch hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho du khách; các huyện đồng bằng, đô thị tăng cường tuần đê, bảo vệ đê điều, các công trình dưới đê, rà soát phương án phòng chống bão theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Tập trung triển khai công tác phòng chống bão số 3 ảnh 5

Bộ đội Biên phòng Sầm Sơn giúp ngư dân neo chặt buộc phương tiện.

Các cơ quan chức năng cùng các huyện, xã ở miền núi tiến kiểm tra, có phương án bảo đảm an toàn hồ đập, rà soát khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, tính đến 16 giờ ngày 1-8, Thanh Hóa có 7.044 phương tiện, 24.691 lao động đã về bến. Hiện còn 200 phương tiện, 557 lao động hoạt động tại vùng ven biển trong tỉnh và 51 phương tiện, 339 lao động hoạt động trên ngư trường các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định.

Tất cả các phương tiện đều đảm bảo kết nối thông tin liên lạc và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa chỉ đạo bốn đài thông tin báo bão thường xuyên thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 3 để chủ động phòng, tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn.

Cùng ngày, đoàn công tác của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa đi kiểm tra các công trình phục vụ công tác tiêu thoát lũ ở các huyện: Hoằng Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn. Qua kiểm tra, đoàn công tác đề nghị Công ty TNHH MTV thủy lợi bắc sông Mã cùng các đơn vị đang quản lý, khai thác công trình thủy lợi khẩn trương duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, bảo đảm vận hành hệ thống tiêu thoát lũ khi có lệnh.