Tập trung phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Thời gian gần đây, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) bùng phát mạnh tại tỉnh Quảng Bình. Ðiều đáng nói là đợt mưa, lũ lịch sử cuối năm 2020 làm thiệt hại lớn đến đàn gia súc, đến nay chưa kịp khôi phục thì người chăn nuôi ở đây lại phải đối mặt với dịch tả lợn châu Phi và bệnh VDNC, cho nên gặp rất nhiều khó khăn.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho vật nuôi ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho vật nuôi ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm 2021 đến ngày 20-4, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện tại sáu huyện, thị xã và TP Ðồng Hới làm 851 con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy với trọng lượng hơn 48.000 kg. Trong khi DTLCP tạm lắng xuống thì từ ngày 8-2, tại Quảng Bình xuất hiện bệnh VDNC trên trâu, bò khiến người dân lo lắng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vương cho biết, VDNC trên trâu, bò là bệnh truyền nhiễm gây nên bởi vi-rút, không có thuốc chữa trị. Dù xuất hiện muộn hơn các địa phương khác nhưng chỉ sau khoảng 20 ngày, bệnh VDNC đã gây hại tại chín xã, làm gần 500 con trâu, bò bị bệnh. Phòng NN-PTNT phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở tăng cường bám địa bàn; tổ chức tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi về bệnh VDNC trên trâu, bò. Các xã triển khai phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi; khuyến cáo các hộ phun thêm hóa chất, rải vôi bột diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… để hạn chế vật trung gian truyền bệnh; tập trung chăm sóc, bổ sung thêm thức ăn giàu dinh dưỡng cho trâu, bò. Sau khi được tỉnh cấp 5.500 liều vắc-xin phòng bệnh VDNC, huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm và đến nay đã hoàn thành tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Hiện, Lệ Thủy còn thiếu khoảng 10.000 liều mới có thể tiêm hết cho toàn bộ đàn vật nuôi.

Bố Trạch là huyện có đàn trâu, bò tương đối lớn của tỉnh Quảng Bình. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết, có 14 xã xuất hiện dịch với gần 300 con trâu, bò bị nhiễm bệnh, số con chết buộc phải tiêu hủy. Nguy cơ dịch VDNC trên trâu, bò tiếp tục lan rộng là rất cao, vì thế, huyện huy động lực lượng để tổ chức tiêm phòng với tiến độ nhanh, cùng với thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch và tăng cường bồi bổ sức đề kháng cho vật nuôi để phòng dịch bệnh. Ở hai xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch, người dân có thói quen thả gia súc trong rừng. Ðể hạn chế thiệt hại vì dịch bệnh, Phòng NN-PTNT huyện cấp vắc-xin, cử thêm cán bộ lên tăng cường, phối hợp chính quyền hai xã và các đồn biên phòng tiến hành tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Nhờ vậy, dịch bệnh VDNC ở các xã vùng cao Bố Trạch cơ bản được khống chế.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện tiêm phòng vắc-xin VDNC tại các địa phương ở Quảng Bình chậm hơn dự kiến, trong đó có nguyên nhân là do trạm thú y cấp huyện trước đây sáp nhập với các đơn vị như trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp cho nên việc tiếp nhận và thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh không đạt hiệu quả cao và kịp thời như trước. Mặt khác, hệ thống thú y cơ sở khá mỏng, năng lực hoạt động không đồng đều. Thậm chí, nhiều xã hiện không bố trí được nhân viên thú y chuyên trách mà buộc phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Chính quyền một số địa phương gần như giao khoán việc thực hiện tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm cho trung tâm dịch vụ nông nghiệp mà thiếu sự phối hợp, đôn đốc cụ thể khiến dịch bệnh chậm bị đẩy lùi. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, đến ngày 20-4, bệnh VDNC xảy ra tại 582 thôn ở 116 xã, phường, thị trấn của tất cả tám địa phương trong tỉnh, làm 5.677 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 284 con chết.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh VDNC trên trâu, bò, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Trong đó, tập trung tổng vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi có gia súc biểu hiện bị bệnh, toàn bộ các vùng có nguy cơ cao; khoanh vùng khu vực có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào vùng có dịch. Ngoài phun tiêu độc khử trùng, các hộ chăn nuôi trâu, bò cần chủ động mua ngay thuốc phun diệt muỗi, ve, ruồi chung quanh khu vực chăn nuôi. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình Mai Văn Minh, bệnh VDNC trên trâu, bò là loại bệnh mới, khả năng lây nhiễm cao cho nên các ngành, địa phương phải nhanh chóng vào cuộc để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về căn bệnh và cách phòng tránh, không hoang mang, dẫn đến việc bán tháo, giết mổ đàn trâu, bò; kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm từ thịt hay việc mua bán trâu, bò từ các địa phương khác tới nhằm quản lý tốt công tác phòng dịch.

Theo ông Mai Văn Minh, đây là loại dịch bệnh dễ lây lan, thời gian ủ bệnh dài, không làm gia súc chết ngay lập tức như các loại dịch bệnh khác. Vì vậy, khi thấy gia súc có dấu hiệu bị bệnh VDNC, người dân cần bình tĩnh, áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh, tích cực chăm sóc vật nuôi, tăng sức đề kháng để trâu, bò nhanh khỏi bệnh. UBND tỉnh Quảng Bình đã mua 40.800 liều vắc-xin để tiêm phòng cho trâu, bò. Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã hoàn thành việc tiêm phòng cho trâu, bò. Sắp tới, tỉnh Quảng Bình tiếp tục mua thêm 50.000 liều vắc-xin phòng bệnh VDNC để bảo đảm hơn 80% tổng đàn trâu, bò trong toàn tỉnh được tiêm phòng.