Tạo môi trường giao dịch trực tuyến hiệu quả cho người lao động, doanh nghiệp

NDO -

Ngày 21-1, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) triển khai hoạt động Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam tại địa bàn Thủ đô và tổ chức Phiên giao dịch việc làm chuyên đề công nghệ thông tin. 

Triển khai Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam hoạt động tại Hà Nội.
Triển khai Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam hoạt động tại Hà Nội.

Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam (ESIP) có địa chỉ tại website: http://esip.vieclamvietnam.gov.vn chính thức hoạt động từ ngày 29-12-2020 với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố được triển khai thí điểm đầu tiên, trước khi nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, năm 2020, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 181.000 người, đạt 116% kế hoạch đề ra.

Để mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động trong năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với sự phát triển của thị trường lao động; đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện các mô hình phát triển thị trường lao động trên nền tảng công nghệ số... Đồng thời, đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) tập trung quản trị, vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả ESIP tại Hà Nội; đa dạng hóa các hình thức, cách tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động cùng tham gia.

Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cũng đánh giá cao nỗ lực trong công tác giải quyết việc làm của TP Hà Nội và cho rằng, việc đưa ESIP đi vào hoạt động tại địa phương Thủ đô là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng kết nối cung - cầu lao động. Trên cơ sở thông tin, dữ liệu đa dạng về thị trường lao động, các đơn vị, địa phương sẽ có giải pháp xây dựng thị trường lao động phát triển theo hướng năng động, hiện đại, phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của từng địa phương trong thời kỳ mới.

Có thể thấy, Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam (http://esip.vieclamvietnam.gov.vn) với nhiều tính năng hữu ích, tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động dễ dàng kết nối để trao đổi trực tuyến, qua đó nâng cao chất lượng kết nối cung cầu lao động.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, việc triển khai hoạt động Cổng thông tin dịch vụ việc làm Việt Nam (http://esip.vieclamvietnam.gov.vn) tại Hà Nội được đánh giá là sẽ đẩy mạnh số hóa trong các hoạt động thông tin thị trường lao động, mạng giao dịch việc làm (GDVL), "tạo lập môi trường giao dịch trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp"...; xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trực tiếp tương tác và kết nối thông tin việc làm, tham gia các phiên GDVL trực tuyến…; và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống sàn GDVL, tăng tỷ lệ kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn TP Hà Nội trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Phiên GDVL chuyên đề công nghệ thông tin (CNTT) được tổ chức cùng ngày thu hút gần 50 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh gần 1.400 vị trí việc làm, học nghề. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở nhóm lao động có trình độ qua đào tạo, có chuyên môn, tay nghề trình độ từ trung cấp trở lên với hơn 80% tổng số chỉ tiêu….

Phiên giao dịch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực có chất lượng, được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực CNTT. Cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động, sinh viên và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán 2021.