Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn

Tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nhiều năm qua, nước ta phải nhập khẩu lượng lớn thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn công nghiệp. Trong khi đó, TĂCN thường chiếm từ 60 đến 70% chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Vì vậy, giải quyết những bất cập để phát huy "nội lực" của ngành chế biến TĂCN là lời giải cần thiết nhằm tăng sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Masan. Ảnh: Trọng Tùng
Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Masan. Ảnh: Trọng Tùng

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2020, Việt Nam nhập 19,6 triệu tấn TĂCN, với tổng trị giá là 5,7 tỷ USD. Trong tháng 1-2021, nước ta chi ra 366,49 triệu USD để nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, tăng 65% so cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết, hiện chúng ta chỉ tự túc được khoảng hơn 40% nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp (cám gạo, khoai mì), gần 60% nguồn nguyên liệu còn lại (ngô, lúa, mì, đậu tương...) vẫn phải nhập từ: Ác-hen-ti-na, Mỹ, EU... Thí dụ như nguyên liệu thức ăn gia súc có xuất xứ từ Ác-hen-ti-na nhập khẩu về Việt Nam trong tháng đầu tiên năm 2021 là 121,14 triệu USD, tăng 64,6% so tháng 1-2020. Nhiều ý kiến cho rằng, phải nhập TĂCN và nguyên liệu vì một số vùng sản xuất TĂCN ở nước ta chưa phát triển do năng suất cây trồng kém, người dân chưa tham gia vào chuỗi cung ứng TĂCN cho doanh nghiệp. Sản lượng ngô trong nước hiện chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu phục vụ chế biến TĂCN (mỗi năm ước tính Việt Nam vẫn phải nhập hàng triệu tấn ngô hạt, khô dầu đậu tương và khô dầu hạt cải), thiếu các gói kỹ thuật sản xuất ngô cho từng vùng sinh thái, cho nên nhiều thời điểm, giá ngô, đậu tương nhập khẩu lại thấp hơn giá ngô, đậu tương trồng trong nước.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất TĂCN lao đao vì thiếu nguyên liệu bởi ngành vận tải biển và đường bộ gặp khó khăn ở khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước (với 180 nhà máy sản xuất TĂCN, chiếm khoảng 35% thị phần cung cấp TĂCN), song lại chịu "lép vế" trước doanh nghiệp nước ngoài (85 nhà máy, nắm giữ 65% thị phần còn lại) bởi công nghệ sản xuất và quản lý TĂCN tự động hóa ở nhiều nhà máy chưa cao, nhất là ở những cơ sở sản xuất nhỏ, chế biến thức ăn bổ sung; chỉ khai thác được từ 40 đến 50% công suất thiết kế. Nguồn TĂCN và nguyên liệu từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở các địa phương còn bị bỏ ngỏ, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường do phần lớn người chăn nuôi chưa có kiến thức chế biến cũng như điều kiện để tự sản xuất TĂCN từ nguồn nguyên liệu dồi dào như: Thân cây ngô, cây chuối, ngọn mía... Chi phí sản xuất còn cao, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố (chi phí đất đai, tín dụng, thị trường, giá nguyên liệu nhập khẩu…), cho nên giá TĂCN của Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước chăn nuôi phát triển.

Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) Nguyễn Văn Thanh cho biết, một số lý do dẫn đến sự chênh lệch trong việc sử dụng TĂCN giữa doanh nghiệp và nông dân. Trước hết, do giống vật nuôi của doanh nghiệp và nông dân chăn nuôi khác nhau. Môi trường chăn nuôi cũng khác, doanh nghiệp thường sử dụng chuồng trại khép kín hiện đại, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học trong khi nông dân lại nuôi lợn ở các chuồng trại nhỏ lẻ, đơn sơ, ít áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Một số doanh nghiệp sản xuất TĂCN khác thì cho rằng, với vai trò là nhà sản xuất, doanh nghiệp chỉ muốn hạ giá TĂCN để giúp nông dân và tiêu thụ thêm nhiều sản phẩm, nhưng thực tế thì hệ thống cung ứng TĂCN hiện nay cơ bản do các đại lý và "đầu nậu" chi phối. Bất cập nữa là năng lực quản lý nhà nước về TĂCN còn hạn chế. Việc phân bố các nhà máy sản xuất TĂCN chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các vùng đồng bằng… Ðây là một số nguyên nhân cơ bản khiến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam còn yếu.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên và bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi, thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện ngay các giải pháp căn cơ để bình ổn thị trường TĂCN, đồng thời có biện pháp sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến, giảm bớt cơ sở sản xuất TĂCN thiếu hiệu quả. Tiếp tục chú trọng yếu tố khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ số (tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, phân phối và quản lý TĂCN). Bên cạnh đó, việc chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức chăn nuôi theo chuỗi liên kết đòi hỏi ngành chế biến TĂCN công nghiệp phải thay đổi theo hướng chuyên môn hóa để đáp ứng kịp xu hướng này. Các bộ, ngành liên quan cần rà soát và yêu cầu các doanh nghiệp nỗ lực cải tiến sản xuất để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành TĂCN. Quản lý TĂCN bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhất là khâu hậu kiểm chất lượng sản phẩm. Nên tính toán phù hợp sản lượng TĂCN trong nước với tốc độ phát triển của đàn gia súc, gia cầm; cân đối giữa diện tích trồng lúa và diện tích trồng ngô, nguồn nguyên liệu chính để làm TĂCN. Có biện pháp hữu hiệu giảm giá thành ngô thương phẩm, thông qua hai yếu tố chính là chi phí canh tác và năng suất để có thể chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Ðồng thời, hướng đến sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, cùng lựa chọn doanh nghiệp phù hợp để mua chung đơn hàng, tiến tới mua trực tiếp của các nhà máy để hưởng ưu đãi về giá, không phải qua trung gian. Tiếp tục thực hiện chu trình khép kín "sản xuất - tiêu thụ" theo chuỗi giá trị, phòng, chống dịch bệnh tốt, tận dụng nguyên liệu sẵn có để hạ giá thành TĂCN, tăng khả năng cạnh tranh.

Anh Quang