Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của TP Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh và người dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt.

Cơ quan chức năng TP Hà Nội lấy mẫu thức ăn để kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
Cơ quan chức năng TP Hà Nội lấy mẫu thức ăn để kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết: Do quá trình đô thị hóa nhanh, nhất là có nhiều trường đại học, các cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn, cho nên số lượng các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm tương đối lớn, với 4.655 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thời gian qua, bên cạnh việc ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản để triển khai công tác bảo đảm ATTP, UBND quận Cầu Giấy còn thí điểm một số mô hình điểm về ATTP và bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ. Trong đó, tính đến năm 2020 trên địa bàn quận đã xây dựng và duy trì 11 tuyến phố ATTP có kiểm soát, gồm ba tuyến cấp thành phố (Duy Tân, Trần Vỹ, Vũ Phạm Hàm); tám tuyến phố cấp quận tại các phường (Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu, Trung Hòa, Trung Kính, Trần Thái Tông, Nguyễn Khánh Toàn). Quận Cầu Giấy cũng triển khai thí điểm quản lý và cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh đủ điều kiện ATTP tại một số chợ trên địa bàn như gắn biển nhận diện cho bảy cơ sở kinh doanh đủ điều kiện ATTP đối với các hộ kinh doanh đủ điều kiện tại chợ Ðồng Xa.

Ðáng chú ý, thời gian qua các đoàn thanh tra, kiểm tra đã kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về ATTP lên đến gần 13 tỷ đồng. Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, UBND quận Cầu Giấy đã thu giữ, tiêu hủy nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá thời hạn sử dụng, không bảo đảm ATTP. Cụ thể, tiêu hủy thực phẩm và phụ gia thực phẩm trị giá hơn 600 triệu đồng, tiêu hủy gần 9.000 lít rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Tuy nhiên, hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn quận vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: tập quán ăn uống; thu nhập thấp dẫn đến tình trạng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến; vị trí cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ ATTP các tuyến còn thiếu, trình độ quản lý, chuyên môn còn hạn chế so với khối lượng và yêu cầu đòi hỏi đáp ứng ngày càng cao; cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về ATTP cấp phường chưa được bố trí...

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, năm 2016, toàn thành phố có hơn 59 nghìn cơ sở, đến năm 2020, đã tăng lên gần 84 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong khi đó, hiện nay sản xuất thực phẩm của thành phố mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố lân cận, cho nên nguy cơ mất ATTP là rất lớn. Trước thực trạng nêu trên, thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm thực phẩm luôn được chính quyền các cấp, các cơ quan có liên quan đặt lên hàng đầu. Từ năm 2016, đến nay toàn thành phố kiểm tra được hơn 520 nghìn cơ sở, trong đó phạt tiền 31.065 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 134,8 tỷ đồng; khởi tố 12 vụ, với 14 bị can có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng...

Ngoài ra, từ năm 2019, TP Hà Nội đã mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Sau hơn một năm triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành thanh tra được 8.119 cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý 2.050 cơ sở vi phạm (chiếm 25,2%), với tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng. Kết quả nêu trên cho thấy, việc xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành ATTP cao hơn, mạnh hơn so với các cuộc kiểm tra ATTP trước kia, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATTP của UBND các cấp. Ðối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP…

Không chỉ làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, TP Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình kiểm soát ATTP tại cộng đồng như: Mô hình kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người; mô hình hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; xây dựng tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm ATTP có kiểm soát. Ngoài ra, Hà Nội cũng phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm TP Hà Nội; phát triển chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị…

Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ATTP, TP Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hậu kiểm và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Thúc đẩy, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Tiếp tục huy động sự tham gia của toàn xã hội, trong đó tăng cường vai trò của người dân và tổ chức xã hội trong công tác giám sát, phát hiện vi phạm ATTP; xây dựng, nhân rộng các mô hình ATTP trên toàn thành phố; ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP; duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quản lý, phát triển chợ Thương mại điện tử sản phẩm thực phẩm an toàn...

THÁI SƠN