Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến ngày 30-9 sẽ cơ bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn toàn tỉnh. Các đoàn kiểm tra đã đến cơ sở đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống DTLCP; kiểm tra công tác chi trả kinh phí hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn bị bệnh phải tiêu hủy, những người tham gia phòng, chống dịch…, với tổng kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch tại chín huyện, thị xã, thành phố là hơn 12 tỷ đồng.

Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra phương tiện vận chuyển lợn đi qua địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái).Ảnh: NGUYỄN THƠM
Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra phương tiện vận chuyển lợn đi qua địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái).Ảnh: NGUYỄN THƠM

* Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 268 xã, phường, thị trấn thuộc sáu huyện đã khống chế và công bố hết DTLCP. Tuy nhiên, hiện nay dịch có dấu hiệu bùng phát trở lại tại một số xã đã công bố hết dịch thuộc các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương…

* UBND thị xã Gia Nghĩa (Đác Nông) vừa công bố DTLCP xảy ra trên địa bàn hai phường Nghĩa Phú và Nghĩa Đức. Như vậy, thị xã Gia Nghĩa là địa phương cuối cùng của tỉnh Đác Nông phát hiện DTLCP. Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 xã không phát hiện thêm ổ dịch mới, nhưng dịch đã lan rộng. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục triển khai vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Đặc biệt, thực hiện tốt “5 không” như: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

* UBND tỉnh An Giang vừa có quyết định điều chỉnh, bổ sung kinh phí hỗ trợ hộ nuôi ở hai huyện Phú Tân (1,462 tỷ đồng), Châu Phú (534 triệu đồng) và TP Long Xuyên (2,351 tỷ đồng) có lợn tiêu hủy do nhiễm DTLCP. Đến nay, 10 trong tổng số 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch, tổng số lợn bị bệnh đã tiêu hủy đến ngày 7-8 là 13.042 con.

* Đầu tháng 9, UBND huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đã công bố dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò tại thôn Bắc Cáp và thôn Khe Xa, xã Đạp Thanh phát hiện từ cuối tháng 8. Tỉnh yêu cầu huyện Ba Chẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; cách ly triệt để và đánh dấu gia súc mắc bệnh để quản lý; vệ sinh tiêu độc, khử trùng ổ dịch… Được biết, trên địa bàn huyện có tổng đàn trâu, bò hơn 2.000 con; trong đó có 20 con mắc bệnh.

* Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 4.600 ha dừa bị bọ cánh cứng gây hại, tăng hơn 550 ha so cùng kỳ năm 2018. Trên cây có múi (chủ yếu là cây bưởi), hơn 90 ha bị sâu đục trái gây hại, tăng hơn 39 ha so năm 2018. Hiện ngành chức năng đang triển khai nhiều biện pháp tăng cường phòng, chống sâu hại trên dừa và cây có múi; trên cây dừa, chuyển giao công nghệ nhân nuôi ong ký sinh, bọ đuôi kìm cho người dân tự nhân nuôi để thả trong vườn dừa.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp mới hình thành trên khu vực giữa Biển Đông cộng với gió mùa tây nam ở phía nam cường độ mạnh, hôm nay (15-9), ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông có gió Tây đến Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng biển cao từ hai đến ba mét. Trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái-lan, khu vực giữa và nam Biển Đông có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

* Khu vực các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Dự báo, hôm nay (15-9), ở khu vực bắc Tây Nguyên và các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm/24 giờ, có nơi hơn 60mm/24 giờ. Các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm/24 giờ, có nơi hơn 100mm/24 giờ. Nguy cơ xảy ra lũ cục bộ, lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng.

* Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Dự báo, trong một đến hai ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 16-9, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu lên 3,6m (trên BĐ1: 0,1m); sông Hậu tại Châu Đốc lên 2,95m (dưới BĐ1: 0,05m), sau đó xuống chậm. Đến ngày 25-9, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 3,3m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 2,6m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao và sạt lở bờ sông tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp.

* UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành quyết định giải thể các chốt kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, ngăn chặn, phòng, chống DTLCP. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế DTLCP trên địa bàn và các tỉnh giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 15-9, sẽ giải thể tám chốt kiểm dịch tại các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Đình Lập và Bắc Sơn, hoạt động từ ngày 15-3-2019.

* Ngày 14-9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, DTLCP xảy ra trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 5, sau đó lan ra 13 huyện, thành phố, với tổng số lợn bệnh tiêu hủy 19.369 con, chiếm 4% so với tổng đàn. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 22 xã có dịch đã qua 30 ngày chưa tái phát. Ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương tập trung theo dõi, giám sát dịch tễ và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, hướng dẫn người chăn nuôi các giải pháp phòng, chống, nhất là biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

* Ngày 14-9, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân (An Giang) cho biết, tranh thủ nước lũ về, nông dân các xã Phú Thọ, Phú Thạnh, Hiệp Xương… đã mở đồng đón phù sa vào. Mùa lũ này, huyện Phú Tân đã cho xả lũ 10 tiểu vùng với diện tích 12.441 ha. Các vùng xả lũ của huyện đều nằm trong vùng bắc sông Vàm Nao kiểm soát lũ triệt để, bảo đảm chủ động xả hoặc chống lũ theo kế hoạch sản xuất của địa phương.

* Chiều 14-9, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cho biết: Trong ngày 14-9, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 điều động 1.527 lượt cán bộ, chiến sĩ và năm xe ô-tô, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và củng cố đơn vị do mưa lũ gây ra. Kết quả, đã sửa chữa 180 nhà dân tại các phường: Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ; các xã: Thịnh Đức, Sơn Cẩm và TP Thái Nguyên; sửa chữa xong hệ thống chuồng chăn nuôi của Cụm trinh sát kỹ thuật 79 (Bộ Tham mưu Quân khu) và xây 95 m tường bao tại các đơn vị, do đợt mưa lớn vừa qua gây sập, đổ.

Tìm ra nguyên nhân cá chết trên sông Đại Giang

Tính đến sáng 14-9, đã có 308 lồng cá của những hộ nuôi trên sông Đại Giang ở hai xã Thủy Phù và Thủy Tân, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) chết hàng loạt, với tổng trọng lượng lên đến 130,8 tấn. Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp, tìm và xác định nguyên nhân bước đầu cá chết hàng loạt do ngạt ô-xy. Theo UBND thị xã Hương Thủy, trước vụ nuôi, chính quyền thị xã đã khuyến cáo mỗi hộ chỉ nên nuôi 1-2 lồng. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi mật độ quá dày, có 5 đến 7 lồng, thậm chí 10 lồng sát nhau trên một khúc sông dẫn đến cá chết do không đủ ô-xy. Hiện, UBND thị xã tiếp tục thống kê, xác định chính xác thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh tìm biện pháp hỗ trợ cho người nuôi.