Tăng cường ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp

Sau một thời gian thí điểm tại một số địa phương cho thấy, thỏa ước lao động tập thể (TƯLÐTT) của nhóm doanh nghiệp (DN) giúp các DN cùng nhóm ngành nghề liên kết chặt chẽ trong việc chăm lo đời sống người lao động (NLÐ), tạo mặt sàn ưu đãi chung, góp phần hạn chế dịch chuyển lao động, khuyến khích lao động nâng cao chất lượng hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, hạn chế tình trạng chuyển việc của NLÐ, và tạo quan hệ lao động ổn định.

Tại hội thảo sơ kết hai năm thực hiện TƯLÐTT nhóm năm DN Hàn Quốc tại Khu kinh tế Hải Phòng, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đánh giá: Việc ký TƯLÐTT nhóm DN là sáng kiến quan trọng, góp phần thúc đẩy mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong DN. Bởi khi lợi ích giữa các DN có cùng ngành nghề tương đương nhau, NLÐ sẽ ít có động cơ rời bỏ DN này để chuyển đến một DN khác, giúp DN ổn định lao động và cũng giúp NLÐ được hưởng các điều kiện giống nhau. TƯLÐTT nhóm sẽ đưa ra các điều khoản làm căn cứ để DN thực hiện các chế độ, chính sách cho NLÐ, giúp họ yên tâm làm việc, không thay đổi công việc, giúp DN không bị động nhân lực. Bên cạnh đó, việc chất lượng thương lượng, ký kết TƯLÐTT ở DN chưa đi vào chiều sâu thực chất thì việc thương lượng, ký kết TƯLÐTT ngành, nhóm DN được xem là giải pháp hữu hiệu để xác lập một số tiêu chuẩn và điều kiện lao động mới để bảo vệ quyền và lợi ích của NLÐ. Báo cáo kết quả sau ba năm triển khai TƯLÐTT, ngành dệt may Việt Nam hầu như không có đơn vị nào xảy ra tranh chấp lao động nghiêm trọng dẫn đến đình công, ngưng việc tập thể, tỷ lệ biến động lao động giảm.

Nhận thức được tầm quan trọng của TƯLÐTT trong quá trình xây dựng quan hệ lao động hài hòa, NLÐ và người sử dụng lao động (NSDLÐ) trong một số nhóm DN, tổ chức công đoàn đã thương lượng và xây dựng bản thỏa ước chung. Tuy nhiên, số TƯLÐTT tính đến nay là rất ít, nhiều thỏa thuận chỉ ở mức sàn, các thỏa thuận đạt được chỉ mang tính nguyên tắc như áp dụng mức lương tối thiểu, xây dựng thang bảng lương, các khoản phụ cấp lương, danh mục chi cho NLÐ từ quỹ phúc lợi, mà chưa có nhiều điều khoản cao hơn. Nguyên nhân là do khó khăn trong đàm phán, việc thương lượng TƯLÐTT ngành, nhóm DN còn khá mới mẻ, lạ lẫm đối với cả DN, công đoàn và NLÐ. Mặt khác, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các DN, gặp nhiều khó khăn, nhất là ngành dệt may. Một số nội dung, chỉ tiêu trong thỏa ước ngành đưa ra khá cao so với khả năng đáp ứng của DN dẫn đến việc DN không muốn tham gia. Bên cạnh đó, quy trình thương lượng, ký kết TƯLÐTT nhóm DN khá phức tạp, được thực hiện bởi một bên là tổ chức công đoàn cấp trên cùng với các công đoàn cơ sở đại diện cho NLÐ và một bên là các chủ DN đại diện cho NSDLÐ. Do không có tổ chức đại diện NSDLÐ làm đầu mối cho nên khi thực hiện, tổ chức công đoàn phải thương lượng với từng DN, sau đó mới tiến hành thương lượng chung, mất nhiều thời gian. Những nguyên nhân trên dẫn đến hiệu quả thương lượng không cao, khó triển khai thực hiện trong bối cảnh có nhiều DN tham gia. Bên cạnh đó, tác động của TƯLÐTT ngành, nhóm DN đến quan hệ lao động của các DN tham gia thỏa ước còn hạn chế, chưa trở thành nhu cầu thật sự khiến DN chưa hào hứng tham gia.

Các chuyên gia lao động, công đoàn nhận định, việc ký TƯLÐTT nhóm là xu thế chung. Do vậy, thời gian tới, để có thể ký các TƯLÐTT nhóm DN cần có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLÐ; các đơn vị thực hiện cần tập trung vào TƯLÐTT đang có; bổ sung và nâng cao lợi ích cho NLÐ; tuyên truyền cho NSDLÐ về tổ chức công đoàn và lợi ích khi DN tham gia TƯLÐTT nhóm. Cần phát huy sức mạnh tổng hợp, cùng với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, cộng đồng DN, tuyên truyền về lợi ích khi tham gia ký thỏa ước.