Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy

Trước tình hình cháy diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ngày 25-6-2015, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị 47 đã đi vào cuộc sống, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác PCCC, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC được nâng cao.

Ngay sau khi Chỉ thị 47 được ban hành, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp đã tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1635/QÐ-TTg, ngày 22-9-2015 kèm theo Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 47; Ðảng ủy Công an Trung ương xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện trong toàn lực lượng Công an nhân dân và tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt tinh thần chỉ thị; các bộ, ban, ngành ban hành hơn 2.000 văn bản; tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố ban hành gần 1.000 văn bản; công an các địa phương ban hành 3.000 văn bản.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các địa phương được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công an xây dựng kế hoạch đầu tư cho công tác PCCC trong tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, đồng thời tăng cường khai thác nguồn vốn ODA và các nguồn viện trợ nước ngoài cho công tác này... Ðáng chú ý, Ðảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo thực hiện giám sát "Việc thực hiện pháp luật trong công tác PCCC giai đoạn 2014 - 2018". Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 99/2019/QH14 về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC với những chỉ đạo cụ thể trong việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 47.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC ngày càng sâu sắc, thiết thực, sinh động, phong phú như: Tổ chức chương trình "trại hè lính cứu hỏa", công khai những công trình vi phạm quy định PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền về PCCC qua tin nhắn điện thoại, ký cam kết thi đua bảo đảm an toàn PCCC giữa các tập thể, đơn vị, tổ dân phố, cụm dân cư. Nhiều gương điển hình trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đã được các cơ quan báo chí và nhân dân tôn vinh, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người Cảnh sát PCCC và CNCH và xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH phát triển lớn mạnh… Trong 5 năm trở lại đây, số lượng tin bài về PCCC xuất hiện trên các báo, đài với tần suất lớn hơn gấp nhiều lần so với thời gian trước đó.

Phong trào toàn dân PCCC và CNCH phát triển, lớn mạnh, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy có hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ". Ðã xuất hiện nhiều mô hình hay, tấm gương tiêu biểu với nhiều đóng góp cho công tác PCCC tại các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư. Hằng năm, lực lượng này đã phát hiện và dập tắt khoảng hơn 50% số vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng.

Từ tháng 6-2015 đến tháng 3-2020, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã thẩm duyệt thiết kế về PCCC cho 75.672 dự án, công trình; tổ chức kiểm tra an toàn PCCC 1.643.142 lượt cơ sở; phát hiện 1.734.360 tồn tại, thiếu sót về PCCC; lập 1.603.915 biên bản kiểm tra, ban hành 134.535 công văn kiến nghị các biện pháp, giải pháp an toàn PCCC. Người đứng đầu nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở đã chủ động tự kiểm tra, kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót, bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC. Công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy đã làm rõ 85,3% tổng số vụ cháy…

Nhiều vụ cháy được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và nhân dân khống chế kịp thời, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn; nhiều vụ được lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, UBND trực tiếp chỉ đạo chữa cháy và khắc phục hậu quả. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chính thức thực hiện công tác quản lý nhà nước về CNCH theo Nghị định số 83/2017/NÐ-CP ngày 18-7-2017 của Chính phủ, vai trò thường trực CNCH từng bước được khẳng định, được người dân tin cậy. Trong gần 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức CNCH 13.962 người, trực tiếp cứu 3.453 người; tìm được 1.567 thi thể người bị nạn bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Việc xã hội hóa công tác PCCC và CNCH được các cấp, ngành quan tâm, khuyến khích và nhân rộng. UBND các địa phương có cơ chế khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực xã hội cho công tác PCCC và CNCH; nhiều chủ cơ sở, chủ hộ gia đình chủ động bố trí kinh phí cho công tác PCCC, thực hiện nghiêm các quy định an toàn PCCC tại nơi làm việc, nơi sinh sống; nhiều người dân tự nguyện tham gia các hoạt động PCCC. Tiêu biểu như Ðội chữa cháy thiện nguyện xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang: Xuất phát từ đặc điểm đường giao thông nhỏ hẹp, xe chữa cháy của lực lượng chuyên nghiệp không cơ động được, những người dân địa phương đã cùng nhau góp kinh phí cải tiến xe ô-tô thông dụng thành xe chữa cháy, mua các thiết bị PCCC thành lập đội chữa cháy thiện nguyện. Sau khi được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH huấn luyện nghiệp vụ, đội chữa cháy này đã hoạt động rất hiệu quả.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã được kiện toàn, thống nhất về mô hình, tổ chức (theo Ðề án 106 của Bộ Công an), hiện toàn quốc có 63 phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 236 đội nghiệp vụ, 163 đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực; mạng lưới các đội PCCC và CNCH được mở rộng đến cấp huyện (đã thành lập thêm 260 đội Cảnh sát PCCC và CNCH và 33 tổ Cảnh sát PCCC và CNCH). Qua hơn một năm triển khai Ðề án 106, bước đầu đã phát huy được hiệu quả.

Những kết quả nêu trên đã góp phần kiềm chế tình hình cháy, nổ, tai nạn sự cố và thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn sự cố gây ra. Số vụ cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng được kiềm chế ở mức từ 1% đến 3% tổng số vụ cháy hằng năm.

Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 47 và Quyết định số 1635 của Thủ tướng Chính phủ còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, điển hình như: Một bộ phận người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, có tư tưởng còn cho rằng đây là trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; công tác quản lý nhà nước tại một số địa phương có nơi, có lúc bị buông lỏng. Phần lớn các địa phương chưa ban hành quy định mức chi ngân sách địa phương cho hoạt động PCCC, mức hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Ðến nay, Bộ Giáo dục và Ðào tạo vẫn chưa ban hành được văn bản quy định về lồng ghép kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; nhiều đội PCCC cơ sở, dân phòng hoạt động mang tính hình thức, tổ chức chữa cháy ban đầu lúng túng và kém hiệu quả; còn tồn tại một số công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn; việc huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC còn hạn chế, chưa có cơ chế, chính sách cũng như sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, thống nhất từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương về xã hội hóa công tác PCCC; nguồn kinh phí thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để đầu tư cho công tác PCCC và CNCH chưa đáp ứng yêu cầu thực tế...

Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tập trung tham mưu đề xuất và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Chỉ thị 47. Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội. Nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật PCCC, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác CNCH, trình Chính phủ ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 79/2014/NÐ-CP và tham mưu Bộ Công an ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, tham mưu Bộ Công an đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về PCCC đối với một số loại hình cơ sở đặc thù; ban hành quy định về xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực; phối hợp Bộ Giáo dục và Ðào tạo hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH để lồng ghép vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp từng cấp học, ngành học, bắt đầu thực hiện từ năm học 2021 - 2022; phối hợp Bộ Công thương nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo đảm an toàn PCCC trong sử dụng điện tại các cơ sở, hộ gia đình. Xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác.

Thứ ba, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo mô hình tổ chức mới, chú trọng phân công, phân cấp việc thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ giữa Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và công an cấp huyện để tránh chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tiến hành tổng điều tra cơ bản, lập hồ sơ quản lý đối với tất cả cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; tham mưu xây dựng và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về đề án "thí điểm giao một số nhiệm vụ PCCC và CNCH cho lực lượng bảo vệ dân phố".

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra PCCC và CNCH; xử lý dứt điểm các công trình đang tồn tại vi phạm pháp luật về PCCC; tiếp tục công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng. Kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ công trình, dự án đang triển khai có vi phạm pháp luật về phòng cháy cho đến khi khắc phục hoàn toàn các sai phạm; chấm dứt tình trạng đưa cơ sở, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCCC và xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Thứ năm, tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện và các điều kiện bảo đảm công tác PCCC và CNCH; phối hợp các đơn vị liên quan lập quy hoạch hạ tầng về PCCC giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 995/QÐ-TTg ngày 9-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ sáu, đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC và CNCH; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, phát triển hạ tầng, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH trong nước; tăng cường hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn về PCCC và CNCH; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực PCCC...

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh

Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ