Tăng cường giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay (24-5), do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây với đới gió tây nam gây hiệu ứng phơn cho nên vùng núi các tỉnh Trung Bộ và khu vực tây bắc Bắc Bộ xuất hiện nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong khoảng 35 đến 370C.

Cán bộ, công nhân Công ty Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế lắp đặt các máy bơm chống hạn.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cán bộ, công nhân Công ty Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế lắp đặt các máy bơm chống hạn.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Từ ngày 25-5, nắng nóng sẽ xuất hiện trên diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 370C, riêng vùng núi các tỉnh Trung Bộ và khu vực tây bắc Bắc Bộ có nơi hơn 380C. Thời gian có nhiệt độ trên 350C từ 11 đến 16 giờ. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

* Tại tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 20 đến 21-5, ở các huyện Như Thanh, Quan Hóa, Thọ Xuân, mưa lớn kèm dông lốc đã làm năm căn nhà bị tốc mái; thiệt hại hơn 60 ha lúa và mạ, 11 ha diện tích rừng; chín guồng nước và hai máy xát lúa bị cuốn trôi. Hiện, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.

* Tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), hồi 15 giờ ngày 22-5, sét đánh làm một người chết và một người bị thương. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân.

* Tại tỉnh Điện Biên, vào lúc 6 giờ 52 phút 55 giây (theo giờ Hà Nội) ngày 23-5, Trạm Quan sát động đất thành phố Điện Biên Phủ, thuộc Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận dư chấn động đất xảy ra trên địa bàn huyện Điện Biên Đông với cường độ 2,7 độ rích-te. Đây là dư chấn của trận động đất có cường độ 4,0 độ rích-te đã xảy ra vào chiều 21-5. Khu vực xảy ra trận động đất được xác định tại vùng giáp ranh giữa địa bàn hai xã Xa Dung và Na Son của huyện Điện Biên Đông.

* Hiện, vải thiều sớm ở huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang bước vào vụ thu hoạch. Giá vải sớm đang dao động từ 25 nghìn đến 35 nghìn đồng/kg. Năm nay, vải có mẫu mã, chất lượng tốt hơn, to, nặng cân, đủ nước; độ dày cùi và ngọt, cho nên giá bán tăng khoảng 20% so với năm 2018. Được biết, toàn huyện Tân Yên có hơn 1.000 ha vải sớm.

* Vụ hè thu năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 1.240 ha đất sản xuất có nguy cơ thiếu nước tưới. Để khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương kiểm tra xử lý những nơi bị rò rỉ các hồ đập giữ nước ngọt; tổ chức nạo vét kênh, mương nội đồng để dẫn nước, trữ nước chống hạn; điều tiết, phân phối nước hợp lý, thực hiện tưới nước tiết kiệm và khoa học…

* Ngày 23-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) có Văn bản số 3575/BNN-VP gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Theo đó, Bộ NN và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không bảo đảm an toàn làm lây lan dịch bệnh; các trường hợp che giấu, không khai báo kịp thời hoặc gian lận khai báo lợn mắc bệnh phải tiêu hủy nhằm trục lợi. Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định.

* Tỉnh Tuyên Quang vừa phát hiện ổ DTLCP đầu tiên tại một hộ chăn nuôi ở thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 166 con lợn nhiễm bệnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, tính đến 15 giờ ngày 22-5, DTLCP đã xảy ra tại 244 hộ chăn nuôi, 25 thôn, 10 xã, phường, thị trấn trên địa bàn sáu trong tổng số chín huyện, thị xã của tỉnh. Số lợn tiêu hủy khoảng 1.100 con với trọng lượng gần 50 tấn. Nguyên nhân phát sinh dịch chủ yếu là do các hộ dân không tuân thủ chăn nuôi khép kín bảo đảm vệ sinh thú y, nhiều hộ chăn nuôi mua con giống trôi nổi chưa được kiểm soát…

* Trước kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút DTLCP trên đàn lợn của một hộ chăn nuôi ở xã Nam Tiến, UBND huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) vừa có văn bản công bố DTLCP xuất hiện trên địa bàn, đồng thời tiêu hủy đàn lợn 60 con nhiễm bệnh. Hiện, cơ quan chức năng huyện Quan Hóa đã thành lập hai chốt kiểm dịch, chốt chặn các tuyến đường giao thông chính ra vào bản Lếp và xã Nam Tiến. Tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng ở bản Lếp và các bản lân cận.

* Tỉnh Long An đã triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với tình huống một (khi không có dịch xảy ra) với tổng kinh phí 359,5 triệu đồng; tổ chức thực hiện hiệu quả tháng Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, cấp 42.450 chai thuốc sát trùng gốc Iodine 10%; mua sắm 400 kit test nhanh DTLCP. Ngoài ra, tỉnh bố trí vốn mua dự trữ 30 tấn vôi bột và bảy chiếc máy thông minh tự động bắt giết động vật (máy chích điện) nhằm phục vụ công tác chống dịch.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, sau khi xuất hiện ổ DTLCP đầu tiên tại xã Tân Trịnh (Quang Bình) vào ngày 20-5, đến ngày 23-5, hai ổ dịch mới phát sinh tại các xã Đạo Đức (Vị Xuyên), xã Tiên Kiều (Bắc Quang). Các địa phương đã tiến hành biện pháp chống dịch, tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh. Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, tỉnh Hà Giang có công điện khẩn chỉ đạo dừng ngay tất cả các cuộc họp và nội dung công việc không cấp thiết để huy động cả hệ thống chính trị, dồn toàn lực cho công tác chống dịch tại cơ sở.

* Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Thái xác nhận: DTLCP xuất hiện tại hai bản Nậm Củng, Nà Én của xã Chà Tở. 36 con lợn bị chết, cơ quan chức năng đang tiêu hủy xác lợn theo quy định. Như vậy, đến ngày 23-5, DTLCP đã xuất hiện tại 1.600 hộ, ở 289 thôn, bản của 57 xã, phường thuộc tám huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên.

UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vừa yêu cầu UBND xã Cẩm Nam tổ chức xử lý kỷ luật, đình chỉ công tác và chấm dứt hợp đồng đối với bà Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ thú y xã Cẩm Nam vì lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc. Đồng thời, lựa chọn, bố trí người có năng lực trình độ để thay thế, báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện trước ngày 25-5. Trước đó, khi nhận được thông tin đàn lợn của một hộ chăn nuôi bị ốm, bà Hạnh không kịp thời kiểm tra, báo cáo đến cơ quan chức năng dẫn đến dịch bệnh trên lợn bùng phát, gây chết với số lượng lớn.