Tâm huyết, trách nhiệm với những bức xúc của người dân

(Tiếp theo và hết) (★)

Bài 2: Ðổi mới mạnh mẽ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trong sáu tháng đầu năm nay, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) nói chung tại nhiều nơi có chiều hướng giảm về số vụ việc và số đoàn đông người so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Số lượng đơn thư tố cáo có chiều hướng tăng ở các cấp, trong đó có hiện tượng đơn tố cáo xuất phát từ việc công dân khiếu nại không thành. Thực trạng này đòi hỏi công tác tiếp dân, giải quyết KNTC cần được đổi mới cấp bách,  kịp thời hơn nữa.

Trách nhiệm công dân, trách nhiệm chính quyền

Có một thực trạng cần được quan tâm, đó là việc một số nhóm người  KNTC từ các nơi tập trung về các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi có trụ sở các cơ quan Trung ương của Ðảng, Nhà nước, Quốc hội để khiếu kiện. Trong đó, một số vụ việc  KNTC không đúng quy định pháp luật, bị các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng để kích động, lôi kéo nhiều người tham gia, thành những đoàn khiếu kiện đông người kéo đến trụ sở các cơ quan Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành. Trong khi  nội dung KNTC không thuộc thẩm quyền hoặc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan đó, nhưng mục đích của nhóm người này là gây áp lực để các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền phải giải quyết. Những vụ việc  KNTC nêu trên đã gây mất an ninh, trật tự. Vì vậy, người dân khi gặp những vấn đề bức xúc, những tâm tư, lo lắng về pháp luật, về KNTC, cần triển khai công việc theo quy định của pháp luật, tránh bị kích động, lôi kéo tham gia hành vi vi phạm pháp luật.

Ðối với các cấp chính quyền, một trong những vấn đề trọng tâm, nếu được triển khai hiệu quả sẽ góp phần rất quan trọng giải quyết hiệu quả tình trạng KNTC phức tạp, đó là việc tổ chức tiếp công dân thật tốt cùng tinh thần trách nhiệm cao. Các địa phương, bộ, ngành cần thực hiện đúng quy định của Bộ Chính trị và pháp luật về tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Bí thư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, đôn đốc người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo quy định, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách. Niêm yết công khai lịch tiếp công dân định kỳ của Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tại trụ sở tiếp công dân và công bố trên trang thông tin điện tử (nếu có) theo quy định. Cần có biện pháp linh hoạt phù hợp, hạn chế bố trí các lịch họp, lịch công tác trùng lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu. Có tỉnh đã quy định ngày 20 hằng tháng là ngày tiếp dân định kỳ của Chủ tịch UBND huyện, và tỉnh sẽ không triệu tập họp.

Bộ phận tham mưu phải chủ động đề xuất trình người đứng đầu quyết định lịch tiếp công dân định kỳ, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm, dự kiến nội dung và thành phần tham dự. Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh có thể tổ chức tiếp chung với Ðoàn đại biểu Quốc hội và HÐND. Việc tiếp công dân cần huy động, tập trung lãnh đạo các ban, ngành để kịp thời xử lý dứt điểm các vụ việc cùng lúc khi công dân đến kiến nghị, phản ánh. Cần dự báo tốt các tình huống, vận dụng đúng các quy định pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC, nhất là những vụ đông người, phức tạp, mức độ gay gắt. Các ban, ngành, văn phòng phải phân công, bố trí cán bộ có trình độ, kiến thức giúp người đứng đầu tiếp dân khả năng phân tích để xác định, phân loại nhận dạng đúng ý kiến người dân  về khiếu nại,  về tố cáo, về kiến nghị, phản ánh và xác định cụ thể vụ việc có đơn đang được đơn vị nào giải quyết để yêu cầu đúng cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết… Mỗi lần tiếp công dân cần ghi sổ theo dõi đơn và thông báo kết luận, tránh tình trạng để người dân đi lại nhiều lần, đơn chuyển lòng vòng không đến đúng  địa chỉ.

Nơi tiếp công dân của Bộ Y tế hằng năm có khoảng từ 300 đến 500 lượt người đến làm việc, trình bày, trong đó số vụ việc cũ chiếm hơn 40%; số vụ việc mới phát sinh hơn 50%. Tổng số đơn thư gửi đến Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 1.000 đơn, đơn có nhiều người đứng tên chiếm khoảng 5%; đơn có một người đứng tên chiếm 95%; đơn không thuộc thẩm quyền của bộ chiếm tới hơn 95%. Lãnh đạo Bộ Y tế tiếp công dân vào ngày 15 hằng tháng, mỗi năm tiếp gần 100 lượt người. Riêng sáu tháng đầu năm 2020, mặc dù trong lúc phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, song lãnh đạo Bộ Y tế duy trì thường xuyên công tác tiếp công dân, với tổng số 61 trường hợp. 

Chia sẻ những bức xúc của nhân dân

Trao đổi về những yếu tố quan trọng trong công tác tiếp dân, nhiều đại biểu Quốc hội, cán bộ Thanh tra Chính phủ và cán bộ thanh tra một số địa phương chung quan điểm: Khi tiếp dân, tiếp nhận đơn thư, người đứng đầu, cán bộ tiếp dân phải có tấm lòng chia sẻ với người dân, biết đặt mình vào vị trí người dân. Nhiều bức xúc của người dân rất cần được thấu hiểu để biết rõ vì sao họ KNTC.

Thí dụ như: Vì sao các thửa đất có điều kiện như nhau nhưng có người sở hữu được bồi thường cao, người được rất thấp? Vì sao có nơi người dân cùng có thời gian sinh sống ổn định, có cùng điều kiện pháp lý nhưng chỉ có một số người được cấp sổ đỏ còn hàng trăm người lại không được? Vì sao có một số hộ dân được bồi thường giải phóng mặt bằng số tiền gấp hai lần so với  hàng trăm hộ dân khác… Thực trạng nêu trên cho thấy, người đứng đầu phải thấy được bản chất vụ việc, có khả năng giải thích, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật, rút đơn khiếu nại, nếu việc giải quyết trước đó đã có căn cứ, đúng pháp luật, hợp lý, hợp tình để người dân chấp hành. Người đứng đầu phải có tác phong mẫu mực trong hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ tôn trọng dân. Phân công, bố trí cán bộ, công chức có chuyên môn, năng lực, đã được đào tạo chuyên ngành pháp luật làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; đồng thời kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế, kiên quyết xử lý trách nhiệm người mắc sai phạm.

Thực tế cho thấy, một trong những nội dung quan trọng cần thực hiện tốt là tập trung nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu của các cơ quan chức năng tại địa phương để hạn chế việc phát sinh KNTC vượt cấp, không đúng quy định của pháp luật. Ðồng thời, đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc đối thoại  với nhân dân, cần thật sự lắng nghe người dân, quan tâm hướng dẫn, giải thích thấu đáo về chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều cán bộ công tác tại các trụ sở tiếp công dân đề xuất: Cần rà soát, nâng cấp bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất của trụ sở tiếp công dân các cấp, bố trí phòng tiếp công dân bảo đảm thuận tiện để người dân dễ tiếp cận; chuẩn hóa việc ghi chép sổ sách tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác tiếp công dân, giải quyết  KNTC và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC.

Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Ðỗ Văn Ðương nêu rõ: Một hạn chế, bất cập chung trong giải quyết KNTC hiện nay, nhất là ở địa phương là việc phân loại, xử lý đơn không chính xác, nhầm lẫn giữa  KNTC với kiến nghị, phản ánh. Qua báo cáo của một số địa phương cho thấy, tỷ lệ kiến nghị, phản ánh chiếm 85%, có nơi 100% đơn thư là kiến nghị, phản ánh, không có KNTC là kết quả thiếu chính xác, dẫn đến nhiều khiếu nại không được giải quyết, khiến người dân bức xúc gửi đơn nhiều nơi, vượt cấp. Ðây là khâu quan trọng bởi liên quan quy định giải quyết, cụ thể: nếu là kiến nghị, phản ánh thì nghiên cứu, tiếp thu; nếu là  KNTC thì buộc phải giải quyết theo trình tự, thẩm quyền, thời hạn do luật quy định.

Ðáng chú ý, tại nhiều tỉnh, thành phố còn thực trạng nhiều kiến nghị, phản ánh của công dân chưa được giải quyết mà chỉ có văn bản trả lời là tiếp thu và sẽ nghiên cứu, nhưng việc giải quyết chưa được chú trọng. Ðây là một vấn đề cần được quan tâm, giải quyết kịp thời để tránh gây bức xúc và mất lòng tin của người dân đối với hiệu quả, hiệu lực và lời hứa của các cấp chính quyền. Các văn bản giải quyết kiến nghị, trả lời công dân của người đứng đầu cần trả lời cụ thể vấn đề được nêu ra, chỉ rõ những đúng, sai trong nội dung đơn, thư. Ðồng thời, cần nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, xem xét xử lý những hạn chế, vi phạm trong công tác quản lý thuộc trách nhiệm của mình (nếu có) và đề ra các giải pháp khắc phục.

Giải quyết tốt KNTC là tôn trọng và phát huy vai trò của người dân trong việc giám sát hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức; đồng thời  giúp Ðảng và Nhà nước nắm tình hình chấp hành chủ trương chính sách pháp luật, qua đó kịp thời  xử lý những lệch lạc, vi phạm. Quan trọng hơn, các cơ quan chức năng có điều kiện rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý phù hợp thực tiễn, góp phần tích cực vào việc xây dựng Ðảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh.

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 22-10-2020.

Tâm huyết, trách nhiệm với những bức xúc của người dân