Tái diễn sụp lún ở vùng ngọt Cà Mau

NDO -

NDĐT – Chưa đầy một tháng, một tuyến đường huyết mạch ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) xảy ra tới năm lần bị sụp lún, hư hỏng.

Hiện trường vụ sụp lún tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc, chiều tối 7-4.
Hiện trường vụ sụp lún tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc, chiều tối 7-4.

Chiều 8-4, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Cà Mau có báo báo khẩn về tình trạng sụp lún, hư hỏng nặng trên tuyến đường Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc. Đây là một trong hai tuyến đường ô-tô huyết mạch về trung tâm xã Trần Hợi và Khánh Bình Tây của huyện Trần Văn Thời. Tuy nhiên, tuyến đường trên, từ ngày 15-3 đến nay, đã năm lần xảy ra sụp lún, hư hỏng, khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Sau các vị trí sụp lún xảy ra trong các ngày 15, 22, 29-3 và ngày 6-4, thì mới đây, vào 22 giờ 20 phút đêm 7-4, tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc tiếp tục bị sụp lún.

Qua kiểm tra hiện trường, Sở GTVT Cà Mau cho biết, sụp lún tại lý trình Km13+900, cách cầu Co Xáng khoảng 300m về hướng cầu Cơi Năm, khiến toàn bộ phần mặt đường và nền đường phía bên phải (giáp kênh Nông trường) đã bị sụp lún hoàn toàn, chiều dài khoảng 33m, sâu khoảng 1,5m.

Hiện, Sở GTVT Cà Mau cùng chính quyền địa phương đã rào chắn cảnh báo nguy hiểm khu vực sụp lún nêu trên, đồng thời cắt cử lực lượng trực theo dõi, hướng dẫn xe hai bánh lưu thông qua vị trí sụp lún bằng cách đi vòng qua tuyến đường nông thôn rộng 1,5m phía đối diện kênh Nông Trường.

Đầu mùa khô đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 1.140 vụ sụp lún làm hư hỏng công trình giao thông, tổng chiều dài hơn 25.000m. Các vụ sụp lún phần lớn xảy ra trên địa bàn vùng ngọt huyện Trần Văn Thời khiến giao thông nhiều nơi bị chia cắt, xe bốn bánh không thể lưu thông và vận chuyển hàng hóa.

Đến nay, mọi nỗ lực khắc phục sụp lún tại Cà Mau gặp rất nhiều trở ngại, do bế tắc trong khâu vận chuyển máy móc, thiết bị thi công, cả đường bộ lẫn đường sông. Trong khi đó, giải pháp từng được Cà Mau đề xuất là tạm đưa một lượng nước mặn vừa đủ vào kênh vùng ngọt nhằm tạo phản áp, giảm thiểu sụp lún… chưa nhận được sự ủng hộ cao từ các chuyên gia, nhà khoa học. Không ít chuyên gia phản biện, giải pháp của Cà Mau là mạo hiểm, có thể phương hại đến hệ sinh thái ngọt.