Sương muối, băng giá xuất hiện ở nhiều địa phương

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, do không khí lạnh đang hoạt động với cường độ mạnh nên nhiệt độ ở miền bắc tiếp tục giảm, nhất là khu vực vùng núi cao. Trong đó, nhiệt độ thấp nhất từ 4 đến 120 C, cao nhất từ 200 C - 230 C; riêng vùng núi cao có nơi dưới 20 C, nên cần đề phòng băng giá, sương muối.

* Tại tỉnh Điện Biên nhiệt độ giảm mạnh. Vì vậy, ở nhiều xã vùng cao các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Nhé xuất hiện sương muối và băng mỏng. Mấy ngày qua, tại xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) nhiệt độ giảm sâu, khiến sương muối xuất hiện, ảnh hưởng đến diện tích cây trồng, làm lá bị táp.

* Sáng 8-12, tại các vùng núi cao như huyện Nguyên Bình, Trùng Khánh (Cao Bằng), có nơi nhiệt độ xuống 20 C. Trong đó, nhiệt độ tại đỉnh Phia Oắc và một số xã như Phan Thanh, Yên Lạc, Thành Công, huyện Nguyên Bình nhiệt độ giảm còn -10 C, xuất hiện sương muối và băng giá. Ngành nông nghiệp khuyến cáo và hướng dẫn người dân chăm sóc đàn vật nuôi, phòng tránh đói rét cho đàn gia súc.

* Ngày 8-12, tại các huyện Bắc Sơn, Lộc Bình, Tràng Định, Đình Lập (Lạng Sơn) xuất hiện sương muối khá dày. Hiện nay, người dân đã che chắn chuồng trại, không thả rông trâu, bò, dự trữ thức ăn khô để bảo vệ đàn gia súc.

* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua thống kê đến tháng 12, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là hơn 5.600 ha; một số vùng nuôi xuất hiện bệnh vi bào tử trùng nhưng không được địa phương báo cáo hoặc có báo cáo nhưng diện tích không chính xác. Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành và địa phương, trình phê duyệt và bố trí kinh phí triển khai công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh; thực hiện nghiêm việc báo cáo đầy đủ, kịp thời và chính xác số liệu dịch bệnh thủy sản.

* Tại Lào Cai, đến nay dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 6.672 hộ của chín huyện, thành phố, hơn 36 nghìn con lợn phải tiêu hủy. Đến nay, toàn tỉnh còn 36 xã, phường, thị trấn có dịch chưa qua 30 ngày; ba huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà đã khống chế được dịch.

* Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã tiêu hủy 211.619 con lợn mắc DTLCP ở 27 huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh đã sử dụng hơn 200 nghìn lít hóa chất, gần 708 tấn vôi bột phục vụ tiêu độc, khử trùng, cách ly phòng, chống dịch.

* Tại Hà Tĩnh, DTLCP đã xảy ra tại 13 huyện, thị xã và thành phố với số lợn buộc phải tiêu hủy 32 nghìn con. Từ giữa tháng 11 đến nay, dịch có chiều hướng giảm mạnh nhưng ngành nông nghiệp vẫn khuyến cáo các hộ chăn nuôi không chủ quan với dịch; không vội tái đàn, tăng đàn.

* UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định tạm ứng hơn 166 tỷ đồng hỗ trợ người dân ở 16 địa phương có lợn bị tiêu hủy vì DTLCP. Từ khi bùng phát dịch vào tháng 5 đến nay, toàn tỉnh có hơn 148 nghìn con lợn bị tiêu hủy.

* Đến nay, DTLCP đã xảy ra ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bạc Liêu với số lợn chết và tiêu hủy gần 47 nghìn con. Tỉnh khuyến cáo người dân định kỳ tiêu độc khử trùng môi trường, vệ sinh chuồng trại; kiểm soát người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi.

* Tại Đồng Nai, tổng đàn lợn còn khoảng 1,4 triệu con. Tỉnh yêu cầu các cơ sở tái đàn cần đáp ứng các tiêu chí như: nằm ngoài khu dân cư, địa bàn đã công bố hết dịch và khuyến cáo người chăn nuôi hướng đến chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

* UBND tỉnh Nghệ An vừa có công điện yêu cầu các sở, ngành và địa phương tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch lở mồm long móng, không để phát sinh các ổ dịch mới; phun hóa chất, rắc vôi bột tại các ổ dịch và nơi có nguy cơ xảy ra dịch… Trước đó, vào tháng 11, bệnh xảy ra tại 20 hộ ở ba huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và Tương Dương làm 51 con gia súc bị bệnh.

* Từ ngày 27-11, tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) xuất hiện ngao chết rải rác trên các bãi nuôi. Qua kiểm tra, diện tích ngao chết khoảng 53 ha, tỷ lệ chết từ 40 đến 50% số lượng ngao trong bãi nuôi và một hộ nuôi có tỷ lệ ngao chết tới 90% trên diện tích 8,7 ha . Qua lấy mẫu nước, mẫu ngao, cơ quan chức năng loại trừ các yếu tố môi trường bất lợi gây ngao chết; mẫu ngao nuôi không nhiễm vi khuẩn Vibrio và Perkinsus sp. Nguyên nhân có thể là các hộ nuôi ngao với mật độ dầy. Cán bộ chuyên môn ở tỉnh Thanh Hóa, huyện Quảng Xương cùng chính quyền cơ sở hướng dẫn nông hộ thu gom, xử lý ngao chết và các biện pháp khắc phục.

* Ngày 8-12, tàu cá PY95095TS với sáu ngư dân bị sóng đánh chìm khi đang khai thác hải sản trên biển. Nhận được tin báo, một tàu cá gần đó đã cứu được bốn ngư dân, hai ngư dân mất tích đang được tìm kiếm.

* Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 8-12 cho biết, để bảo đảm nguồn nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân 2020, đặc biệt là trong tình trạng khô hạn và nước về thấp đối với các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng, EVN đã yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội chỉ đạo các công ty điện lực liên quan khẩn trương tổ chức họp bàn với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương và Công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn để thống nhất phương án cấp điện an toàn, liên tục cho tất cả các trạm bơm điện, đặc biệt lưu ý các trạm bơm đầu mối và các trạm bơm dã chiến. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương chỉ đạo tổ chức nạo vét kênh mương và làm thủy lợi nội đồng, chủ động bơm sớm, trữ nước vào ao, đầm, vùng trũng thấp và các kênh dẫn từ các nguồn nước sẵn có ở sông, ngòi. Lấy đủ nước vào ruộng trong thời gian xả nước tập trung từ các hồ thủy điện để tránh lãng phí nước và tiết kiệm điện.

Sau khi ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở tuyến kè biển bảo vệ sân bay Tuy Hòa, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình tỉnh Phú Yên đã tiến hành xử lý khẩn cấp. Đến chiều 8-12, đơn vị thi công đã huy động lực lượng và 50 phương tiện đổ 2.000 m3 vật liệu xuống để bảo vệ chân kè, hoàn thành thi công trong hai tháng.