Sớm xử lý dứt điểm tồn tại dự án Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn

NDO -

Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn đã đưa vào sử dụng nhưng đến nay Bắc Kạn vẫn nợ nhà thầu UDIC, có nguy cơ dẫn tới khiếu kiện kéo dài.

Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn đã đưa vào sử dụng nhưng đến nay Bắc Kạn vẫn nợ nhà thầu UDIC, có nguy cơ dẫn tới khiếu kiện kéo dài.
Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn đã đưa vào sử dụng nhưng đến nay Bắc Kạn vẫn nợ nhà thầu UDIC, có nguy cơ dẫn tới khiếu kiện kéo dài.

Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 05:EPC-thiết kế và xây lắp công trình có tổng mức đầu tư hơn 683 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi triển khai, các gói thầu EPC có nhiều sai phạm trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng..., phải chấm dứt hợp đồng. Đến nay, bệnh viện đã đưa vào hoạt động nhưng hậu quả của những sai phạm trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. 

Gói thầu số 05:EPC-thiết kế và xây lắp công trình (sau đây gọi tắt là gói thầu số 05) thực hiện theo hình thức: Tổng thầu thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị, xây dựng. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án có nhiều vướng mắc về thủ tục hồ sơ từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn đấu thầu. Do đó, đến năm 2013, dự án phải dừng triển khai thực hiện để chốt khối lượng công việc đã hoàn thành của gói thầu số 05, phần khối lượng còn lại chưa thi công được tổ chức đấu thầu theo quy định. Việc dừng thực hiện gói thầu theo hình thức EPC vào thời điểm nhà thầu đã thi công được khối lượng hơn 89 tỷ đồng được xác định không phải lỗi do nhà thầu. 

Dự toán giá trị khối lượng hoàn thành và các khoản chi phí khác của gói thầu số 05 đã được Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra và được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt vào ngày 11-9-2017, với giá trị hơn 89 tỷ đồng, trong đó có hơn 4,2 tỷ đồng là chi phí khác. Số chi phí khác này, gồm: chi phí xây dựng nhà điều hành, lán, trại tạm, bãi đúc cọc, trạm biến áp, tiền lương cho ban chỉ huy công trình trong thời gian tạm ngừng thi công, vận chuyển dàn giáo…. Số chi phí này phát sinh do tỉnh Bắc Kạn chấm dứt hợp đồng với nhà thầu, dẫn tới, không biết lấy tiền đâu để chi trả. 

Để quyết toán khối lượng gói thầu số 05 đã thi công, tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho cơ chế thanh toán, quyết toán và được Chính phủ chấp thuận nguyên tắc thanh quyết toán theo đề xuất của Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng đã hướng dẫn UBND tỉnh Bắc Kạn bố trí vốn và chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn thanh toán, quyết toán theo nguyên tắc: “Phần chi phí khác gồm: các chi phí hợp lý, hợp pháp về hao phí vật tư, vật liệu, tiền lương, lán trại, chi phí bảo lãnh thực hiện hợp đồng… do chấm dứt hợp đồng EPC thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 40 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7-5-2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng là: thanh, quyết toán theo giá trị thực tế mà nhà thầu chi trả, trên cơ sở các tài liệu nhà thầu cung cấp như bảng thanh toán tiền lương, biên lai nhận tiền của người thụ hưởng và khối lượng thực hiện được chủ đầu tư và nhà thầu xác nhận, đơn giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố, hóa đơn chứng từ đầu vào của nhà thầu”.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, số chi phí 4,2 tỷ đồng này là chi phí hợp lý, hợp lệ của nhà thầu khi phải chấm dứt hợp đồng nhưng không thuộc khối lượng thực hiện của hợp đồng và hồ sơ thiết kế đã được duyệt. Vì vậy, các chi phí này được hiểu là khoản bồi thường thiệt hại cho nhà thầu do việc chấm dứt hợp đồng của gói thầu số 05. Để được bố trí vốn đầu tư công và thanh quyết toán số chi phí bồi thường này thì cần bổ sung vào tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về chi phí quản lý đầu tư xây dựng thì trong tổng mức đầu tư không có khoản mục nào quy định về chi phí bồi thường thiệt hại cho nhà thầu do việc chấm dứt hợp đồng.

Trong khi đó, theo Luật Ngân sách thì các khoản chi phí trên cũng không nằm trong nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương. Mặt khác, việc bồi thường thiệt hại theo hợp đồng không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Vì vậy, Sở Kế hoạch và đầu tư Bắc Kạn khẳng định, chưa đủ cơ sở pháp lý để sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thanh toán khoản bồi thường hơn 4,2 tỷ đồng nói trên. 

Trong khi đó, nhà thầu thực hiện gói thầu số 05 là Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC (gọi tắt là UDIC) đã liên tục có văn bản gửi tỉnh Bắc Kạn. UDIC xác định đây là những sai sót không mong muốn nhưng đề nghị tỉnh Bắc Kạn cần sớm thanh toán đủ khoản chi phí khác hơn 4,2 tỷ đồng đã được Viện Kinh tế xây dựng thẩm tra. 

Ngày 12-6, UDIC tiếp tục gửi văn bản tới tỉnh Bắc Kạn, trong đó, công ty này khẳng định, không đồng thuận với tỉnh Bắc Kạn trong việc xác định khoản chi phí hơn 4,2 tỷ đồng là khoản bồi thường thiệt hại. UDIC cho rằng, theo Nghị định 112/2009/NĐ-CP ngày 14-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì những khoản chi phí hợp lý, hợp lệ hơn 4,2 tỷ đồng đều nằm trong cơ cấu dự toán xây dựng công trình do là chi phí trực tiếp (gia công lắp cốt pha, đà giáo, vận chuyển, khấu hao); chi phí chung (tiền lương, bảo lãnh); chi phí bảo hiểm (chi phí đền bù, bảo hiểm công trình, bảo hiểm bên thứ ba); chi phí lán trại.

Việc dừng hợp đồng đã ký kết khiến UDIC thiệt hại hơn bốn tỷ đồng lãi chậm trả và hơn 27 tỷ đồng lợi nhuận. UDIC khẳng định, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, không thanh lý hợp đồng gói thầu số 05-EPC nhưng đã đấu thầu những phần việc còn lại là vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý hoạt động xây dựng của Chính phủ. 

Để giải quyết sự việc, ngày 30-6, UBND tỉnh Bắc Kạn tiếp tục họp tìm giải pháp xử lý. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lý Thái Hải yêu cầu sở, ngành chuyên môn tham mưu báo cáo, xin ý kiến Bộ Xây dựng để giải quyết kiến nghị của nhà thầu UDIC. 

Dự án Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn đã hoàn thành nhưng tỉnh Bắc Kạn phải giải quyết nhiều hậu quả do sai phạm trong quá trình triển khai đầu tư. Trước đó, Nhân Dân điện tử đã phản ánh việc chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, chậm triển khai thủ tục dẫn tới hai thiết bị y tế có giá gần 30 tỷ đồng là hệ thống chụp mạch Angio một bình diện cảm biến phẳng và hệ thống cộng hưởng từ chưa được bàn giao vì chủ đầu tư “nợ” tiền mua đối với đơn vị cung ứng, do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010-2015 còn hơn 45 tỷ đồng đã hết hạn thanh toán.

Năm 2020, tỉnh Bắc Kạn đã phải bỏ tiền ngân sách tỉnh để chi trả số nợ này, đồng nghĩa với việc phải cắt giảm kinh phí dành cho một số dự án quan trọng khác. Do đó, việc nợ tiền UDIC hơn sáu năm qua cần được địa phương này sớm giải quyết dứt điểm, không để trở thành khiếu kiện kéo dài. 

Thiếu trách nhiệm, thiết bị y tế hàng chục tỷ đồng bỏ không