Sớm giải quyết tình trạng di dân tự do ở Mai Châu

UBND hai tỉnh Sơn La và Yên Bái đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến khu vực Suối Rằm thuộc xóm Táu Nà, xã Cun Pheo, huyện Mai Châu (Hòa Bình) để tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. Trong khi đó, nhiều hộ dân không nhất trí trở về địa phương và còn có ý định lôi kéo thêm nhiều người trong dòng tộc ở các tỉnh đến cư trú lâu dài, lập làng mới tại đây.

Một căn nhà tạm bợ của người dân xâm canh, xâm cư.
Một căn nhà tạm bợ của người dân xâm canh, xâm cư.

Ðiểm "nóng" Cun Pheo

Nằm cách trung tâm huyện Mai Châu 30 km, là xã vùng sâu, vùng xa, nhưng thời gian qua Cun Pheo đang trở thành một điểm "nóng" về xâm canh, xâm cư. Chủ tịch UBND xã Cun Pheo Lò Văn Thiên cho biết, do là địa bàn vùng sâu, có diện tích rộng, đường sá đi lại còn nhiều trắc trở cho nên xóm Táu Nà đã trở thành điểm nóng về hoạt động xâm canh, xâm cư, di dân tự do.

Từ năm 2015, khoảng 10 hộ dân từ Sơn La di cư sang khu vực xóm Táu Nà để phát nương dựng nhà. Tiếp đó, thêm nhiều người dân từ các nơi khác đến chiếm dụng đất để canh tác, sản xuất, dựng nhà. Trước thực trạng nêu trên, ngay khi phát hiện việc một số người dân ở nơi khác di cư đến địa bàn, UBND xã đã báo cáo với UBND huyện và các ngành chức năng để tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. Cùng với đó, UBND xã cũng đã thường xuyên phối hợp lực lượng công an, kiểm lâm và các ngành, đoàn thể tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động, nhưng số hộ dân di cư không chấp hành. Tính đến hết tháng 2-2019, tại suối Rằm, xóm Táu Nà vẫn còn 23 hộ với 131 nhân khẩu người dân tộc Mông của hai tỉnh Sơn La và Yên Bái đang có hoạt động xâm canh, xâm cư tại đây. Trong đó, 20 hộ dân với 108 nhân khẩu là người dân tộc Mông của tỉnh Sơn La; ba hộ với 23 nhân khẩu là người dân tộc Mông của tỉnh Yên Bái đã dựng nhà kiên cố và có ý định định cư lâu dài.

UBND hai tỉnh Sơn La và Yên Bái đã thành lập đoàn công tác trực tiếp đến thực địa để gặp gỡ, tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. Hai tỉnh đã có chủ trương, chính sách đón đồng bào dân tộc Mông thường du canh, du cư đến địa phương khác sinh sống, xâm canh, xâm cư trở về; tỉnh sẽ hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở để ổn định cuộc sống người dân. Tuy nhiên, nhiều hộ đang xâm canh, xâm cư tại Mai Châu không nhất trí trở về địa phương mà còn có ý định lôi kéo thêm nhiều người dân tộc Mông trong dòng tộc ở các tỉnh khác đến cư trú lâu dài, chiếm dụng đất, lập làng mới...

Cần giải pháp quyết liệt, cụ thể

Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu Nguyễn Quang Thắng cho biết: Khu vực người dân tộc Mông đến xâm canh, xâm cư thuộc địa bàn xóm Táu Nà, giáp ranh giữa ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa. Ðây là nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cách trung tâm xóm khoảng 10 km, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, chỉ có đường mòn đi bộ... Khu vực này không được quy hoạch xây dựng khu dân cư. Do vậy, không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật điện, đường, trường, trạm. Hơn nữa, phần lớn diện tích đất mà các hộ đang xâm canh, xâm cư đã được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Mai Bình quản lý, đầu tư để trồng rừng phòng hộ kết hợp kinh tế, tạo vùng nguyên liệu tập trung. Hoạt động xâm canh, xâm cư ở xã Cun Pheo thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng, phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, phá vỡ quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch đất, quy hoạch vùng sản xuất, tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự và nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội của địa phương.

Từ năm 2015 đến nay, huyện Mai Châu đã tổ chức bốn đợt cho các hộ dân ký cam kết không xâm canh, xâm cư, trở về địa phương cũ sinh sống. Tuy nhiên, chỉ có 15 hộ trở về, còn 23 hộ dân vẫn tiếp tục bám trụ với ý định định cư lâu dài tại khu vực này.

Theo đánh giá của UBND huyện Mai Châu, việc di dân tự do, xâm canh, xâm cư thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy cho địa phương. Ðiển hình là gây ra nạn chặt phá rừng làm nương rẫy tăng cao, diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp; đã xảy ra tranh chấp đất giữa các hộ di dân tự do và người dân địa phương, doanh nghiệp. Có trường hợp còn sử dụng vũ khí nóng để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa phương; tình trạng đói nghèo, tệ nạn xã hội, trẻ em không được đi học và ô nhiễm môi trường gia tăng, đời sống cư dân địa phương bị xáo trộn, phá vỡ quy hoạch về dân cư và quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Bên cạnh đó, do các hộ di dân chưa được cấp hộ khẩu, đăng ký tạm trú, dẫn tới không được hưởng các chế độ, chính sách y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội...

Ðể giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu Nguyễn Quang Thắng chia sẻ, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ di dân trở về địa phương cư trú, cần tăng cường phối hợp các địa phương có các hộ di dân tự do đến địa phương tuyên truyền, vận động và thực hiện chính sách, tạo điều kiện cho các hộ di dân trở về. Ðối với các hộ gia đình kiên quyết không trở về địa phương nơi cư trú thì cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ, đầu tư xây dựng khu tái định cư; bố trí sắp xếp dân cư tại nơi ở mới cho người dân. Tập trung nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di cư có nơi cư trú hợp pháp, ổn định đời sống, kinh kế, có đất sản xuất, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm an ninh trật tự...