Sơ tán an toàn hàng nghìn hộ dân ở Nghệ An

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 gây mưa lớn, mấy ngày qua, nhiều địa bàn tại Nghệ An nhất là vùng thấp trũng, dọc sông đã bị nhấn chìm trong nước lũ. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chủ động, phát huy tốt "bốn tại chỗ" cùng với lực lượng vũ trang và các đơn vị khác… kịp thời sơ tán hàng nghìn hộ dân đến nơi an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 873 cứu một cháu bé ra khỏi ngôi nhà bị ngập sâu gần 2 m tại phường Bến Thủy, TP Vinh. Ảnh: Trần Dũng (Báo Quân khu 4)
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 873 cứu một cháu bé ra khỏi ngôi nhà bị ngập sâu gần 2 m tại phường Bến Thủy, TP Vinh. Ảnh: Trần Dũng (Báo Quân khu 4)

Từ ngày 28 đến 31-10, ở Nghệ An xảy ra mưa lớn. Lượng mưa phổ biến từ 200 đến 400 mm, có nơi từ 500 đến 800 mm, như: Ðô Lương 805 mm, Hưng Nguyên 703 mm, Thanh Chương 648 mm; Nam Ðàn 492 mm, TP Vinh 454 mm, Anh Sơn 427 mm... Mưa lớn khiến các huyện Thanh Chương, Ðô Lương, Nam Ðàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh… ngập sâu, nhất là những nơi dọc sông suối, vùng thấp trũng. Nhiều nhà dân ở dưới chân đồi, núi bị đe dọa nguy cơ sạt lở.

Lũ lụt ở Nghệ An đã làm năm người chết và mất tích, ba người bị thương; hàng trăm xóm, làng bị ngập lụt, cô lập và chia cắt; làm ngập hơn 12 nghìn ngôi nhà và phải di dời hàng nghìn hộ dân. Mưa lũ cũng làm ngập và thiệt hại gần 15 nghìn ha lúa, ngô, rau, màu và thủy sản; cuốn trôi hơn 37 nghìn con gia súc, gia cầm. Nhiều kênh mương, thủy lợi, đê, kè cùng nhiều hồ đập nhỏ bị sạt lở và hư hỏng. Mưa lũ còn cuốn trôi 14 cầu, tràn, làm hư hỏng và sạt lở 73,4 km đường giao thông. Trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ có 39 vị trí ngập lụt, ách tắc giao thông. Riêng trên tuyến quốc lộ 46, đoạn qua núi Nguộc (huyện Thanh Chương) bị sạt lở nhiều điểm. Các đơn vị quản lý đã bố trí rào chắn, biển báo, tổ chức canh gác 24/24 giờ, đóng đường, cấm người và phương tiện qua lại…

Sáng 31-10, mực nước sông Lam tiếp tục dâng cao thêm một mét, trên báo động 2, khiến toàn bộ hộ dân vùng ngoài đê sông Lam ở địa bàn các huyện Nam Ðàn, Hưng Nguyên và một phần Thanh Chương chìm trong biển nước, cô lập hoàn toàn.

Mưa lớn tại TP Vinh đã làm ngập nhiều tuyến đường từ 30 - 50 cm khiến việc đi lại gặp khó khăn. Bến Thủy và Hồng Sơn là hai phường ngập nặng nhất trên địa bàn thành phố, trong đó có "rốn lũ" khối 13, khối 15 phường Bến Thủy, ngập sâu gần 2 m. Bất chấp mưa, lũ, lực lượng tại chỗ của phường kết hợp với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 873 (Quân khu 4), Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (Công an Nghệ An) đã tiếp cận các điểm ngập sâu để sơ tán người dân đến nơi an toàn. Lực lượng vũ trang với các phương tiện chuyên dụng di chuyển tới các tuyến đường, khu vực bị cô lập, ngập sâu, giúp người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ thoát khỏi vùng nguy hiểm cũng như di dời tài sản lên cao. Bà Hồ Thị Hợi ở tổ 6, khối 15, phường Bến Thủy xúc động: "May có các bộ đội Quân khu 4 đến cứu hộ bà cháu, mẹ con đến nơi an toàn. Cảm ơn các chú bộ đội rất nhiều!". Chủ tịch UBND phường Bến Thủy Nguyễn Xuân Huân cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, cho nên chúng tôi đã di dời gần 200 hộ dân ra khỏi vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Cũng trong thời gian này, lực lượng chức năng phường Hồng Sơn đã đưa bảy hộ gồm 35 người ở khối 1 bị ngập nặng đến nơi an toàn. Các đơn vị chức năng tiến hành mở toàn bộ cống tiêu cùng các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất để tiêu thoát lũ, giảm ngập úng cho TP Vinh. Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh Trần Quang Lâm cho biết: Ðể chủ động ứng phó với hoàn lưu mưa bão số 9, thành phố đã rà soát các điểm có nguy cơ úng ngập cao, lên phương án cụ thể để bố trí lực lượng ứng trực và cứu hộ. Giao trách nhiệm cho các đơn vị bám các tuyến phố chính và địa bàn nguy cơ ngập lớn; bố trí lực lượng phân luồng bảo đảm an toàn khi mưa ngập. Thành phố giao cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy và các phường, xã bám từng tuyến phố để xử lý trong và sau mưa ngập… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Thanh Chương là một trong những địa phương ở Nghệ An có nhiều thôn, xóm bị ngập sâu trong nước lũ. Ðêm 29, rạng sáng 30-10, nước sông Lam lên nhanh đã làm ngập nhiều thôn, xóm của xã Võ Liệt (Thanh Chương). Ngay lập tức, lực lượng tại chỗ và thanh niên tình nguyện xã Thanh Long đã tích cực hỗ trợ người dân di tản tránh lũ. Càng gần sông, nước càng to, công tác cứu hộ di dời gặp nhiều khó khăn. Người già, người tàn tật, trẻ em được lực lượng xung kích cõng trên lưng, vượt qua nước lũ đang dâng cao. Chủ tịch UBND xã Võ Liệt Bùi Xuân Lĩnh cho biết: Ðã thành thói quen, ngay khi nước sông Lam tràn bờ, chúng tôi đã triển khai lực lượng cứu hộ giúp đỡ người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Gần 120 hộ bị ngập nước đã được các lực lượng giúp đỡ đưa đến nơi cao ráo. Các địa phương ở huyện Thanh Chương đã tổ chức di dời cả nghìn hộ dân ở vùng có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn. Ðáng chú ý, đoàn cứu hộ thiện nguyện đã cứu thành công 36 người trên địa bàn xã Thanh Mỹ. Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhạ cho biết: Hiện nước sông Lam đang lên, các đoàn công tác của huyện đang có mặt ở những điểm xung yếu để tiếp tục chỉ đạo công tác ứng cứu. Ưu tiên hàng đầu lúc này là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân ở các khu vực ngập sâu, cùng với việc tổ chức công tác cứu trợ mì ăn liền, lương khô, nước uống, áo phao... cho vùng ngập lụt.

Các địa phương Nam Ðàn, Anh Sơn, Thanh Chương huy động lực lượng công an, bộ đội, người dân cùng thuyền, ca-nô nỗ lực tìm kiếm người mất tích; đồng thời tổ chức thăm hỏi, mai táng người bị chết đuối. Việc tìm kiếm người mất tích đang gặp khó khăn do nước lũ ở khu vực tìm kiếm đang lên cao, chảy xiết.

Các đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đã về các địa phương bị ngập sâu để chỉ đạo công tác ứng phó và động viên nhân dân. Tại huyện Nghi Lộc, mưa lũ đã khiến 1.600 nhà dân ở các xã Nghi Mỹ, Nghi Công Nam, Nghi Công Bắc… ngập sâu; nhiều tuyến đường giao thông bị lũ chia cắt. Huyện Nghi Lộc đã huy động xuồng máy sơ tán hàng trăm người dân. Ðoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình ngập lụt tại xóm Mỹ Hòa, xã Nghi Mỹ. Ðây là điểm ngập sâu nhất của huyện Nghi Lộc. Cả xóm có 125 hộ đều bị ngập từ 1-1,5 m phải sơ tán. Thăm hỏi, động viên, chia sẻ những khó khăn mất mát của bà con, tại khu vực sơ tán - trụ sở UBND xã, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã, huyện có phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân vùng ngập lụt. Triển khai công tác cứu trợ và các biện pháp khắc phục ngay sau lũ rút một cách hiệu quả. Ðoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Ðức Trung dẫn đầu đã đến thị sát tại các xã Quang Sơn và Tràng Sơn (Ðô Lương), Thanh Mỹ (Thanh Chương) - những nơi có hàng trăm hộ dân đang bị ngập sâu.

Lực lượng vũ trang luôn sát cánh với cấp ủy, chính quyền và người dân trong thiên tai. Các đồn biên phòng ở hai tuyến biên giới đã huy động 100% lực lượng, đến các vùng có nguy cơ sạt lở cao hoặc ngập lũ để vận động, tuyên truyền và tổ chức người dân sơ tán đến nơi an toàn. Các đồn còn ứng cứu kịp thời người dân ở vùng bị cô lập. Vào đêm 29-10, mặc dù đường giao thông bị ngập sâu nhưng các cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Phúc Sơn (Anh Sơn) đã dũng cảm cắt rừng, kịp thời cứu được ba người trong một gia đình ở bản Vều 4, xã Phúc Sơn bị nước lũ cô lập. Các đồn biên phòng còn cử lực lượng phối hợp với lực lượng địa phương tổ chức trực gác 24/24 giờ tại các điểm giao thông bị ngập sâu hay hư hỏng để cấm người và phương tiện qua lại. Ðồn Biên phòng 559 huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ, tập trung thu dọn cây cối bị đổ, vệ sinh môi trường trên địa bàn hai xã tái định cư Ngọc Lâm và Thanh Sơn...

Hiện nay, ở một số nơi, nước lũ bắt đầu rút, các đơn vị vũ trang cùng các lực lượng khác đang tiếp tục xuống cơ sở để giúp vệ sinh môi trường các trường học, trụ sở làm việc, trạm xá, các gia đình chính sách, neo đơn, già cả với phương châm, nước rút đến đâu, tổng vệ sinh đến đó. Các đoàn thiện nguyện với mì ăn liền, lương khô, nước uống, đồ dùng thiết yếu khác cũng chuẩn bị đến từng ngõ ngách để hỗ trợ người dân vùng lũ, kịp thời chia sẻ, giúp đỡ nhân dân vùng bị ngập lụt sớm ổn định cuộc.

Ngày 31-10, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã tổ chức Ðoàn công tác do Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu dẫn đầu đã đến hỗ trợ ba tấn gạo và gần 1.000 thùng mì ăn liền cho nhân dân các xã vùng ngập Thanh Mỹ, Thanh Xuân và Hạnh Lâm (Thanh Chương). Ðoàn công tác cũng đã đến thăm, tặng quà, động viên các gia đình chính sách, các hộ nghèo và người trên địa bàn bị nạn trong quá trình nước lũ dâng cao.

THÀNH CHÂU