Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 18,4%

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình đăng ký kinh doanh tháng 10 có sự khởi sắc đáng kể so tháng trước, số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới tăng trưởng 18,4%; số DN quay trở lại hoạt động tăng 10,4% trong khi DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và DN hoàn tất thủ tục giải thể lần lượt giảm 12,6% và 18,6%. 

Theo đó, trong tháng 10, cả nước có 12.200 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 165,6 nghìn tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 13,6 tỷ đồng. Tính chung 10 tháng, cả nước có gần 111,2 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1,6 triệu  tỷ đồng, giảm 2,9% về số DN và tăng 11,1% về vốn đăng ký.

Tám nhà đầu tư BOT chưa triển khai dịch vụ ETC

Theo Bộ Giao thông vận tải, tính đến ngày 29-10, đã có 14 nhà đầu tư dự án đầu tư BOT giao thông (22 trạm) triển khai ký hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) với nhà cung cấp dịch vụ BOO2 là Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam, tăng thêm 5 nhà đầu tư BOT (6 trạm) so với ngày 16-10. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 8 nhà đầu tư BOT (11 trạm) chưa ký hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Với tiến độ này, nguy cơ chậm tiến độ theo lộ trình Quyết định số 19 của Thủ tướng Chính phủ là rất cao. Tám nhà đầu tư chưa ký hợp đồng ETC gồm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới; BOT 38 (đoạn Bắc Ninh - Hải Dương); BOT Vietracimex 8 (quốc lộ 2 tuyến tránh TP Vĩnh Yên); BOT cầu Thái Hà (Trạm cầu Thái Hà); BOT Đèo Cả - Khánh Hòa (Trạm Ninh Lộc trên quốc lộ 1); Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (DCIC) đang quản lý 3 trạm Bàn Thạch, hầm Đèo Cả và Cù Mông; BOT Quang Đức - Gia Lai (quốc lộ 14); BOT cầu Mỹ Lợi (quốc lộ 50). Nguyên nhân chậm do vướng mắc trong đàm phán hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 2, mức phí dịch vụ, cách tính doanh thu thu phí bị thất thoát do hành vi vi phạm của các bên,...

BHXH các địa phương chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai

Ngày 28-10, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có Văn bản số 3404/BHXH-VP gửi BHXH các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về việc ứng phó, phòng, chống thiên tai, bão lũ.

Theo đó, BHXH các địa phương chủ động, áp dụng các biện pháp linh hoạt để thực hiện việc thu tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp... Kịp thời tạm ứng đủ kinh phí cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT để phục vụ hoạt động KCB BHYT; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân trong KCB và thanh toán chi phí KCB..., hỗ trợ về thủ tục hành chính trong chuyển tuyến KCB (tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời chuyển tuyến KCB BHYT khi cơ sở KCB bị cách ly, cô lập do bão lũ…). Chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan bưu điện xây dựng phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp phù hợp diễn biến bão lũ tại địa phương; chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp cho người tham gia, đồng thời bảo đảm an toàn trong quá trình chi trả; áp dụng linh hoạt các biện pháp chi trả, kể cả phương án chi trả trực tiếp tại nhà cho người hưởng; thông tin trước hai ngày cho người hưởng biết về phương thức chi trả, thời gian chi trả.