Sáng kiến vì cộng đồng

NDO -

Lâu nay xã hội chúng ta thường gắn chữ “tình thương” vào sau các sản phẩm của người khuyết tật, khiếm thị, khiếm thính. Nhưng hiện nay, có rất nhiều dự án sử dụng lao động khuyết tật cho một mô hình kinh doanh phát triển bền vững. Những sáng kiến hỗ trợ nhóm yếu thế ra đời liên tục và ngày càng sáng tạo. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật, đối xử bình đẳng hơn với họ khi định kiến về hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội vẫn rất nặng nề.

Anh Thái Thành hướng dẫn học viên một kiểu tạo mẫu tóc cho nữ giới. (Ảnh: Thủy Nguyên)
Anh Thái Thành hướng dẫn học viên một kiểu tạo mẫu tóc cho nữ giới. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Bài 1: Tiệm tóc thanh xuân

Đó là một hiệu làm tóc đặc biệt, không giống với bất kỳ tiệm cắt tóc thông thường nào. Trong không gian đó, không có tiếng nói, chỉ có nụ cười, giao tiếp giữa chủ và khách là những mẩu giấy nhỏ, những tin nhắn điện thoại qua lại. Nhiều khách ruột còn thuộc cả ngôn ngữ ký hiệu để đưa ra yêu cầu với người chủ tiệm trẻ và các nhân viên.

Hành trình theo đuổi đam mê

Sau vài lần lui tới cắt tóc, chứng kiến chàng trai trẻ chủ quán với cây kéo, cùng những học viên có hoàn cảnh đặc biệt của mình đã khiến tôi nung nấu ý định phải làm sao để có thể trò chuyện cùng những người bạn trẻ này. Được sự hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiệt tình của bạn Hà My, một cựu học viên của trung tâm ngôn ngữ ký hiệu, tôi quyết định đi tìm cho mình câu trả lời khi đến tiệm cắt tóc đặc biệt của chàng trai khiếm thính Nguyễn Thái Thành vào ngày đầu tiên của một tháng âm lịch. Chỉ có ngày này tôi mới có được khoảng thời gian yên tĩnh để trò chuyện và được nghe Thành chia sẻ về hành trình theo đuổi đam mê tạo mẫu tóc, cũng như mong ước phát triển mô hình mà mình đang thực hiện để nó luôn là ngôi nhà chung của những người câm điếc.

Cắt tóc vào những ngày đầu tháng âm lịch theo quan niệm của người châu Á thường không đem đến cho họ những điều may mắn. Chính vì vậy đây là khoảng thời gian hiếm hoi Thành cùng các học viên của Công ty cổ phần công nghệ làm đẹp Thành Nguyễn có được chút ít thời gian ngồi cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ, các bạn muốn học thêm nội dung nâng cao gì? Muốn mời ai giỏi để chia sẻ thêm không? Nói chuyện với người nổi tiếng là những câu hỏi Thành luôn dành cho các học viên.

Chúng tôi đến khi Thành và mọi người vừa kết thúc một buổi trao đổi như thế. Thông qua Hà My phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, câu chuyện của Thành được tái hiện lại trong tôi với đầy ắp những kỷ niệm và đan xen với đó là những giọt nước mắt của nỗi buồn, của niềm hạnh phúc khi được làm nghề đến thời điểm này của Thành.

Sáng kiến vì cộng đồng -0
 Những thành tích và bằng khen mà Thái Thành dành được trong 10 năm qua. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Sinh ra trong một gia đình có ba anh chị em, Thành bị câm điếc bẩm sinh. Năm 14 tuổi, gia đình quyết định đưa Thành xuống Hà Nội xin học tại Trường Dạy trẻ câm điếc Nhân Chính. Ở đây, Thành được học ngôn ngữ ký hiệu và tốt nghiệp sau hai năm học. Gia đình đã hướng cho Thành học nghề nấu ăn, may mặc nhưng cả hai nghề này Thành đều không thích. Vì thế, nghề nào cũng chỉ được một thời gian là Thành lại bỏ dở giữa chừng. Rồi một lần đi cắt tóc, nhìn ông thợ múa kéo, Thành bị mê. Về nhà, anh nằng nặc đòi bố đưa đi học tạo mẫu tóc.

Thành ngậm ngùi chia sẻ: “Mỗi khi nhớ lại những ngày tháng đó, tôi lại ứa nước mắt. Tôi đi khắp nơi để xin học nhưng không tiệm cắt tóc nào chịu nhận. Họ nói, họ không biết cách nào để truyền đạt kiến thức cho người câm điếc. Nhiều người còn động viên tôi từ bỏ ý định trở thành nhà tạo mẫu tóc mà hãy làm một nghề gì đó thông thường, ít sáng tạo nhưng tôi không nghe”.

Sau đó Thành ngậm ngùi về quê. Bố xin cho Thành đi phụ việc ở quán cắt tóc đầu làng. Quán bé bé nhưng cũng khiến Thành phấn khích. Không nói, không nghe được, Thành chăm chú quan sát tỉ mỉ cách thầy làm, đêm về lại lôi ma-nơ-canh ra làm thử. Sau ba năm, Thành quyết định lên Hà Nội với chút kinh nghiệm trong tay, rồi xin học ở một salon tóc lớn trên phố Khâm Thiên.

Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Thành tham gia cuộc thi 1.000 năm tóc và giành giải triển vọng. Chưa thoả mãn ở đó, Thành quyết định vào TP Hồ Chí Minh học thêm chuyên sâu. Khi đã thật sự tự tin với nghề, gom góp được chút ít vốn liếng Thành xin bố mẹ mở salon tóc.

Ban đầu, bố mẹ Thành phản đối vì nghĩ con mình không nói được sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp với khách. Nhưng sau, thấy Thành rất quyết tâm cho nên bố mẹ anh buộc lòng ủng hộ. Dường như, ông trời lấy đi đôi tai nhưng lại bù cho Thành đôi tay cầm kéo khéo léo, sự sáng tạo và gu thẩm mỹ của một chuyên gia làm đẹp.

Tiệm cắt tóc Thành Nguyễn nằm bên trong con ngõ Văn Chương, vậy mà từ 10 giờ sáng, tiệm đã kín khách, có khá nhiều người phải ngồi chờ. Tiệm của Thành phục vụ đủ các lứa tuổi nhưng ghé đến tiệm đông nhất là khách nữ lứa tuổi từ 20 đến 50, đặc biệt rất hiếm người câm điếc.

Khách hằng ngày của Thành đủ các thành phần, từ những người dân bình dị trong ngõ đến những khách hàng nổi tiếng, sành điệu, cùng với đó là rất nhiều khách du lịch nước ngoài đã ghé qua đây khi có nhu cầu làm đẹp. Một số ít có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, còn lại, mọi người đều vui vẻ dùng bút, giấy để trao đổi. Họ đến cắt tóc ưng ý lại giới thiệu cho bạn bè tìm đến. Chính vì vậy tiệm của Thành lúc nào cũng tấp nập khách ra vào.

Căn phòng rộng chừng 20 m2, chỉ có tiếng du dương nhạc từ màn hình ti-vi, tiếng máy sấy và lách cách tiếng kéo đưa đi đưa lại. Mặt ai cũng vui, chủ tiệm Thái Thành thi thoảng pha trò với những nhân viên, học viên của mình bằng những cái nhăn mặt và những câu đùa bằng ngôn ngữ chuyên biệt.

Trong salon, khắp phòng là những bằng khen, giải thưởng mà vị chủ quán câm, điếc đã cố gắng và nỗ lực đạt được. Ngoài ra là những mảnh giấy nhỏ chi chít chữ được trang trí ngộ nghĩnh dán khắp nơi. Đó là tình cảm mà khách hàng thể hiện với Thành, những lời chúc thành công, những lời cảm ơn vì chủ quán đã tạo cho họ mẫu tóc ưng ý và cả những lời cảm phục chân thành trước một chàng trai vượt lên số phận. Vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn và có cả định kiến, Thành vẫn từng ngày tiến bộ và càng vững chắc hơn trong cuộc sống mưu sinh vốn đã gắn với những thử thách rất “đặc biệt”.

Trên chiếc ghế xoay, chủ tiệm Thái Thành tiến đến đưa cho cô gái tên Minh Nguyệt (27 tuổi, nhà ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) vị khách tiếp theo đến lượt cắt tóc một kẹp giấy A4. Minh Nguyệt ghi “em muốn làm tóc lọn xoăn”. Rất nhanh, Thành viết lại: “Tóc em xoăn tự nhiên rồi, em có muốn cắt một kiểu mới hợp với khuôn mặt mình hơn không?”. Sau ít phút đắn đo suy nghĩ cô quyết định đồng ý, Thành cất kẹp giấy và bắt đầu đưa kéo lên để thực hiện mẫu tóc cho vị khách của mình. Ở một góc khác của tiệm chị Hương Giang, 46 tuổi, khách hàng thân thiết đang ngồi chờ đến lượt tiếp, chia sẻ: “Tôi làm tóc đã quen ở đây nên ngại sang các chỗ khác, chỉ cần ghi vài dòng ra tờ giấy thích tóc kiểu gì, sấy, hấp ra sao, các bạn ấy biết thói quen của mình và cứ thế làm, rất ưng ý. Trung bình, mỗi tháng tôi ghé qua hai đến ba lần, gội, dưỡng hoặc cắt. Các bạn trẻ câm điếc, tuy nhiên tay nghề rất vững, cho mình cảm giác thoải mái. Tôi rủ nhiều bạn bè, người thân qua đây, vừa để được làm đẹp, vừa ủng hộ tiệm của các bạn”. Đây chính là điều mà Thái Thành cảm thấy rất hạnh phúc vì trong 10 năm qua, tiệm luôn có những vị khách dù mới hay quen, vẫn luôn tin tưởng và gắn bó.

Ngôi nhà chung của người điếc

Thái Thành cho biết, tiệm của mình ngoài Thành là thợ cắt tóc chính, có thêm hai nhân viên, ngoài ra, sáu người làm cùng là các học viên đang học việc, tất cả đều bị câm điếc như Thành. “Đồng cảnh ngộ, tôi quá hiểu những đắng cay mà mình đã trải qua trong thời gian xin học việc cho nên tôi rất muốn tạo điều kiện cho những bạn bị điếc như mình có điều kiện học tập và làm việc tại đây. Để từ đó, họ tự nuôi sống bản thân mình cũng như trở thành những người có ích cho xã hội”, ông chủ salon tóc chia sẻ. Với các học viên, nhân viên ở đây như một mái nhà chung của họ, sau giờ làm, họ cùng thuê một căn nhà gần tiệm tóc, cùng nấu ăn, sinh hoạt, chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống.

Năm 2015, với mong muốn mở rộng cửa hàng thành doanh nghiệp, Thái Thành tìm đến Dự án Thriive của Hoa Kỳ để vay vốn và trong năm này Công ty cổ phần công nghệ làm đẹp Thành Nguyễn thành lập với thành viên chính là các nhân viên câm điếc mà Thành đã, đang dạy nghề. Qua dự án, nhiều bạn câm điếc cũng biết và tìm đến Thành nhiều hơn. Người nọ bảo người kia, nhiều phụ huynh các bạn trẻ câm, điếc từ các tỉnh miền bắc dắt con đến xin Thành dạy nghề. Thành cũng thường xuyên cùng công ty tham gia các hoạt động tình nguyện, tổ chức tặng quà cho trẻ em khuyết tật, cắt tóc miễn phí, chia sẻ về con đường mình đang đi, tiếp thêm nghị lực sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Sáng kiến vì cộng đồng -0
 Những lúc rảnh rỗi các học viên tranh thủ cùng nhau ôn lại ngôn ngữ ký hiệu. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Một người bình thường cần phải sáu tháng mới có thể bắt đầu công việc làm tóc. Trong khi đó phần lớn các bạn trẻ câm điếc đến đây vẫn được gia đình bao bọc, chăm lo cho nên rất thiếu kỹ năng sống ngoài xã hội. Bởi thế, Thành phải dạy họ từ những thứ nhỏ nhất như đi chợ, nấu cơm, rửa bát đến dạy cách giao tiếp, cách ứng xử và làm việc với khách hàng. Chính vì vậy phải mất gần hai năm để một bạn nhân viên có thể chủ động tham gia công việc ở quán.

Thông qua Hà My, học viên Nguyễn Viết Trung (20 tuổi, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ với tôi: “Tôi được mẹ giới thiệu và xin học ở đây cho nên cũng muốn đến thử xem như thế nào. Trước kia, tôi không biết gì, không biết cả ngôn ngữ ký hiệu, anh Thành dạy tôi học cắt tóc và dạy cả ngôn ngữ ký hiệu. Tôi đã học ở đây được hơn một năm nhờ có ngôn ngữ ký hiệu mà tôi đã học được tiếng Việt. Tôi đã học cắt tóc nam, nữ tốt rồi và giờ sẽ học thêm nhuộm tóc nữa để sau Tết về quê có thể mở cửa hàng như anh Thành. Được học và làm việc với các bạn điếc cũng là điều rất thú vị. Cảm ơn anh Thành đã giúp tôi vượt qua khó khăn và cho tôi có cuộc sống như bây giờ”.

Tính đến nay, Thành đã dạy nghề cho hơn 150 bạn, anh hồ hởi chia sẻ với tôi bức ảnh một học viên của Thành đã mở cửa hàng riêng ngoài đảo Nam Du thuộc tỉnh Kiên Giang hay như hôm nay một học viên đã khai trương cửa hàng ở Hòa Bình, đó chỉ là hai thí dụ trong số rất nhiều học viên của công ty đã mở được cửa hàng riêng ở các tỉnh và tự lập kiếm sống, không phụ thuộc vào gia đình. “Tôi muốn giúp họ có cơ hội học nghề để kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân, xoá đi rào cản xã hội. Tôi động viên anh em học viên ở cửa hàng phải cố gắng không ngừng, học hỏi không ngừng để chứng tỏ mình không khuyết tật mà chỉ khác biệt. Không phải ai học xong cũng tự đứng vững mà làm nghề, với người nghe đã khó, với người điếc còn khó gấp bội và phải nỗ lực nhiều hơn. Năm 2016, sau một khoá đào tạo, tôi đã mở cơ sở 2 ở Kim Mã và giao cho một học viên thử sức quản lý. Nhưng được một thời gian, tôi đành đóng cửa vì cậu ấy có tay nghề nhưng lại không có khả năng quản lý và không biết giao lưu, giao tiếp với khách hàng. Mà tôi thì không thể một lúc ôm hai cửa hàng”, Thành kể.

Do đặc thù của công việc cho nên năm 2020 mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung cũng như thu nhập của các gia đình. Tuy nhiên, công ty của Thành vẫn hoạt động khá ổn định do họ duy trì được một lượng khách thường xuyên và cố định, chỉ có duy nhất khách nước ngoài thì sáu tháng nay không còn lui tới. Song song với hoạt động chính của cửa hàng Công ty Thành Nguyễn thường xuyên được mời tham gia các chương trình hội nghị, hội trại và hoạt động do các đơn vị trong nước, quốc tế tổ chức. Đây là cơ hội để Thái Thành và công ty vừa có thêm thu nhập, vừa chia sẻ về công việc hiện nay, cũng như lan tỏa trong cộng đồng những việc làm của mình.

Trước khi chia tay khi được hỏi ước mơ của Thành bây giờ là gì? Thành mỉm cười và chia sẻ: Trước tiên là truyền được sự tự tin, để cho những bạn trẻ là người điếc khi ra xã hội chứng minh người điếc có quyền bình đẳng. Thứ hai hiện nay các bạn có cùng cảnh ngộ với Thành ở miền bắc biết đến rất nhiều nhưng đối với những bạn ở vùng cao miền núi hoặc miền trung điều kiện khó khăn hơn nên rất khó tiếp cận được môi trường ở đây. Thành mong có cơ hội nào đó để có thể đến với họ hoặc giúp đỡ họ đến với Thành học tập. Nếu có điều kiện, kêu gọi hoặc được tài trợ sẽ muốn mở nhiều hơn nữa các cơ sở ở các nơi này vừa đào tạo nghề vừa giải quyết được việc làm cho các bạn điếc mà lại không phải đi lại quá xa.

Thái Thành là một tấm gương trẻ tiêu biểu đã biến những việc tưởng chừng như khó khăn trở thành hiện thực và truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác ở chung quanh mình. Xin chúc cho những dự định của Thành sẽ sớm trở thành hiện thực.