San ủi đồi đe dọa đường dây 110kV

NDO -

Thời gian qua, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại Bắc Kạn diễn biến phức tạp. Trong đó, có cả những vụ việc san ủi đất đồi, nguy cơ làm đổ cột đường dây cao thế 110kV ở tỉnh Bắc Kạn, gây mất an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc cấp điện cho ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng nếu như cột bị đổ.

Việc san ủi đã làm sạt lở đất lấn vào chân cột, nguy cơ gây đổ cột 110kV số 30.
Việc san ủi đã làm sạt lở đất lấn vào chân cột, nguy cơ gây đổ cột 110kV số 30.

Ngày 28-7, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế (QLVHLĐCT) Bắc Kạn kiểm tra định kỳ đường dây 110kV (lộ 173 E26.1 Bắc Kạn - 172 E6.6 Phú Lương, Thái Nguyên) phát hiện, hộ ông Ngô Thành Quý và Lê Viết Dũng đang san ủi đất đồi để tạo mặt bằng tại khu vực tổ 12, phường Phùng Chí Kiên (TP Bắc Kạn). Việc san ủi ảnh hưởng đến vị trí cột số 30, đường dây 110kV. Vị trí san ủi cách móng cột là 50 m. Đội QLVHLĐCT Bắc Kạn đã phối hợp chính quyền địa phương lập biên bản hiện trường nhưng đại diện chủ công trình không ký với lý do việc san ủi đã được TP Bắc Kạn cấp phép.

Sau đó, việc san ủi tiếp tục được hai hộ gia đình nói trên tiến hành. Đến ngày 4-8, khoảng cách từ mép ta-luy san ủi đến vị trí cột chỉ còn 22 m. Chiều cao từ đỉnh ta-luy xuống đến điểm giật cấp là 11 m; chiều cao mái ta-luy so với mặt đường hơn 30 m, nguy cơ sạt lở đất gây đổ cột rất lớn. Đội QLVHLĐCT Bắc Kạn tiếp tục lập biên bản nhưng chủ công trình tiếp tục không ký vào với lý do tương tự như đã nói trên.

Đến ngày 20-8, Phòng An toàn (Công ty Điện lực Bắc Kạn) và Đội QLVHLĐCT Bắc Kạn kiểm tra thì phát hiện hai hộ nói trên đã san gạt mặt bằng vượt quá phạm vi cấp phép, gây thêm vết nứt, sạt lở mới có nguy cơ sạt trượt làm đổ cột. Việc san gạt gây sạt lở cách vị trí cột chỉ còn 18 m; làm hở dây tiếp địa và bung ra ngoài khoảng 2 m. Sự việc đã được báo cáo lên UBND tỉnh, Sở Công thương, UBND TP Bắc Kạn nhưng chậm được giải quyết.

Trưởng phòng An toàn (Công ty Điện lực Bắc Kạn) Lê Văn Khương cho biết, cột số 30, đường dây 110kV được xây dựng, vận hành từ năm 1990. Tuy nhiên, do sạt lở đất vào năm 2009, đơn vị quản lý đã phải dịch chuyển cột vào phía trên đồi 22 m, là vị trí hiện tại. Theo quy định tại khoản 1, điều 49, Luật Điện lực năm 2004, khi xây dựng, cải tạo và mở rộng công trình công cộng hoặc công trình khác có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện, chủ đầu tư phải phối hợp đơn vị điện lực để giải quyết.

Tuy nhiên, trên thực tế, cả TP Bắc Kạn và chủ đầu tư đã không thực hiện quy định này. Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ chủ đầu tư không ký vào các biên bản sự việc do Đội QLVHLĐCT Bắc Kạn cùng địa phương lập là do đã được Phòng Quản lý đô thị (TP Bắc Kạn) cấp phép san ủi. Cụ thể, ngày 3-6, Phòng Quản lý đô thị có công văn số 165/CV-QLĐT chấp thuận cho ông Ngô Thành Quý được san ủi, tạo mặt để lập thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất tại tổ 12, phường Phùng Chí Kiên. Tổng khối lượng san ủi, đào đắp là gần 17 nghìn m3. Trong quá trình thi công, ông Ngô Thành Quý không được làm ảnh hưởng đến các công trình có trước. Nếu vi phạm các quy định của pháp luật, sẽ bị đình chỉ thi công hoặc thu hồi văn bản chấp thuận.

Theo báo cáo số 2110/BC-PCBK ngày 21-9 của Công ty Điện lực Bắc Kạn gửi UBND tỉnh, Phòng Quản lý đô thị khi chưa tham vấn ý kiến từ công ty đã cấp phép san ủi. Sau khi nguy cơ sạt lở có thể gây đổ cột xảy ra, Phòng Quản lý đô thị không đình chỉ hoạt động san gạt hay thu hồi giấy phép san ủi đối với hai hộ gia đình nói trên. Vì vậy, Công ty Điện lực Bắc Kạn kiến nghị UBND tỉnh cần sớm giải quyết dứt điểm để bảo vệ an toàn đường dây 110kV trọng yếu.

Theo quy định tại khoản 7, điều 4, Nghị định số 14/NĐ-CP ngày 26-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực thì hành vi bị nghiêm cấm là “đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp, trạm điện”. Hệ thống cột truyền tải điện 110kV là công trình điện mang tính chất an toàn, an ninh quốc gia, cần phải được bảo vệ chặt chẽ. Chi phí để dựng một cột 110kV phải từ hàng chục tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, theo Phòng An toàn (Công ty Điện lực Bắc Kạn), hiện tại ở tổ 12, phường Phùng Chí Kiên không còn vị trí nào khác phù hợp hơn để đặt cột. Nếu di chuyển cột, đồng nghĩa phải giải phóng mặt bằng vị trí khác, lên phương án điều chỉnh hướng tuyến đường dây… là khối lượng công việc cực kỳ tốn kém. Nếu như khắc phục tại chỗ bằng cách hạ chân cột, làm lại móng, nâng chiều cao cột thì cũng tốn không kém việc di chuyển cột.

Ngày 24-9, có mặt tại hiện trường, có thể thấy mái ta-luy vị trí san ủi tiếp tục có dấu hiệu sạt lở lấn sâu vào chân cột. Chủ đầu tư khắc phục bằng cách đổ một lớp bê-tông mỏng vào các mặt hạ cấp để ngăn nước mưa thấm vào đất. Với độ cao mái ta-luy vài chục mét, phần chân mái đã sạt lở, trong hoàn cảnh mưa bão diễn biến phức tạp như hiện nay, nếu không có giải pháp sớm thì hậu quả của đổ cột 110kV này là khôn lường.

Theo Công ty Điện lực Bắc Kạn, từ năm 2019 tới nay, trên toàn tỉnh có 18 vụ nhà ở, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; có 39 km đường dây lưới điện cao áp có nguy cơ bị cây đổ nhưng nhiều vị trí chưa chặt tỉa được do là rừng đặc dụng. Công ty kiến nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với công ty, thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo vệ an toàn hành lang lưới điện trên địa bàn.