Sẵn sàng ứng phó bão số 7

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, sau khi vượt qua miền trung Phi-li-pin, bão Kammuri đã đi vào Biển Ðông và trở thành cơn bão số 7 trong năm 2019. Hồi 19 giờ ngày 3-12, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 630 km về phía đông đông bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15, sau đó di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 đến 20 km. Ðến 19 giờ ngày 4-12, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 460 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Trong thời gian tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10 đến 15 km. Sau đó, bão đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng nam. Ðến 19 giờ ngày 5-12, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 360 km về phía bắc và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

* Ngày 3-12, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) họp triển khai công tác ứng phó với diễn biến bão số 7. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực tế, nhất là dự báo về lượng mưa cụ thể tại các khu vực, các điểm chịu ảnh hưởng của bão phục vụ công tác chỉ đạo, tuyên truyền; tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động ứng phó với bão.

* Cùng ngày, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT có Công điện số 20/CÐ-TW gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau và các bộ, ngành liên quan đề nghị chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động liên lạc, thông tin kịp thời cho các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, vùng ảnh hưởng, hướng đi của bão để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra…

* Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền kiểm đếm và hướng dẫn cho 53.320 phương tiện biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

* Ðến nay, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam và TP Ðà Nẵng đã có công điện, thông báo gửi các sở, ban, ngành và các địa phương đề nghị sẵn sàng triển khai biện pháp ứng phó với bão. Tỉnh Khánh Hòa vừa có công điện yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu, thuyền trên biển; theo dõi tình hình của bão, kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền, người dân. Tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương bảo đảm an toàn lồng bè nuôi trồng thủy sản, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát các khu vực hay bị sạt lở ven biển, nhất là các khu dân cư, khu du lịch ven biển để chủ động sơ tán người, khách du lịch và tài sản đến nơi an toàn; trực ban liên tục 24 giờ trong ngày để vận hành an toàn hồ chứa theo quy định, bảo đảm an toàn công trình và tính mạng nhân dân ở khu vực hạ du hồ chứa… Tỉnh Bến Tre yêu cầu các huyện, thành phố chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản đối với các phương tiện còn hoạt động trên sông, trên biển, các khu vực xung yếu ven biển; rà soát các tuyến đê biển, đê sông có nguy cơ mất an toàn đề phòng tình huống mưa to kết hợp triều cường gây nước dâng; không để xảy ra trường hợp vỡ đê, nhất là đối với các khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở, khu vực các cồn.

* Tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận) những ngày qua do triều cường, nước biển dâng cao và sóng lớn đã xâm thực, gây sạt lở sâu khoảng từ bốn đến năm mét, chiều dài khoảng 250 m ở xã Hòa Phú.

* Do vẫn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh phía bắc đêm và sáng trời rét, nên đề phòng hiện tượng băng giá và sương muối.

* Ðầu tháng 12, không khí lạnh mạnh gây ra rét đậm, rét hại tại một số tỉnh thuộc vùng núi phía bắc. Hiện nay, các địa phương đang tích cực phòng, chống rét nhằm bảo vệ đàn gia súc. Tại Lào Cai, hiện có khoảng 55 nghìn hộ chăn nuôi với tổng đàn trâu, bò hơn 148 nghìn con. Ðể duy trì và phát triển đàn gia súc, ngoài việc tổ chức tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, ngành nông nghiệp đang vận động, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại kiên cố, kín gió, đủ ấm cho đàn gia súc trong mùa đông, tích cực trồng cỏ, dự trữ rơm rạ, thức ăn tinh cho vật nuôi.

* Ðến nay, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có hơn 16.100 con gia súc. Ðể phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, các cơ quan chức năng đang hướng dẫn người dân tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, che bạt, phên nứa tránh gió lùa; chuẩn bị đủ nguồn thức ăn dự trữ; không chăn thả gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 120C.

Cà Mau chỉ đạo kiểm tra dấu hiệu phá rừng

Ngày 3-12, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn khẩn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) kiểm tra dấu hiệu rừng phòng hộ xung yếu ven biển trên địa bàn đang bị xâm hại. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN và PTNT kiểm tra, xác minh thông tin có hay không việc rừng phòng hộ bị tàn phá; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc quản lý bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng (nếu có). Ðồng thời, chỉ đạo kiểm tra toàn bộ tuyến rừng phòng hộ ven biển và sớm có báo cáo gửi về UBND tỉnh.

Trước đó, qua phản ánh của báo chí, tuyến rừng phòng hộ xung yếu ven biển xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 quản lý đang bị chặt phá nghiêm trọng. Vị trí thuộc tiểu khu 136 với nhiều cây đước độ tuổi từ 15 đến 20 năm bị chặt phá.

PV