Rực đỏ làng nghề làm hương

NDO -

Những ngày này, dọc các con đường đi vào làng nghề Quán Hương, thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) ngào ngạt mùi hương (nhang) trầm, hương quế. Người dân trong làng đang tất bật sản xuất để chạy kịp hàng vụ Tết.

Công việc kết dính hương đã giải quyết được việc làm cho một số phụ nữ ở đây.
Công việc kết dính hương đã giải quyết được việc làm cho một số phụ nữ ở đây.

Nghề phụ thành nghề chính

Làng nghề Quán Hương được hình thành cách đây hơn 200 năm. Trước kia, khi chưa có các máy móc hiện đại, người thợ tạo ra sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn bằng tay. Từ công đoạn vuốt, xe cọng hương đến nhúng, kết dính hương vào tăm... đều thao tác bằng tay nên năng suất còn thấp. Nay, với thiết bị máy móc tự động được áp dụng đã giúp tăng năng suất sản phẩm.

Hiện tại, có khoảng 110 hộ đang sản xuất hương trong làng. Nguồn nguyên liệu được dùng là vỏ cây quế mua từ các vùng miền núi tỉnh Quảng Nam như huyện Tiên Phước, Nam Trà My... Ngoài ra, chu hương (cọng tăm làm thân) được nhập từ các tỉnh miền bắc với giá 26.000 đồng/kg.

A2_6-1611626724203.jpg
Những ngày trời nắng đẹp, thời gian phơi hương khoảng bốn tiếng. Người dân vừa canh thời gian vừa trở các mặt hương cho đều nhau. 

Để cho ra sản phẩm hương có mùi thơm đặc trưng, người thợ trộn chung hỗn hợp gồm: Bột vỏ cây quế, bột cưa, bột dẻo cùng nước, xoay mịn theo tỷ lệ nhất định. Thông qua máy kết dính, cọng hương được cho ra với số lượng hàng chục cọng mỗi phút. Trung bình mỗi năm, làng nghề Quán Hương cho ra thị trường khoảng 800 tấn sản phẩm các loại. Giá bán hương có nhiều mức, có loại 4.000 đồng/bó, 20.000 đồng/bó... tùy thuộc vào từng loại như hương quế, hương trầm.

Vừa đóng gói hương, ông Võ Tấn Hiếu, Trưởng ban đại diện làng nghề cho biết: “Nghề làm hương này thì hoạt động quanh năm, thu nhập tương đối ổn định khi có đồng ra đồng vào. Tiếng là một nghề phụ lúc nông nhàn nhưng làm hương bây giờ đã dần thành nghề chính của dân ở đây. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh đã khiến chúng tôi phải tạm nghỉ một vài tháng. Vừa rồi, có một đơn hàng bên Campuchia, người ta đã qua trực tiếp xem hàng mẫu, chuẩn bị đặt thì dịch bùng lên, họ cũng không quay lại nữa”.

Nhộn nhịp cận Tết

Ngồi giữa những thúng hương khô, đôi tay thoăn thoắt cột dây cho các bó hương, cụ Chín, 75 tuổi cười nói: “Tui mới đi mổ mắt cho sáng hơn để về làm hương ni đây”. Thật ra đó là câu nói đùa của cụ Chín, bởi lẽ, nghề làm hương có thể phù hợp tất cả mọi người. Từ những em nhỏ trong nhà cho đến các cụ cao niên.

Cụ Chín cho biết, bản thân cụ cũng vừa mới làm hương được khoảng năm năm nay. Trước đây, cụ làm nông, rồi sức khỏe không bảo đảm nên đã chuyển sang một việc làm mới là ngồi bó hương để kiếm đồng ra đồng vào. Cũng bởi đây là một nghề không đòi hỏi sức lao động cao nên hầu hết thợ trong làng là những chị em, cô dì. Nhiều em nhỏ sau giờ học cũng tranh thủ phụ giúp gia đình, nhất là vào dịp này lượng hàng tăng cao.

A3_4-1611626724424.jpg
Cụ Chín đang bó hương theo hình lục giác chuẩn bị giao cho khách.

Vào dịp Tết đến xuân về, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng hương thắp tăng cao. Các năm qua, cơ sở sản xuất của ông Hiếu xuất hàng đi các tỉnh, thành miền trung như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP Đà Nẵng... “Trong lô hàng này có gửi xe ra các chợ, tiểu thương ngoài Đà Nẵng được họ đặt trước cả tháng nay. Giai đoạn này nhà nào cũng tranh thủ “tăng gia” làm việc, do thời tiết thuận lợi, nắng ấm, lại thời điểm dễ tiêu thụ, ai cũng mong làm nhiều có thêm ít kinh phí sắm sửa Tết”, ông Hiếu hào hứng.

A4-1611626723922.jpg
Ông Võ Tấn Hiếu đóng gói loại hương hộp 1kg, với giá bán ra 60.000 đồng/hộp.

Đến nay, ngoài sản phẩm hương quế truyền thống thì các hộ sản xuất còn sáng tạo ra hương nụ trầm (dạng viên) dùng trên bàn thờ trong gia đình. Khắp các ngõ, hẻm trong làng Quán Hương hôm nay, âm thanh của máy kết dính hương cứ lạch cạch vang lên. Những dàn hương được người dân phơi khắp các ngõ xóm, sân nhà.

Thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên trong gia đình là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Và làng nghề Quán Hương đã góp một phần vào việc giữ gìn nét đẹp văn hóa đó cho đến hôm nay.