Quyết tâm bảo vệ an toàn đê biển Cà Mau

NDO -

NDĐT - Trong điều kiện thi công bất lợi, đặc biệt khâu vận chuyển và tập kết vật tư… nhưng các phần việc bảo vệ đê biển Tây tỉnh Cà Mau vẫn đang tiến hành quyết liệt, khẩn trương nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối đê biển trước mùa mưa bão sắp đến.

Bơm cát, bùn lấp kênh dọc đê Tây nhằm giảm thiểu sụt lún.
Bơm cát, bùn lấp kênh dọc đê Tây nhằm giảm thiểu sụt lún.

Cái nắng oi bức của tháng 4 không làm dịu đi không khí lao động cật lực, khí thế trên đê biển Tây, khu vực hơn 4km từ Đá Bạc đến cống Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). Khu vực nêu trên, từ đầu mùa khô đến nay đã hai lần bị sụt lún, tổng chiều dài hơn 240m. Sụt lún có đoạn sâu gần 2m, khiến mặt đường trên đê (rộng 5,5m) bị hư hỏng nặng.

Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Cà Mau chủ trương tạm bơm cát và bơm bùn lấp con kênh khô cạn nằm dọc con đê, nhằm tạo phản áp giảm thiểu tình trạng sụt lún tái diễn. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, hộ dân sinh sống sau đê biển Tây (ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây), cho biết: “Tôi thấy đơn vị thi công làm khẩn trương lắm. Chỉ riêng việc bơm cát và bùn lấp kênh, lắm lúc mấy ổng làm xuyên đêm”.

Để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, cơ quan chức năng Cà Mau đã chia phần việc cho nhiều đơn vị thi công. Chỉ riêng việc bơm bùn, bơm cát, có ít nhất ba nhà thầu tham gia, huy động một lượng lớn máy móc, thiết bị. Ông Võ Trí Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng - Thương mại Thới Bình, là đơn vị phụ trách bơm bùn, cho hay: “Khối lượng bùn bơm vào quá nhanh nên để bảo đảm nước mặn không xâm nhập vào đồng ruộng người dân, chúng tôi đã đắp đập ngăn nước, tạo bể lắng ở hai đầu. Sau đó, chúng tôi dùng trạm bơm nước di động bơm tháo nước trở ra biển”.

Quyết tâm bảo vệ an toàn đê biển Cà Mau ảnh 1

Huy động nhân lực, thiết bị gia cố chân đê biển Tây, đoạn 356m không còn cây rừng.

Thường xuyên theo dõi và thị sát công trình, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau, cho biết, tổng lượng cát và bùn lấp con kênh dọc thân đê là hơn 160 nghìn khối. Sau ba tuần triển khai, đến nay, khối lượng đạt hơn 40% và dự kiến sẽ hoàn tất việc bơm cát, bùn vào cuối tháng 5-2020. “Từ ngày có lượng bùn và cát nhất định trong kênh, hiện tượng sụt lún trên đê biển từ Đá bạc đến Kênh Mới không tái diễn” – ông Nam khẳng định.

Song hành việc lấp kênh, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau gấp rút xây dựng một khu tái định cư để di dời cư dân sinh sống ven đê, ven biển. Ông Lâm Minh Thời, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho hay: “Việc bơm cát được chúng tôi tận dụng mặt bằng để xây dựng khu tái định cư, rộng khoảng 3,5 ha. Mục tiêu là đưa người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, di dời giải tỏa do làm đê biển Tây vào ở nhằm ổn định dân cư ở cửa biển Đá Bạc”.

Đê biển Tây Cà Mau dài khoảng 108km, qua địa phận huyện Trần Văn Thời, Phú Tân và U Minh. Ngoài có vị trí chiến lược trong quốc phòng, an ninh, tuyến đê nêu trên còn có nhiệm vụ ngăn mặn để bảo vệ vùng ngọt hóa hơn 100 nghìn ha đất sản xuất phía bắc của tỉnh Cà Mau và hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ. Do thường xuyên chịu tác động bất lợi từ thiên nhiên nên nhiều năm liên tục, tỉnh Cà Mau phải ban bố tình huống hộ đê khẩn cấp. Hiện tại, tuyến đê nêu trên đang được triển khai rất nhiều công trình: bơm cát, bơm bùn; hộ đê khẩn cấp đoạn 356m không còn cây rừng khu vực Cống Kênh Mới; hộ đê khẩn cấp đoạn giữa cống Đá Bạc – Kênh Mới, chiều dài 850m, trữ đất để đắp mái đê, tập kết đá hộc, gia công phên tràm... Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng đang xử lý chống thấm bản đáy của cống Kênh Mới cùng sáu gói thầu thi công kè biển bên ngoài đê biển Tây, tổng chiều dài khoảng 9.700m.

Quyết tâm bảo vệ an toàn đê biển Cà Mau ảnh 2

Thi công kè biển bảo vệ đê biển Tây Cà Mau.

Ngoài khó khăn trong khâu vận chuyển vật tư, thiết bị, hiện nay, một số gói thầu thi công bảo vệ đê gặp trở ngại do vướng mặt bằng. Vì vậy, trong chuyến kiểm tra thực tế vào ngày 22-4, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan: “Phải tiến hành thu hồi ngay các phần đất mà người dân lấn chiếm trong hành lang bảo hệ đê, không thể vì quyền lợi không hợp pháp của một số ít người mà làm ảnh hưởng đến công trình bảo vệ cả một vùng rộng lớn bên trong”.

Đối với những gia đình thuộc diện di dời, nếu gặp khó khăn do không có đất ở, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương tiến hành hỗ trợ để người dân có đất ở ổn định theo quy hoạch của Nhà nước đã được duyệt. Riêng những hộ hiện nay làm ảnh hưởng đến công trình đang thi công, phải có biện pháp xử lý dứt điểm. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau cương quyết: “Phải xử lý và tiến hành tháo dỡ ngay những trường hợp đã nhận tiền hỗ trợ di dời mà trở lại tái chiếm khu vực hành lang bảo vệ đê”.