Quyết liệt ngăn chặn hành vi vận chuyển, mua bán pháo nổ

Càng đến gần Tết Nguyên đán, tình hình vận chuyển, buôn bán pháo nổ, nhất là địa bàn các tỉnh biên giới càng trở nên phức tạp. Mặc dù, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý nhiều vụ, nhưng vì lợi nhuận, nhiều đối tượng vẫn ráo riết đưa pháo nổ vào thị trường trong nước bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) thu giữ hàng tấn pháo nổ các loại.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) thu giữ hàng tấn pháo nổ các loại.

Tăng cường kiểm soát, phát hiện, xử lý

Ngay trong những ngày đầu năm 2020, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển pháo nổ với số lượng lớn đã bị các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý. Ðiển hình là ngày 11-1-2020, Công an huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái phối hợp Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã phát hiện xe tải mang BKS 24C- 094.65 đang vận chuyển một số lượng lớn hàng hóa trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Qua kiểm tra, phát hiện gần 1.100 kg nghi là pháo nổ được cất giấu trong các bao tải phía sau thùng xe. Cơ quan công an đã bắt giữ lái xe là Phạm Quang Thành, trú tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai và các đối tượng liên quan để tiếp tục đấu tranh, làm rõ. Các đối tượng khai nhận số lượng hàng hóa nêu trên là pháo nổ, được mua từ bên kia biên giới về Việt Nam tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán. Trước đó, tại tỉnh Lạng Sơn, cơ quan chức năng đã bắt giữ một xe công-ten-nơ chở gần 15 tấn pháo nổ chứa trong 680 thùng hàng qua cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn dưới dạng hàng hóa nông sản nhập khẩu. Cơ quan chức năng đang tiếp tục truy xét, bắt giữ các đối tượng liên quan, điều tra mở rộng vụ án. Ðây cũng là hai vụ bắt giữ pháo nổ với số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Yên Bái và Lạng Sơn.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), các đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng trong hoạt động xuất, nhập khẩu qua biên giới để trà trộn, ngụy trang pháo nổ dưới danh nghĩa những mặt hàng nông sản để hòng qua mắt các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, lợi dụng địa hình, địa vật hiểm trở, nhiều đường mòn lối mở, địa hình sông nước chia cắt, các đối tượng đầu nậu thuê người vận chuyển mang tính nhỏ lẻ, sau đó gom lại và đưa vào thị trường trong nước để tiêu thụ như tại địa bàn các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng. Vừa qua, tại tỉnh Cao Bằng, các lực lượng chức năng đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo nổ để xử lý. Ðiển hình là ngày 5-1-2020 tại khu vực mốc 614, thuộc địa phận xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông, huyện Thông Nông (Cao Bằng), Ðồn Biên phòng Cần Yên bắt quả tang Lãnh Văn Hiến, ở xóm Thiêng Lầu, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng vận chuyển 21 kg pháo nổ. Lãnh Văn Hiến khai đã mua số pháo này với giá 1,4 triệu đồng của một người đàn ông Trung Quốc để mang về sử dụng và bán kiếm lời. Lực lượng chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Hiến.

Cùng với hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ qua biên giới về Việt Nam tiêu thụ, nhiều đối tượng còn tổ chức sản xuất pháo nổ ngay tại Việt Nam với mục đích mang lại lợi nhuận cao hơn. Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 6-1-2020, Công an thị xã Quảng Yên tiến hành kiểm tra nhà riêng của Bùi Quang Lai tại thôn 7, xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên bắt quả tang bốn đối tượng đang sản xuất pháo nổ. Tang vật thu giữ gồm hai bao tải chứa 23,5 kg pháo; một bao tải chứa 3 kg vỏ pháo; một cuộn pháo nặng 2 kg, cùng nhiều dụng cụ để các đối tượng sản xuất pháo nổ. Làm việc với cơ quan chức năng, cả bốn đối tượng đều khai nhận mua thuốc nổ trôi nổi trên thị trường rồi đem về nhà Bùi Quang Lai để sản xuất pháo, sau đó mang đi tiêu thụ tại địa bàn thị xã Quảng Yên.

Không chỉ tại khu vực biên giới các tỉnh phía bắc, tại các tỉnh miền trung, tình hình vận chuyển, mua bán pháo nổ cũng đang diễn biến phức tạp. Từ tháng 8-2019 đến nay, các đơn vị chức năng của tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 367 vụ, 451 đối tượng vi phạm, thu giữ 5,8 tấn pháo nổ các loại. Chỉ riêng 10 ngày đầu năm 2020, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 10 vụ vận chuyển, buôn bán pháo nổ. Theo Ðại tá Nguyễn Ðức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, pháo lậu được thẩm lậu vào Nghệ An chủ yếu qua biên giới Việt Nam - Lào.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Theo Ban Chỉ đạo 389 các địa phương có đường biên giới và cửa khẩu, công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý các đối tượng buôn lậu pháo nổ qua biên giới hiện nay khó khăn do lượng hàng nhập khẩu phục vụ Tết Nguyên đán rất lớn, trong khi yêu cầu phải thực hiện thông quan nhanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Bên cạnh đó, địa hình, địa vật khu vực biên giới cửa khẩu rất hiểm trở với đường biên giới dài cho nên việc tuần tra kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các đối tượng mang vác nhỏ, lẻ với số lượng ít. Trong khi đó, chế tài xử lý các đối tượng vận chuyển, mua bán pháo nổ còn nhiều bất cập và chưa đủ sức răn đe. Theo quy định, việc xử lý hình sự chỉ được áp dụng với các trường hợp vận chuyển từ 6 kg pháo nổ trở lên. Do vậy, các đối tượng thường thuê người dân khu vực biên giới vận chuyển lượng pháo chưa tới 6 kg và nếu bị phát hiện cũng chỉ bị xử lý hành chính.

Nhiều quy định của pháp luật còn bất cập gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm. Ðại tá Bùi Văn Lua, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, theo Bộ luật Hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự hiện hành, Bộ đội Biên phòng không có thẩm quyền điều tra đối với tội sản xuất, buôn bán hàng cấm và tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (trong đó có pháo nổ). Do vậy, mặc dù trên thực tế đây là hành vi vi phạm pháp luật thường xảy ra ở khu vực biên giới và Bộ đội Biên phòng đã bắt giữ nhiều vụ pháo nổ với số lượng lớn, nhưng chỉ xử lý ở giai đoạn ban đầu sau đó bàn giao cho các lực lượng chức năng khác, nên thiếu tính kịp thời và mất nhiều thời gian. Theo thống kê, trong hai năm 2018 và 2019, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, bắt giữ gần 46 tấn pháo nổ các loại, riêng trong tháng giáp Tết Nguyên đán, đã bắt giữ hơn 1,6 tấn pháo nổ.

Theo các cơ quan chức năng, cần có sự điều chỉnh các quy định về xử lý vi phạm trong việc vận chuyển, buôn bán pháo nổ nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này. Theo quy định hiện hành, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định để xác định vật chứng là pháo nổ hay pháo hoa. Trong trường hợp kết quả giám định là pháo nổ hoặc có đầy đủ các tính năng của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây nổ) thì xem xét, xử lý hình sự. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng phát sinh nhiều vướng mắc vì ngay tại thời điểm bắt giữ đối tượng cùng tang vật, bằng trực quan, các lực lượng chức năng không thể xác định được tang vật là pháo nổ hay pháo hoa, cho nên không có căn cứ để tạm giữ hình sự đối tượng. Trong khi đó, tại nhiều địa phương không có cơ quan chuyên ngành để giám định mà phải gửi mẫu về cơ quan cấp trung ương để giám định, gây khó khăn trong quá trình xử lý.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán là dịp cao điểm và tình hình vận chuyển, buôn bán pháo nổ còn diễn biến phức tạp. Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các đơn vị, địa phương có chung đường biên giới với các nước tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết bắt giữ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Quán triệt các lực lượng chức năng nâng cao cảnh giác và phối hợp hiệu quả trong việc tuần tra, xử lý vi phạm dịp trước và trong Tết, nhất là thời khắc giao thừa bước sang năm mới. Theo Ðại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng Phòng Hướng dẫn quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (Cục C06, Bộ Công an), thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới, Cục C06 sẽ thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công an các địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra đốt pháo nổ và xử lý hình sự các đối tượng vi phạm nghiêm trọng. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có quy định về việc cấm tàng trữ, buôn bán, sử dụng pháo nổ trái phép cho người dân. Ðồng thời phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tố giác tội phạm; thực hiện cam kết không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động sản xuất, vận chuyển, mua bán và sử dụng pháo nổ. Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đơn vị trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng pháo nổ. Nâng cao trách nhiệm và xử lý nghiêm các cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại nếu có biểu hiện dung túng, bao che, với quyết tâm cao nhất bảo đảm cho người dân đón Tết vui tươi, an toàn.