Quỹ Quốc gia về việc làm: “Tấm áo chật” so với nhu cầu thực tiễn

NDO -

Sau 28 năm đi vào hoạt động, Quỹ Quốc gia về việc làm đã góp phần quan trọng giải quyết, duy trì và mở rộng việc làm cho hàng chục triệu lượt lao động. Nhóm hưởng lợi nhiều nhất là lao động nông thôn và người yếu thế, khuyết tật, đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn, đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập. Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ còn hạn chế, đặc biệt là nguồn quỹ đã được bố trí không ít, nhưng còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế, có thể coi như “tấm áo đã chật”.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa An, Cao Bằng, giải ngân vốn vay giải quyết việc làm cho khách hàng (Ảnh: Baocaobang.vn)
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa An, Cao Bằng, giải ngân vốn vay giải quyết việc làm cho khách hàng (Ảnh: Baocaobang.vn)

Nhu cầu cao, khả năng bố trí hạn hẹp

Nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi dành cho các trường hợp là cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, đặc biệt là việc làm phi nông nghiệp, lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, lao động bị thu hồi đất, phụ nữ nông thôn, người đi xuất khẩu lao động... 

Quỹ Quốc gia về việc làm: “Tấm áo chật” so với nhu cầu thực tiễn -0
Đại diện Hội người mù Việt Nam chia sẻ về hoạt động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm. 

Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự tạo cơ hội, đòn bẩy cho người vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tại tỉnh Điện Biên, đến nay, dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 132 tỷ đồng, với 2.953 khách hàng. Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn vay, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Điện Biên Trần Ngọc Nam chia sẻ, vốn vay giải quyết việc làm là chính sách cho vay ưu đãi, đúng đắn, kịp thời. Nguồn vốn đã đạt hiệu quả cao trong giải quyết việc làm và cải thiện, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống người lao động.

Ở Điện Biên, nhiều mô hình phát triển kinh tế được thực hiện hiệu quả với sự “góp sức” của vốn vay giải quyết việc làm. Thí dụ như: Mô hình trang trại trồng cây ăn quả ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên; chăn nuôi bò sinh sản ở xã Noong U, huyện Điện Biên Đông; nuôi cá lồng ở thị xã Mường Lay; trồng dứa xuất khẩu tại xã Na Sang, huyện Mường Chà... Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Với phương châm “ba đúng”: Đúng quy định, đúng quy trình nghiệp vụ, đúng đối tượng thụ hưởng, những năm qua, hệ thống Ngân hàng CSXH trong cả nước đã giải ngân hàng chục nghìn tỷ đồng đến khách hàng vay để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay, trong thực tế, nhu cầu vay vốn của đối tượng được thụ hưởng lớn, trong khi, nguồn vốn hạn hẹp, nhiều lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã đủ điều kiện nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này. 

Chia sẻ về nguyên nhân của thực trạng này, bà Hoàng Thị Chương, Phó Trưởng Ban Tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH cho biết, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tín dụng chính sách và cho vay giải quyết việc làm nói riêng. Bên cạnh những tỉnh, thành phố quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm bố trí vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay giải quyết việc làm. Từ năm 2016 đến nay, ngân sách Nhà nước không cấp bổ sung vốn cho Quỹ Quốc gia về việc làm. Nguồn vốn của Quỹ chỉ được bổ sung một phần từ nguồn lãi cho vay hằng năm. 

Nhu cầu vay vốn theo chương trình là rất lớn, nên nguồn Quỹ hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn  tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đang ngày càng tăng cao. Phản ánh về thực tế này, đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ở huyện nghèo, biên giới Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng chia sẻ, địa phương được bố trí hai tỷ đồng vốn vay giải quyết việc làm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong huyện mong muốn được vay ưu đãi vốn giải quyết việc làm lãi suất thấp, nhưng nguồn vốn này còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu vay của cá nhân, gia đình, đề nghị cần tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

Giải pháp tăng nguồn vốn giải quyết việc làm

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, bà Hoàng Thị Chương, Phó Trưởng Ban Tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác chia sẻ thêm, đề nghị Chính phủ cân đối, bố trí nguồn lực, hằng năm cấp bổ sung nguồn vốn cho Quỹ, vì hiện nay, nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm rất lớn. Cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác, ủy thác cho Ngân hàng CSXH cho vay giải quyết việc làm.

Khẳng định sự cần thiết tăng nguồn vốn vay giải quyết việc làm trong bối cảnh nhu cầu của các đối tượng lớn, ông Nguyễn Hữu Điệp, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, khẳng định, nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho lao động, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo nhanh, bền vững. Do đó, các địa phương  cần xem xét, bố trí nguồn lực bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tại địa phương.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ Quốc gia về việc làm, bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, ưu điểm nổi bật của nguồn vốn vay giải quyết việc làm là đã tạo việc làm, cải thiện và nâng cao thu nhập tại chỗ cho lao động nông thôn, giúp họ không phải di chuyển sang địa phương khác tìm việc làm, sẽ phát sinh chi phí ở trọ, sinh hoạt. Nhưng hiện nay, nhu cầu cần vay vốn của các đối tượng thụ hưởng quá cao so với nhu cầu thực tế. 

Nguồn lực từ Quỹ Quốc gia về việc làm có thể ví như “tấm áo đã chật” so với nhu cầu thực tiễn. Do đó, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương tích cực phát huy vai trò, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục bố trí thêm ngân sách ủy thác đề hệ thống Ngân hàng CSXH tại địa phương tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, bà Nguyễn Thị Quyên nhấn mạnh.