Quảng Trị nỗ lực thông tuyến hệ thống giao thông

Từ ngày 7 đến 13-10, mưa lũ lớn làm hư hỏng nặng nề các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nặng nhất là đường qua hai huyện miền núi ĐaKrông và Hướng Hóa. Đến trưa 13-10, cơ bản các điểm ách tắc giao thông trên các tuyến đường quan trọng nối miền núi và đồng bằng như quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15D đã được thông tuyến trở lại.

Điểm ách tắc tại Km 50 + 200 được giải phóng, quốc lộ 9 đã thông tuyến.
Điểm ách tắc tại Km 50 + 200 được giải phóng, quốc lộ 9 đã thông tuyến.

Rất ít khi Quảng Trị chứng kiến lượng mưa lịch sử như mấy ngày qua. Từ tối 5 đến 13-10 lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh phổ biến ở mức 1.400 mm. Một số nơi có lượng mưa lớn hơn như điểm Tà Rụt của huyện miền núi ÐaKrông 1.998 mm; Hướng Sơn của huyện miền núi Hướng Hóa 1.613 mm; Hải Tân của huyện Hải Lăng 1.931 mm; Vĩnh Ô của huyện Vĩnh Linh 1.530 mm. Mưa lớn gây lũ dữ, đất đá từ trên núi cao đổ xuống, nước từ các sông dâng lên, gây hư hỏng, ách tắc nhiều tuyến giao thông quan trọng của tỉnh Quảng Trị.

Quốc lộ 9 từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo về TP Ðông Hà (chưa kể đoạn về cảng Cửa Việt) dài 83 km, trong đó đoạn qua huyện miền núi ÐaKrông có rất nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Chị Hà Thị Tình, một hộ dân ở xã ÐaKrông, sát bên sông Ðakrông cho biết, chưa bao giờ thấy lũ lớn, nước sông Ðakrông đổ về mạnh đến thế, nước dâng lên sát mép cầu treo ÐaKrông. Nhà ở gần sông cho nên mấy đêm liền cả gia đình chị không ngủ được vì lo lắng. Chính mắt chị thấy dòng lũ hung hãn trên sông Ðakrông cứ vỗ mạnh rồi cuốn đi từng mảng đất của ta-luy âm quốc lộ 9, tạo thành những vực sâu, hố thẳm.

Có mặt tại Km 50+200 trên quốc lộ 9, chúng tôi thấy đoạn đường phía ta-luy dương thì nước trên núi cao đổ xuống, đất đá chất đống ngổn ngang; phía ta-luy âm bị nước lũ của sông Ðakrông gây nứt, vỡ nền đường. Còn tại Km 45, lũ làm nền đường quốc lộ nứt toác, vỡ đoạn dài khoảng 30 m. Ngoài ra quốc lộ 9 còn sạt lở lớn ở Km 51 thuộc huyện Hướng Hóa. Ðường Hồ Chí Minh nhánh tây nối quốc lộ 9 từ ngã ba cầu Ðakrông để vào xã Tà Rụt của huyện miền núi ÐaKrông, dài hơn 70 km có đoạn cũng chạy sát bờ sông. Trên đoạn này có rất nhiều điểm sạt lở do mưa lớn, nước từ trên các đỉnh núi cao chênh vênh chảy về xói lở mặt đường và ta-luy âm, tập trung nhiều nhất tại các Km 252, 255, 267 và 273.

Cũng tại huyện ÐaKrông, quốc lộ 15D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về xã A Ngo dài hơn 12 km sạt lở gây ách tắc nhiều điểm từ Km 8 đến Km 10. Tuyến đường này cheo leo, hiểm trở, bên núi cao, vực thẳm nên công tác khắc phục hậu quả giữa trời mưa lũ rất khó khăn. Ngoài ra, nhiều tuyến đường tỉnh cũng bị mưa lũ gây hư hỏng nặng.

Ngay trong mưa lũ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra tình hình phòng, chống mưa lũ tại các địa phương, chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó thiên tai; kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ, động viên gia đình bị thiệt hại về người, nhà cửa, sơ tán dân đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chỉ đạo công việc cần kíp ngay lúc này là ngành giao thông tập trung lực lượng kịp thời nhất giải phóng tất cả điểm, đoạn đường bị sạt lở, gây ách tắc do lũ lớn gây ra để bảo đảm giao thông được thông suốt, kịp thời phục vụ khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống nhân dân. Trong đó chú ý không được để các tuyến chính như quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1, quốc lộ 15D… ách tắc, phải kịp thời giải phóng trong thời gian sớm nhất.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Trần Hữu Hùng có mặt tại công trường khắc phục điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây đoạn qua điểm xã Tà Rụt cho biết, mấy ngày qua núi lở và đất, đá từ trên cao đổ xuống liên tục. Ngành giao thông vận tải tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng huy động hàng trăm phương tiện cơ giới và hàng nghìn công nhân tập trung tại các điểm bị sạt lở, ách tắc giao thông trên các cung đường trọng điểm để giải phóng đất, đá; đưa đá hộc, rọ sắt kịp thời đến san lấp điểm sạt lở, làm bằng lại mặt đường.

Chiều 13-10, qua điện thoại, chúng tôi trao đổi với anh Hoàng Anh Quang, Giám đốc Ban Quản lý Bảo trì giao thông tỉnh Quảng Trị đang khôi phục giao thông tại tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Anh Quang cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin đoạn đường biên giới Khe Sanh - Sa Trầm dài 23 km bị hư hỏng nặng do lũ, trong đêm 7-10, anh Quang cùng 14 cán bộ, công nhân bất chấp mưa gió đến hiện trường tập trung xử lý sự cố. Tại tuyến biên giới quan trọng này có hai điểm hư hỏng nặng ở Km 5+120 và Km 5+850 với khối lượng đất, đá sạt lở phần ta-luy âm đến 550 m3. Ban Quản lý Bảo trì giao thông tỉnh quyết tâm khắc phục bằng cách đưa các phương tiện cơ giới chở rọ đá đến chèn vào các điểm hư hỏng. Suốt một tuần nay, cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý chỉ ăn mì ăn liền thay cơm, ở nhờ nhà của bà con dân tộc thiểu số Vân Kiều và Tà Ôi giữa rừng để kịp thông tuyến. Ðến tối 13-10, đã thông được 12 trên tổng số 23 điểm sạt lở của tuyến đường này, đạt được 70% khối lượng.