Quảng Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính

Sáu tháng đầu năm 2019, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận hơn 30 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết 28.523 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99,98%). Tỉnh tăng cường các giải pháp cắt giảm TTHC, hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch về kiểm soát TTHC nhằm sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa các TTHC; qua đó, đã rút ngắn thời gian giải quyết, giảm số lần đi lại của tổ chức, cá nhân. Ðiển hình như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cắt giảm từ 77 xuống còn 68 TTHC; Sở Công thương có 132 trong tổng số 152 TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết…

Tỉnh chỉ đạo triển khai con dấu thứ hai tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh để giải quyết các TTHC theo nguyên tắc "5 tại chỗ".Tỉnh triển khai kết nối liên thông Hệ thống chính quyền điện tử với trục liên thông văn bản quốc gia; vận hành hệ thống Một cửa điện tử liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã… Cùng với giải quyết hiệu quả các TTHC, tỉnh Quảng Ninh tổ chức tốt các dịch vụ hỗ trợ hướng dẫn, tư vấn cho hơn 5.000 lượt tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thông qua điện thoại tổng đài và mạng xã hội.

Ðể tiếp tục phát huy kết quả, tỉnh Quảng Ninh đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng, thẩm định, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục rà soát TTHC, đơn giản hóa quy trình, thời gian, thẩm quyền giải quyết TTHC bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tỉnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành hệ thống thông tin của tỉnh; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cao theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, các đơn vị trong tỉnh tăng cường tinh giản, sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống chính trị; gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

* Tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 77.700 ha vườn trồng cây ăn quả các loại với nhiều chủng loại cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường như: vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo. Hằng năm, sản lượng trái cây phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu đạt hơn 1,5 triệu tấn. Ðịa phương đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng, đầu ra cho cây ăn quả chủ lực với việc quy hoạch vùng nguyên liệu, mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tiền Giang đã xây dựng được vùng nguyên liệu xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chí VietGAP, gắn mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ tại HTX Hòa Lộc (Cái Bè). HTX hợp đồng cung cấp 100 đến 150 tấn xoài cát Hòa Lộc/năm đạt chuẩn VietGAP phục vụ thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Công ty Hachando xuất khẩu sang Nhật Bản.

Tỉnh có ba mô hình liên kết - tiêu thụ thanh long với tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại HTX Thanh long Mỹ Tịnh An (Chợ Gạo), Công ty TNHH Long Việt (Chợ Gạo), Công ty TNHH chế biến nông sản Cát Tường (TP Mỹ Tho). HTX Thanh long Mỹ Tịnh An có vùng nguyên liệu 30 ha đạt chứng nhận GlobalGAP liên kết với doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cung cấp, đóng gói sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu tới các nước: Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan…

Thời gian tới, tỉnh nhân rộng, gắn kết chuyển giao khoa học - kỹ thuật thâm canh, xử lý cho thu hoạch rải vụ, cơ giới hóa khâu canh tác… cho vùng nguyên liệu trái cây.