Quảng Nam tạo sinh kế bền vững cho người dân sau bão lũ

Sau các trận bão lũ cuối năm 2020, tại Quảng Nam còn hàng nghìn hộ gia đình đối mặt với khó khăn.

Song song khắc phục hậu quả thiệt hại, nỗ lực ổn định chỗ ở, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương nghiên cứu, tạo sinh kế thích hợp và bền vững, phù hợp điều kiện, tập quán canh tác, từng bước giúp đồng bào khôi phục sản xuất. Trong đó có trồng cây dược liệu và cây nguyên liệu phục vụ nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.

Thực tế ở các huyện miền núi trong tỉnh, việc phát triển các loài cây dược liệu như: sâm ba kích, đẳng sâm, quế cũng như trồng mây phục vụ nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu là những cây trồng có giá trị, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng và được đồng bào tích cực đón nhận. Nhờ phát triển kinh tế vườn rừng, nhiều hộ gia đình đã thoát cảnh sinh kế bấp bênh và có thu nhập ổn định. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trước mùa mưa năm nay, tất cả các địa phương, trong đó tập trung phần lớn ở các huyện miền núi, vùng sạt lở, phải hoàn thiện việc sắp xếp lại chỗ ở mới ổn định cho đồng bào. Tỉnh tiếp tục bố trí, sắp xếp ổn định dân cư lâu dài gắn với đầu tư xây dựng hạ tầng, các công trình phát triển kinh tế ở những vùng có nguy cơ sạt lở, gắn liền với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

* Cuối tháng 2-2021, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công bố danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới. Tỉnh Bình Dương là địa phương duy nhất của Việt Nam lần thứ ba liên tiếp được vinh danh trong danh sách này.

Bình Dương là địa phương đầu tiên tại Việt Nam trở thành thành viên của ICF vào năm 2018, mở ra cơ hội thiết lập quan hệ quốc tế mạnh mẽ hơn với cộng đồng thông minh toàn cầu nhằm mục đích trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại Bình Dương. Với chủ trương thu hút đầu tư nhất quán, đổi mới, sáng tạo, Bình Dương đã triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.

Theo đó, tỉnh ưu tiên những ngành nghề, dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao; quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; hạn chế tối đa các dự án thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường…

Ðến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có hơn 48.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký đạt 450.000 tỷ đồng và gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 35,4 tỷ USD…

Theo UBND tỉnh Bình Dương, chiến lược xây dựng phát triển giai đoạn mới của tỉnh với định hướng phát triển vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, nhằm mục tiêu nâng cao đời sống xã hội, quy hoạch đô thị, xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh đã khởi động khu phức hợp trong lòng thành phố mới, tạo một điểm nhấn về dịch vụ thương mại, chính thức được gia nhập Hiệp hội Các trung tâm thương mại thế giới (World Trade Centers Association).

PV và TTXVN