Quan tâm đầu tư, ủng hộ bóng đá nữ

Trong những năm qua, đội tuyển bóng đá nữ nước ta đã mang nhiều vinh quang về cho Tổ quốc, góp phần quan trọng vào thành tích chung của bộ môn bóng đá và thể thao Việt Nam. Dù ở sân chơi khu vực hay châu lục, họ đều từng bước khẳng định vị thế, luôn cho thấy bản lĩnh và tầm vóc của một đội bóng mạnh. Với ba lần vô địch Đông - Nam Á (gần đây nhất là vô địch AFF Cup 2019 trong tháng 8 vừa qua), năm lần vô địch SEA Games cùng các thành tích thi đấu nổi bật ở các kỳ giải châu lục, đội tuyển nữ Việt Nam được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) xếp vị trí thứ 34 thế giới, thứ 6 châu Á và số 1 Đông - Nam Á.

Đằng sau tất cả những vinh quang ấy là không biết bao nhọc nhằn và cả nỗi buồn của các tuyển thủ nữ vì sự ghi nhận chưa tương xứng từ các cấp độ quản lý và xã hội.

Có thể thấy rõ điều này khi so sánh sự vinh danh, tặng thưởng giữa các đội tuyển bóng đá nam, bóng đá nữ nước ta sau mỗi kỳ giải ở khu vực và châu lục. Gần đây nhất, mức thưởng được cho là kỷ lục của bóng đá nữ Việt Nam dành cho ngôi vô địch Đông - Nam Á năm 2019 chỉ khoảng hơn hai tỷ đồng, thật khập khiễng khi đặt bên mức thưởng của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam tại AFF Cúp năm 2018.

Ở cấp độ câu lạc bộ và giải vô địch quốc gia, nền tảng chọn lựa cho cấp độ đội tuyển, cũng cho thấy cách biệt lớn giữa bóng đá nam, nữ. Các câu lạc bộ bóng đá nam dễ tìm được doanh nghiệp tài trợ hơn, lại được tạo điều kiện về cơ sở vật chất, sân tập luyện, thi đấu, thị trường chuyển nhượng cầu thủ sôi động và thu nhập của cầu thủ, nhất là các cầu thủ ngôi sao ở giải vô địch quốc gia cao hơn nhiều so với mặt bằng thu nhập chung.

Giải vô địch quốc gia của bóng đá nam cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ, thu hút đông khán giả đến sân. Trong khi đó, các câu lạc bộ bóng đá nữ ở các địa phương đã và đang vật lộn để tồn tại chứ chưa dám nói là phát triển, ngoại trừ một số trung tâm bóng đá nữ có sự quan tâm đầu tư như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, song ngay cả các câu lạc bộ này cũng đang gặp không ít khó khăn. Qua 21 năm tổ chức Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia, từ chỗ có 14 đội bóng tham dự, đến nay chỉ còn lại bảy đội bóng và chẳng biết đến mùa giải sang năm sẽ còn lại bao nhiêu đội khi nguồn tài trợ cho các câu lạc bộ và tổ chức giải ngày càng hạn chế, thậm chí không có. Mặc dù kinh phí để hoạt động của một đội bóng nữ trong một mùa giải không cao, chỉ khoảng hai, ba tỷ đồng, ít hơn 20 lần so với một đội bóng đá nam, nhưng để tìm được nguồn kinh phí này là rất khó.

Phần lớn các câu lạc bộ bóng đá nữ tồn tại được là nhờ ngân sách của ngành thể thao các địa phương, cho nên thu nhập của huấn luyện viên, cầu thủ đều thấp. Chính vì vậy, loanh quanh ngôi vô địch vẫn chỉ là hai đội bóng nữ của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Khán giả đến sân xem các trận đấu của giải thì gần như không có, trừ một số trận đấu có đội bóng của địa phương đăng cai tổ chức, còn lại chủ yếu là cầu thủ của các đội đến dự khán. Ngay ở các trận đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu tại SEA Games, nhiều khi huấn luyện viên đội tuyển và lãnh đạo đoàn thể thao nước ta phải lên mạng để kêu gọi cổ động viên đến sân hoặc có các hình thức động viên thì số lượng vẫn khá khiêm tốn so với bóng đá nam.

Để có thể theo đuổi nghiệp đá bóng, các cô gái phải sẵn sàng chấp nhận những rủi ro, thiệt thòi trong cuộc sống cá nhân. Sự hy sinh này của các cầu thủ nữ có lẽ chỉ được nhìn nhận nhiều hơn vào những dịp vinh danh, tặng thưởng vì các thành tích mà họ đạt được. Tuy nhiên, liệu sau đó, những trở ngại, khó khăn nêu trên có được cải thiện để bóng đá nữ Việt Nam thật sự phát triển tương xứng tiềm năng? Điều này thật khó nếu chúng ta không có sự chung tay từ Trung ương đến địa phương với những quan tâm đầu tư kinh phí cùng một chiến lược lâu dài xây dựng và phát triển bóng đá nữ, vừa cụ thể, vừa mang tính đồng bộ, từ phong trào đến cấp độ câu lạc bộ chuyên nghiệp, giải vô địch quốc gia cho đến đội tuyển quốc gia, bên cạnh việc mở rộng phong trào bóng đá nữ ở các trường học. Đây cũng là nền tảng cơ sở để thúc đẩy những thay đổi trong hoạt động quản lý, nâng cao chất lượng thi đấu và trong cả quan điểm, cách nhìn nhận theo hướng tích cực của người hâm mộ và xã hội nói chung dành cho bóng đá nữ.