Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long

NDO -

Chiều 1-12, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức Tọa đàm “Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long”, đánh giá những việc đã và đang làm vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL, nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức trước mắt.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Trước đó, vào ngày 31-7-2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng. 

Từ đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Nhiệm vụ lập quy hoạch còn nhằm giải quyết các vấn đề như cân đối an ninh lương thực và đất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong bối cảnh các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, suy giảm tài nguyên rừng…

Với những thách thức trên, buổi tọa đàm được tổ chức với mục tiêu đánh giá quá trình công tác vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL, xác định những chủ trương chính sách đã được khẳng định là đúng đắn cần phát huy, cũng như chính sách bất cập, tiềm ẩn những hệ lụy lâu dài xét trên các khía cạnh phát triển bền vững.

Tại tọa đàm, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý đã làm rõ, định hướng chiến lược, đưa ra các giải pháp đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững ĐBSCL thông qua ba chủ đề.

Quản lý tích hợp – thách thức đối với phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long -0
Các chuyên gia nhận định hướng phát triển của ĐBSCL.

Đồng bằng sông Cửu Long cần được quy hoạch tích hợp

ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Hàng năm sản xuất 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, cũng chính vì vai trò quan trọng đó mà vùng có quá nhiều quy hoạch với những mục tiêu phát triển tham vọng, không gắn với nguồn lực và đặc thù của vùng. Hơn 2.500 quy hoạch, trong đó có 22 quy hoạch cấp vùng dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết và không đồng bộ; nhiều quy hoạch còn mang tính chủ quan, duy ý chí, không dựa trên cơ sở khoa học...

Nhiều chuyên gia cho rằng, yêu cầu đặt ra cho quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu là phải quy hoạch vùng tích hợp; xây dựng một tầm nhìn chung và chương trình hành động chung để quản lý tích hợp cho vùng; hướng đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường bền vững, phù hợp với đặc thù của vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ chế liên kết và quản lý phát triển vùng hiệu quả…

Tích hợp những gì, tích hợp đến đâu để không cứng nhắc

Từ ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy rằng, để giải quyết chủ trương phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL, đầu tiên là phải có quy hoạch tích hợp cho vùng, sao cho thích ứng với điều kiện sản xuất, trình độ sản xuất, văn hóa, thói quen, tập quán của từng miền, địa phương... và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các phương án quy hoạch chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” và khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Và quan trọng hơn cả, quy hoạch không thể giải quyết riêng lẻ, mạnh ai nấy làm, đi theo con đường riêng của mình.

Quy hoạch cần tích hợp những gì, tích hợp đến đâu để vừa bảo đảm tính đồng bộ, thể hiện sự phân công hợp tác, không bị xung đột, chồng lấn vừa xác định được các định hướng ưu tiên của vùng trong từng giai đoạn. Để làm được điều này, cần có một quy hoạch cho vùng do Chính phủ chỉ đạo và giao cho một đầu mối làm thống nhất, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, bộ, ngành, địa phương... để không lãng phí thời gian, tiền của, sao cho sử dụng nguồn lực thấp nhất nhưng hiệu quả mang lại cao nhất.

Quản lý tích hợp - chiến lược lâu dài cho vùng ĐBSCL

Để khắc phục tính chia cắt của quy hoạch theo ngành, theo địa phương, giải pháp duy nhất là sử dụng phương thức quản lý tích hợp trên toàn vùng dựa vào quy hoạch tích hợp sau khi đã quyết định chiến lược phát triển vùng. Quy hoạch theo hướng hiểu và thích ứng với quy luật tự nhiên thì mới đỡ tốn sức, loay hoay chống lũ mùa này, chống hạn mặn mùa kia, mà còn tận dụng được cơ hội trong đó. Thuận theo tự nhiên sẽ phục hồi sức khỏe của hệ tự nhiên, tăng sức đề kháng của đồng bằng với những biến động thất thường về thời tiết, khí hậu.

Từ quy hoạch tích hợp, mới có thể quản lý phát triển dựa vào quy hoạch tích hợp đã được phê duyệt. Quản lý tích hợp sẽ loại bỏ tính cục bộ theo ngành, theo địa phương. Quản lý tích hợp phát triển vùng ĐBSCL là căn cứ để điều phối và phân bổ nguồn lực cho phát triển.