Chuyện nông thôn

Quản lý rừng bền vững

Chuyện Vàng Pủ, mới 38 tuổi sắm xe máy phân khối lớn, sử dụng điện thoại thông minh để quản lý hơn 6 ha rừng trồng đang làm nức lòng dân bản Chang Vớ. Không những làm giàu cho gia đình, mấy năm trở lại đây, khi có chính sách quản lý mới về rừng, anh còn giúp cho nhiều hộ gia đình trong bản có thu nhập ổn định hơn từ những cánh rừng khoán. Hôm nay, vừa với cương vị trưởng bản, vừa là người sản xuất giỏi mới đi họp hội nghị lâm nghiệp từ tỉnh về, anh chủ trì một cuộc họp quan trọng để phổ biến những quy định mới liên quan việc cấp chứng chỉ rừng bền vững cho dân bản nghe.

Trước đây, mạnh ai nấy làm, rừng trồng khai thác bừa bãi, bị tư thương ép giá, đời sống kinh tế của nhiều hộ nhận khoán gặp khó khăn. Giờ đây, muốn làm ăn lớn, rừng phải có chứng chỉ quản lý bền vững. Ðể được cấp chứng nhận rừng thì các hộ dân trồng rừng phải có được sự liên kết thành nhóm trên tinh thần tự nguyện bầu ra một ban quản lý nhóm đủ năng lực và nhiệt tình đảm đương các công việc thuộc trách nhiệm của nhóm. Nhóm quản lý này phải được phê chuẩn của chính quyền cấp xã và cán bộ chuyên môn. Ban quản lý nhóm sẽ lập các hồ sơ và quản lý hồ sơ, điều hành các công việc của nhóm từ việc mời các tổ chức quốc tế đến đánh giá để cấp chứng chỉ đến việc tổ chức đánh giá hằng năm. Ðiều kiện tiên quyết để có thể tham gia nhóm là cần bảo đảm quyền sử dụng đất cho khu rừng trồng, có diện tích ít nhất là một héc-ta; kế hoạch trồng rừng của chủ rừng cần phải phù hợp kế hoạch sử dụng đất đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và trồng rừng không được ảnh hưởng đến an toàn lương thực của hộ khác. Bên cạnh đó, các vấn đề về giống cây trồng, cách chăm sóc, quản lý, vấn đề môi trường… cũng cần bảo đảm theo đúng quy định. Hiện nay, Việt Nam đã chủ động cấp chứng chỉ rừng cho các diện tích rừng quản lý bền vững (trước đây phải đi thuê các tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ của nước ngoài, chi phí rất đắt đỏ). Khi Việt Nam mình tự đánh giá, cấp chứng chỉ, mà chứng chỉ đó được quốc tế công nhận, thì thuận lợi hơn và chi phí giảm khoảng 30% cho các chủ rừng, nâng vị thế, uy tín quốc gia. Ðây sẽ là cơ hội, tạo thuận lợi lớn cho các hộ có rừng trong bản.

Vàng Pủ sau khi phổ biến quy định mới của Nhà nước về quản lý rừng, anh giơ chiếc điện thoại thông minh có đánh dấu tọa độ rừng trồng của gia đình mình, trong đó gồm cả cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Nhờ áp dụng phần mềm bản đồ số và hệ thống định vị toàn cầu GPS được cài đặt trên điện thoại, anh có thể theo dõi, nắm bắt những gì đang diễn ra trên diện tích rừng do mình quản lý. Từ đó kịp thời, chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng khi có tình huống xảy ra.

Nghe Vàng Pủ nói, nhìn cách Vàng Pủ làm, dân bản Chang Vớ ai cũng gật đầu thán phục và lần lượt đăng ký, cam kết sẽ liên kết với nhau để được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Nhờ đó, việc phát triển, bảo vệ rừng hiệu quả hơn, đỡ tốn công sức hơn, cùng nhau làm giàu bền vững trên chính những cánh rừng trước đây mạnh ai nấy làm, vừa nhiều rủi ro lại khó khăn trong việc quản lý.