Quản lý đảng viên khu vực nông thôn đi làm xa

Bài 2: Cần các giải pháp căn cơ

Trước nhiều vướng mắc, bất cập, cấp ủy các địa phương đang đổi mới phương pháp quản lý đảng viên nông thôn đi làm xa và bước đầu có kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cần có sự tổng kết, nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra các giải pháp căn cơ, đảm bảo công tác được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả .

Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh - nơi thu hút nhiều lao động từ nông thôn đến làm việc.
Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh - nơi thu hút nhiều lao động từ nông thôn đến làm việc.

Quan tâm giáo dục tư tưởng, chăm lo đời sống cho đảng viên

Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW của Ban Tổ chức T.Ư, ngày 26-3 -2009 về việc miễn công tác và hoãn sinh hoạt đảng đối với đảng viên, trong đó có hướng dẫn quy định cụ thể trách nhiệm của đảng viên khi đi làm xa. Theo đó, đảng viên đi làm xa phải làm đơn nêu rõ lý do và thời gian xin miễn công tác và sinh hoạt đảng, báo cáo chi bộ. Trên thực tế, việc thực hiện quy định này chưa nghiêm túc, bởi còn phụ thuộc vào ý thức của đảng viên và tinh thần trách nhiệm của tổ chức đảng cơ sở.

Anh Bùi Văn Xứng, đảng viên của Chi bộ thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đi làm ở Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng TSH Hà Nội ba năm nay. Dù cách nhà hơn 100 km nhưng anh luôn chấp hành đúng các quy định của chi bộ. Không những thế, trong năm, nếu ngày nghỉ trùng ngày chi bộ sinh hoạt là anh lại tranh thủ về tham gia. Ðồng chí Nguyễn Thanh Tuyền, Bí thư Chi bộ ấp Hòa Quới A, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết, chi bộ có đồng chí Hà Mẫn Duy chấp hành rất tốt các quy định khi đi làm xa. Xuất ngũ, trở về, đồng chí Duy làm việc cho một công ty nước ngoài tại tỉnh Bình Dương. Ba năm qua, đồng chí luôn có đơn xin phép chi bộ ấp miễn sinh hoạt, nhờ người thân đóng đảng phí. Một số đảng viên của xã Hòa An thực hiện như thế, nhưng chỉ được một thời gian rồi buông bỏ. Thí dụ đảng viên Trương Văn K.L. Chi bộ ấp Bàu Môn. Khi viết đơn, đồng chí xin phép tạm hoãn sinh hoạt ba tháng, sau đó bỏ hẳn, không sinh hoạt, không đóng đảng phí. Ðến giữa năm 2018, Chi bộ buộc phải xóa tên đảng viên này. Liên lạc qua điện thoại, đồng chí cho biết: "Do liên tục phải đi làm theo công trình cho nên không còn thời gian…". Vẫn biết, đi làm xa thường gặp nhiều khó khăn, nhưng sẽ khắc phục được nếu đảng viên đó có ý chí phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện tốt.

Tại huyện Gò Quao (Kiên Giang) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ðồng chí Trần Thanh Giang, Bí thư Ðảng ủy xã Vĩnh Tuy nêu giải pháp: Ðể đảng viên đi làm xa thực hiện tốt các quy định, trước hết mỗi đảng viên phải tự nâng cao bản lĩnh chính trị để vượt qua khó khăn; đồng thời các tổ chức đảng phải tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị đối với đảng viên nông thôn đi làm xa. Nhưng do quy định cho phép đảng viên đi làm xa miễn sinh hoạt cho nên công tác giáo dục chính trị của chi bộ cơ sở hạn chế. Vì vậy, chi bộ, tổ chức đảng nơi đảng viên sinh hoạt phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với đảng viên đi làm xa cũng như tổ chức đảng, chính quyền nơi đảng viên đến. Qua đó, phối hợp nắm bắt tình hình đảng viên, động viên giáo dục thường xuyên, kịp thời, vừa là chỗ dựa cho đảng viên khi gặp khó khăn. Mối quan hệ này càng chặt thì việc quản lý đảng viên đi làm xa càng hiệu quả.

Ðẩy mạnh phát triển kinh tế -xã hội, áp dụng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, tạo nhiều việc làm giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, cũng đang là giải pháp được nhiều cấp ủy vùng nông thôn chú trọng. Ðược kết nạp Ðảng trong quân ngũ, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đồng chí Vũ Ðình Hai, 37 tuổi ở thôn Lộc Lương, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) trở về, tiếp tục học tập, thi đỗ vào Khoa Chăn nuôi thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, anh về tham gia công tác đoàn thanh niên của thôn và đến năm 2010 làm Bí thư Ðoàn xã. Anh cho biết, hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa và được cán bộ xã động viên, hướng dẫn, giúp đỡ, anh mạnh dạn đấu thầu đất 5% để thực hiện mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp. Vừa làm, vừa học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, mô hình nuôi cá trắm đen, cá chép giòn, nuôi dê, bò của gia đình anh cho thu nhập ổn định và đang được xã nhân rộng thành 15 trang trại kinh tế tổng hợp do các đoàn viên, thanh niên đảm trách.

Hưởng ứng chủ trương của cấp ủy địa phương về phong trào khởi nghiệp trên quê hương, đảng viên Phạm Ðăng Khuyến ở xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) từ một chủ xưởng sản xuất nhỏ đã mở rộng quy mô, huy động thêm vốn thành lập Công ty TNHH Xuất khẩu và Ðầu tư Thành Hóa. Các mặt hàng truyền thống như thảm chùi chân, hộp giặt đồ, túi, làn cói, bình hoa cói của Công ty do anh Khuyến làm giám đốc hiện đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước và nước ngoài, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người lao động ở địa phương, trong đó có đảng viên. Tuy nhiên, giải pháp này chưa phát huy hiệu quả, nhất là ở những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang, vì thiếu các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cho nên nhiều lao động nông thôn rời quê đến các đô thị lớn tìm việc.

Ðổi mới hình thức quản lý đảng viên

Theo một số đảng viên, một số nội dung quy định về quản lý đảng viên đi làm xa nên được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Hướng dẫn quy định đối tượng được miễn công tác, sinh hoạt là đảng viên làm việc lưu động hoặc việc làm không ổn định, xa nơi sinh hoạt chi bộ. Ðảng viên đi làm xa có việc làm ổn định (hợp đồng hơn 12 tháng) thì sẽ chuyển sinh hoạt tạm thời đến tổ chức đảng nơi công tác.

Thực tế, nhiều chi bộ không phân loại đảng viên đi làm xa, cứ có đơn xin miễn sinh hoạt là chấp nhận, như ở Ðảng bộ xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Khá nhiều đảng viên đi làm công nhân gần nhà (theo quy định vẫn sinh hoạt bình thường) nhưng lại xin miễn sinh hoạt với lý do đi làm xa. Ðồng chí Bùi Phú Bắc, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã cho biết: Các đồng chí ấy đi làm thuê, công việc bận rộn, nghỉ thì bị trừ lương, cắt thưởng. Chi bộ thì thường họp vào buổi chiều của ngày làm việc, họ khó có thể có mặt, cho nên đều viết đơn xin đi làm xa. Ngược lại, một số trường hợp đi làm xa có việc làm ổn định nhưng không chuyển sinh hoạt tới nơi công tác và cũng không tham gia sinh hoạt chi bộ sau khi có đơn xin miễn sinh hoạt.

Ðây là những vướng mắc gây lúng túng cho các chi bộ ở nông thôn. Ở Chi bộ thôn Ðồi Ngô, xã Gia Hòa, các đảng viên đi làm xa không có xác nhận của nơi làm việc, nơi tạm trú, thậm chí có đồng chí nộp đơn, chưa chờ thông báo của đảng ủy đã đi làm xa. Nhưng cuối năm, căn cứ vào bản kiểm điểm của cá nhân đảng viên, chi bộ vẫn đánh giá, xếp loại "hoàn thành nhiệm vụ". Theo đồng chí Bí thư Chi bộ, nếu làm chặt chẽ, đảng viên thiệt thòi, còn nếu linh động thì chi bộ sẽ ảnh hưởng bởi năm nào cũng có nhiều đảng viên "hoàn thành nhiệm vụ" vì đi làm xa. Từ thực tế này, nhiều cấp ủy đảng kiến nghị đổi mới quy định về quản lý đảng viên đi làm xa để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay.

Ðồng chí Mai Văn Tuất, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình cho rằng, khi đổi mới cần nghiên cứu, xác định rõ đối tượng thuộc diện đảng viên đi làm xa. Hiện nay đối tượng này chủ yếu là đảng viên nông thôn. Vậy quy định đưa ra phải làm sao giúp các đảng viên này khắc phục khó khăn, giữ vững và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thí dụ cần cân nhắc việc chuyển sinh hoạt đảng tạm thời đối với đảng viên đi làm xa nơi cư trú từ ba tháng trở lên. Mặc dù đảng viên đi làm xa thường không cố định ở một nơi nhưng vẫn có thể chuyển sinh hoạt đảng tạm thời bởi tạm trú ở đâu cũng có tổ chức đảng. Ðồng chí Lê Xuân Minh, Bí thư Huyện ủy Gia Viễn (Ninh Bình) cho rằng, khi đổi mới quy định về quản lý đảng viên đi làm xa, cần có giải pháp phù hợp hạn chế số lượng lớn đảng viên là bộ đội xuất ngũ đi làm xa bị xóa tên.

Những quy định về áp dụng khoa học-công nghệ để quản lý đảng viên đi làm xa cũng là giải pháp quan trọng. Thực tế cho thấy, việc sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội để giữ liên lạc với đảng viên đi làm xa là một giải pháp tốt nhưng chưa có nhiều tổ chức đảng thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do một số đồng chí bí thư chi bộ có tuổi đời cao, không thành thạo công nghệ thông tin. Cho nên, nâng cao trình độ tin học của đội ngũ cấp ủy cơ sở khu vực nông thôn là việc làm cần thiết hiện nay.

Ðồng chí Hồ Văn Răng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang đề nghị T.Ư cần hoàn thiện chương trình quản lý đảng viên (cơ sở dữ liệu 3.0) để các địa phương sớm kiện toàn hệ thống dữ liệu đảng viên, phục vụ tốt hơn cho công tác tổ chức xây dựng Ðảng, trong đó có công tác quản lý đảng viên. Mặt khác nếu kết hợp phần mềm quản lý đảng viên đi làm xa với dữ liệu công dân do chính quyền địa phương trong cả nước quản lý thì khi khai báo tại nơi tạm trú, địa phương sẽ biết công dân này có là đảng viên hay không. Nếu là đảng viên, thì cấp ủy địa phương yêu cầu công dân đó phải chấp hành đúng quy định của Ðảng, đồng thời, yêu cầu cả đơn vị, chủ sử dụng lao động đó cam kết có trách nhiệm nhắc nhở lao động (đảng viên) chấp hành đúng các quy định về Ðảng mà địa phương yêu cầu (bằng văn bản kèm theo).

Bên cạnh đổi mới quy định nhằm bảo đảm quyền lợi chính trị của đảng viên đi làm xa, các cấp ủy cần có những biện pháp kiên quyết để loại bỏ những đảng viên không đủ tư cách theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-1-2018 của Ban Bí thư về việc nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Ðảng. Muốn vậy, ngay từ khâu đầu tiên trong phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục quần chúng ưu tú, các chi bộ nông thôn phải thực hiện nghiêm túc, tránh chạy theo thành tích, tránh kết nạp đảng viên chưa thật sự ưu tú, thiếu bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 20-8-2019.