Quá trình sửa chữa cầu Thăng Long được giám sát chặt chẽ

NDO -

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long đang trong giai đoạn nước rút. Đây là dự án quan trọng, được xã hội và các cấp quản lý đặc biệt quan tâm, quá trình thi công dự án luôn tuân thủ các quy trình, chỉ dẫn công nghệ và được giám sát liên tục, chặt chẽ.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam. (Ảnh: BÔNG MAI)
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam. (Ảnh: BÔNG MAI)

Trên đây là một trong những nội dung ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết khi trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử liên quan việc sửa chữa cầu Thăng Long. Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc trao đổi.

Phóng viên (PV): Từ khi xây dựng đến nay, cầu Thăng Long đã trải qua một số lần sửa chữa tuy nhiên hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Xin ông cho biết, yêu cầu đặt ra đối với đợt đại tu cầu Thăng Long lần này là như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Như chúng ta đã biết, cầu Thăng Long là một cây cầu huyết mạch của Thủ đô Hà Nội và cũng đã từng qua đợt sửa chữa lớn năm 2009 nhưng kết quả chưa đạt được như kỳ vọng, đó là, vẫn còn hiện tượng trượt, đẩy, xô lớp bê-tông nhựa phía trên gây khó khăn cho việc lưu thông qua cầu cũng như gây bức xúc trong dư luận.

Do vậy, nhận nhiệm vụ lần này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nghiên cứu tất cả các giải pháp đã được áp dụng và thành công trên thế giới, nhất là ở châu Âu và một số nước châu Á. Từ các kết quả nghiên cứu, đánh giá, chúng tôi chọn công nghệ phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam, với các tiêu chí về kinh phí, giá thành và khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam.

Qua quá trình nghiên cứu và đánh giá các giải pháp thành công trên thế giới, chúng tôi lựa chọn giải pháp công nghệ là sử dụng hàn đinh neo, rải lưới thép và đổ lớp bê-tông siêu tính năng (UHPC) liên hợp nhẹ bản thép, trên là lớp phủ bê-tông nhựa. Đây là một trong những giải pháp phù hợp và được nhiều chuyên gia trên thế giới cũng như trong nước khuyến cáo áp dụng, cũng có thể nói là đây là một giải pháp phù hợp nhất hiện nay và công nghệ này hoàn toàn do Việt Nam làm chủ từ khâu thiết kế, thi công nghiệm thu và bảo trì sau này.

PV: Với yêu cầu như trên, quá trình nghiên cứu và chuẩn bị cho đợt đại tu này ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Công nghệ này chúng tôi đã nghiên cứu hai năm gần đây và cũng đã tiến hành thi công một số công trình có quy mô nhỏ hơn ở một số dự án của Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Có thể nói, giải pháp sử dụng lớp phủ mặt cầu bằng UHPC chúng ta đã làm chủ được và đã thành công, thành thạo ở trên cầu Thăng Long. Kết quả thí nghiệm, tư vấn giám sát cũng như đơn vị tư vấn đều đánh giá là đạt yêu cầu theo hồ sơ thiết kế đề ra.

Quá trình sửa chữa cầu Thăng Long được giám sát chặt chẽ -0
 Dự án sửa chữa cầu Thăng Long đang trong giai đoạn nước rút. (Ảnh: HÀ NAM)

PV: Theo thông tin trước đó, việc sửa chữa cầu Thăng Long dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, xin ông cho biết tiến độ thực hiện dự án đến thời điểm hiện tại và liệu dự án có hoàn thành đúng như tiến độ dự kiến không, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Tiến độ đang được chúng tôi kiểm soát hết sức chặt chẽ theo tiến độ hằng tuần và có thể nói là các hạng mục công việc được thi công rất khoa học và có mối liên hệ với nhau một cách bài bản, tiến độ kiểm soát bảo đảm theo tiến độ yêu cầu đề ra.

Theo hợp đồng ký thì đến 16-1-2021 mới hoàn thành hợp đồng nhưng chúng tôi đã kiểm soát rút ngắn những công đoạn cũng như thực hiện các giải pháp thi công khoa học hợp lý hơn. Đến nay, lớp bê-tông UHPC đã được thi công hoàn thành, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, chúng tôi sẽ hoàn thành lớp phủ bê-tông nhựa trước ngày 31-12-2020 và tiến hành hoàn thiện sơn kẻ mặt đường, gắn đinh phản quang và đưa công trình vào khai thác đầu năm 2021.

PV: Công trình này cũng rất quan trọng, yêu cầu bảo đảm chất lượng rất cao, vậy Tổng cục Đường bộ đã có những biện pháp như thế nào để giám sát chất lượng, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Có thể nói dự án sửa chữa cầu Thăng Long lần này được xã hội và các cấp quản lý rất quan tâm. Chúng tôi cũng đã thường xuyên quán triệt các cơ quan cũng như Cục Quản lý xây dựng đường bộ là cơ quan chuyên môn của Tổng cục Đường bộ về xây dựng và Ban quản lý dự án 3 là đại diện chủ đầu tư phải đặc biệt quan tâm chỉ đạo, yêu cầu tư vấn giám sát, nhà thầu phải tuân thủ các quy trình, chỉ dẫn công nghệ thi công và giám sát liên tục, chặt chẽ đối với các quá trình thi công.

Có thể nói đến thời điểm này chất lượng, tiến độ các hạng mục công trình đều được đánh giá đạt yêu cầu đề ra.

PV: Xin ông cho biết đợt đại tu cầu Thăng Long lần này có ý nghĩa như thế nào đối với giao thông Hà Nội?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Đối với hệ thống giao thông ở Hà Nội, các đường vành đai là những tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, việc đưa vào sử dụng cầu Thăng Long giúp kết nối tuyến đường Vành đai 3 với sân bay Nội Bài để chia sẻ lưu lượng cho đường Võ Chí Công.

Như chúng ta đã biết sau khi cấm cầu hơn ba tháng nay thì ở khu vực cầu Nhật Tân và đường Võ Chí Công đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Tôi cho rằng, việc đại tu và đưa cầu Thăng Long sử dụng hiệu quả trở lại sẽ giúp cho việc lưu thông ở Hà Nội trở lại bình thường và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.