Quá tải giao thông ngày giáp Tết

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2020, tình hình giao thông tại Hà Nội khá căng thẳng. Ùn tắc giao thông xảy ra tại nhiều tuyến đường, nút giao thông trọng điểm và các tuyến đường cửa ngõ ra, vào Thủ đô.

Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Xiển.
Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Xiển.

Mặc dù lực lượng chức năng tăng cường quân số ứng trực, điều hành giao thông, tuy nhiên do nhu cầu đi lại, giao thương, mua sắm của người dân tăng đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải.

Càng gần đến Tết Nguyên đán, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội diễn ra càng nhiều vào mọi khung giờ trong ngày, kể cả trong những thời gian được coi là "thấp điểm" như buổi trưa hay buổi tối. Các trục giao thông chính trong nội đô như: Lê Văn Lương, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Chùa Bộc, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học hay Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Giải Phóng..., lượng phương tiện luôn dày đặc. Các tuyến đường cửa ngõ: Pháp Vân - Cầu Giẽ, Ngọc Hồi, Hà Nội - Bắc Giang... ô-tô xếp hàng dài, nhích từng tí một.

Dù thời tiết khá lạnh, nhưng không khí vẫn rất ngột ngạt do hàng triệu phương tiện bị ùn ứ, xả khí thải. Anh Nguyễn Tuấn Anh, ở quận Hà Ðông cho biết, từ chục ngày nay, sáng nào anh cũng mất cả giờ đồng hồ để đến được cơ quan ở phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng. Trong khi đó, lực lượng chức năng phải căng mình điều tiết, phân luồng từ sáng sớm đến tối muộn.

Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội Ðinh Thanh Thảo cho biết, dịp cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý, Phòng CSGT đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường lực lượng sinh viên các trường đại học, thanh niên tình nguyện... tham gia điều tiết, hướng dẫn các phương tiện, nhằm hạn chế ùn tắc. Lực lượng CSGT đã kiến nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội điều chỉnh công tác tổ chức giao thông tại các vị trí còn bất cập. Hệ thống công nghệ thông tin, ca-mê-ra giám sát được duy trì hoạt động để bảo đảm công tác điều tiết, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm giao thông. Công an TP Hà Nội còn duy trì nhiều tổ công tác liên ngành hoạt động tích cực, thường xuyên, phối hợp các lực lượng khác rà soát, ứng trực tại 381 nút giao thông trọng điểm, nâng cao hiệu quả của Trung tâm Ðiều khiển giao thông; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát.

Ngoài các khung giờ cao điểm, sáng từ 6 giờ đến 8 giờ 30 phút, chiều từ 16 đến 19 giờ, CSGT Hà Nội phối hợp các đơn vị chức năng bố trí lực lượng tại hơn 70 điểm, nút nguy cơ ùn tắc để điều hành giao thông. Hàng trăm sinh viên thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân T32 cũng đã được Bộ Công an cử về Hà Nội để tham gia giải quyết ùn tắc giao thông.

Cùng với việc chủ động điều tiết, phân luồng giao thông từ xa, tại những nút giao thông lớn, nhất là các nút luôn có nguy cơ ùn tắc như Láng - Lê Văn Lương, Xã Ðàn - Phạm Ngọc Thạch, Lê Duẩn - Xã Ðàn, Chùa Bộc - Tây Sơn…, lực lượng chức năng tập trung đông quân số vào các khung giờ cao điểm.

Chánh Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hà Nội) Trần Nhật Quang cho biết, với các nút có nguy cơ ùn tắc, đơn vị tập trung toàn bộ quân số vào các khung giờ cao điểm để điều tiết giao thông, không để ùn ứ kéo dài. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, cùng với việc tăng cường các lực lượng điều tiết giao thông, thành phố cũng đang cấp bách triển khai thêm nhiều dự án quan trọng để cải thiện hạ tầng trong năm 2020, như xây dựng cầu vượt qua hồ Linh Ðàm, mở rộng đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân, mở tuyến đường nối vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng...

Trong khi giao thông tại các tuyến phố diễn biến phức tạp, thì tại các bến xe, tình hình bớt căng thẳng và trật tự hơn, do hầu hết sinh viên đều đã về quê ăn Tết từ trước ngày 23 tháng Chạp và nhiều công ty đã chủ động bố trí phương tiện đưa người lao động về quê ăn Tết. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự chủ động của các đơn vị vận tải. Ghi nhận tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội những ngày giáp Tết cho thấy, công tác tổ chức bến được sắp xếp, chỉnh trang khá ngăn nắp, khoa học và sạch sẽ. Khu vực sảnh chờ, cửa bán vé thông thoáng, thuận tiện cho người dân tiếp cận; khu vực xuất bến đều phủ kín xe đi các tỉnh. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ được các bến xe quan tâm.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết, Sở đã yêu cầu các bến xe tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải không được tùy tiện tăng, phụ thu giá cước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các lực lượng chức năng tập trung bảo đảm giao thông, xử lý vi phạm dừng đỗ khu vực trước bến xe và tuyến đường chung quanh như phố Kim Ðồng gần Bến xe Giáp Bát, các đường: Ngọc Hồi, Pháp Vân, Trần Thủ Ðộ quanh Bến xe Nước Ngầm, tuyến đường Phạm Văn Ðồng, Ðình Thôn bên Bến xe Mỹ Ðình; các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Khảm, Ngọc Lâm... ở khu vực Bến xe Gia Lâm, để bảo đảm an toàn giao thông và phục vụ nhu cầu đi lại người dân được thuận lợi, an toàn.