Phú Thọ xây dựng chính quyền điện tử tạo đột phá cải cách hành chính

Tỉnh Phú Thọ hiện có 100% cơ quan, đơn vị kết nối trục liên thông văn bản quốc gia, bảo đảm kết nối liên thông văn bản bốn cấp từ T.Ư đến cơ sở; 100% đơn vị cấp sở, huyện và 221 đơn vị cấp xã sử dụng chữ ký số trong giao dịch văn bản điện tử. 

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Tân Sơn (Phú Thọ) hướng dẫn người dân tra cứu thông tin dữ liệu điện tử. Ảnh: VĨNH HÀ
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Tân Sơn (Phú Thọ) hướng dẫn người dân tra cứu thông tin dữ liệu điện tử. Ảnh: VĨNH HÀ

Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử và sử dụng chữ ký số của các cơ quan nhà nước đạt hơn 95%. Bên cạnh đó, hệ thống “một cửa” điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ, thống nhất trong các cơ quan nhà nước, cung cấp 100 thủ tục hành chính mức độ 2 và cung cấp 1.639 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (bằng 92,03%), 260 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (bằng 13,21%). Tỉnh cử cán bộ chuyên môn thường xuyên trực tại Trung tâm phục vụ hành chính công để hướng dẫn người dân gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; đồng thời hướng dẫn cán bộ cơ sở sử dụng hệ thống “một cửa” điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh. 

Tỉnh Phú Thọ cũng vừa đưa trung tâm điều hành thông minh vào hoạt động để giám sát các chỉ tiêu phát triển về kinh tế - xã hội; đánh giá mức độ hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền, giáo dục, y tế, tài nguyên - môi trường, giao thông. Cùng với đó, trung tâm cung cấp nhanh chóng, đầy đủ, chính xác và khoa học số liệu tổng hợp về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cấp chính quyền, giúp công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời, hiệu lực, hiệu quả hơn; đưa ra các hoạch định chính sách, cơ cấu phát triển ngành, địa phương sát với thực tế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử đã tạo bước đột phá mới trong cải cách hành chính trên địa bàn. Năm 2019, tỉnh xếp thứ 11 trong số 63 tỉnh, thành phố về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (tăng một bậc so năm 2018); xếp thứ 22 trong số 63 tỉnh, thành phố về chỉ số thành phần “Hiện đại hóa hành chính” (tăng 13 bậc so năm 2018), góp phần đưa tỉnh xếp thứ 20 trong số 63 tỉnh, thành phố (tăng hai bậc so năm 2018) về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). 

* 5 năm qua, tỉnh Vĩnh Long có 236.538 gia đình được công nhận gia đình học tập, đạt 91% tổng số hộ gia đình; có 335 dòng họ học tập, đạt 96,8% tổng số dòng họ; 14.996 cộng đồng học tập cấp tổ, đạt 98,5% tổng số tổ tự quản và 837 cộng đồng học tập cấp ấp/khóm, đạt 98,8% tổng số ấp/khóm. Hội khuyến học các cấp trong tỉnh còn vận động được gần 300 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ khuyến học; đã trao hơn 250 nghìn suất học bổng tặng sinh viên, học sinh nghèo, khó khăn vươn lên trong học tập. 

Thời gian tới, nhằm nhân rộng các mô hình học tập suốt đời, tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo Hội Khuyến học tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan, tăng cường tuyên truyền chủ trương về xây dựng xã hội học tập trong nhân dân; nâng cao ý thức trong việc tự học, tự trau dồi, nâng cao dân trí. Các cấp, ngành tiếp tục tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người dân… tham gia xây dựng mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, đơn vị và cộng đồng. Cùng với đó, tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng công tác giám sát thực hiện mô hình “cộng đồng học tập” cấp xã, phường; duy trì và nâng cao chất lượng mô hình học tập trong toàn tỉnh. Các cấp hội khuyến học tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, xây dựng mô hình học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong cộng đồng dân cư; đôn đốc kiểm tra việc sơ kết, tổng kết mô hình học tập nhằm thực hiện hiệu quả, đồng bộ cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, đánh giá và nhân rộng mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng; huy động các nguồn lực, tích cực vận động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn được đến trường.