Phòng, trừ bệnh khảm lá trên cây sắn

Thời gian qua, bệnh khảm lá trên cây sắn bùng phát ở nhiều địa phương. Ðến nay, bệnh đã lây lan trên diện tích sắn của 20 tỉnh, thành phố, gây thiệt hại nặng nề.

Nhiều diện tích sắn của nông dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai bị nhiễm bệnh khảm lá.
Nhiều diện tích sắn của nông dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai bị nhiễm bệnh khảm lá.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, công nhận và nhân rộng các giống cây chống chịu bệnh, nhằm duy trì hiệu quả kinh tế của cây sắn.

Bùng phát

Năm sào sắn của gia đình chị Lê Thị Bằng, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Ðồng Nai) nhiễm bệnh khảm lá nhiều ngày qua. Chị Bằng cho biết, đầu vụ năm nay do thiếu giống cho nên chị mua từ vùng khác về trồng. Ban đầu, cây sắn phát triển tốt, tuy nhiên được 20 ngày tuổi, cây bắt đầu xuất hiện bệnh. "Tôi mua thuốc về phun xịt nhưng bệnh trên cây không giảm mà tiếp tục lan rộng".

Ðây cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ nông dân ở Ðồng Nai. Toàn huyện Cẩm Mỹ trồng hơn 400 ha sắn, thì 390 ha bị nhiễm bệnh khảm lá, tập trung tại các xã Xuân Ðông, Xuân Tây. Tương tự, tại huyện Vĩnh Cửu, hơn 29 ha sắn của gia đình ông Nguyễn Bá Sâm, ở thị trấn Vĩnh An bị nhiễm bệnh. Ông Sâm cho biết, sau khi thu hoạch xong vụ trước, gia đình đã đốt cây sắn, rắc vôi khử trùng đất, cày xới để tiếp tục trồng vụ mới. Tuy nhiên, khi cây được một tháng tuổi, gần như toàn bộ diện tích nhiễm bệnh, khiến vụ này gia đình trắng tay.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Ðồng Nai, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh gieo trồng hơn 10 nghìn héc-ta sắn. Ðến thời điểm này, khoảng sáu nghìn héc-ta nhiễm bệnh khảm lá, dự đoán sẽ tiếp tục lan rộng trong những ngày tới. Phần lớn diện tích nhiễm bệnh đều bị xoăn lá, củ ít và nhỏ. Do cây sắn đã lớn, việc phun xịt thuốc không hiệu quả cho nên hầu hết nông dân đã bỏ chăm sóc. Ðiều này càng khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Kỹ sư Ngô Văn Truyền Lâm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ cho rằng, một trong những nguyên nhân được xác định khiến bệnh khảm lá trên cây sắn bùng phát mạnh là do người dân thường lấy cây giống vụ trước để trồng lại. Nhiều cây trong số đó nhiễm bệnh. Công tác thông tin, tuyên truyền phòng bệnh của các địa phương chưa phát huy hiệu quả. Cây sắn khi nhiễm bệnh lá bị biến dạng, vàng loang lổ. Những diện tích hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm đã biểu hiện ngay và không cho thu hoạch.

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến ngày 16-10, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá của cả nước là 53.886 ha (tăng 9.792 ha so với cùng kỳ năm 2019); 7.906 ha nhiễm nặng; đã phòng trừ tác nhân truyền bệnh trên diện tích 1.747 ha. Bệnh đang gây hại tại các tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Ðồng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế. Nếu không kịp thời có các giống sắn kháng bệnh thay thế, thiệt hại cho người trồng sẽ rất lớn.

Giống sắn kháng bệnh

Ngày 13-10 vừa qua, đoàn công tác của Cục BVTV tổ chức đánh giá các giống sắn kháng bệnh khảm lá sắn đã trồng được 5 tháng do Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh thực hiện tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Phương pháp đánh giá giống sắn kháng bệnh khảm lá theo thang đánh giá năm cấp CIAT khuyến cáo áp dụng và tỷ lệ cây bị bệnh. Tại cả ba ruộng thí nghiệm các giống sắn khảo nghiệm đều phát triển rất tốt, chiều cao, tán lá tốt hơn so với giống đối chứng (KM419, HL-S11) và ruộng của nông dân chung quanh (chủ yếu trồng giống KM419). Tại thời điểm kiểm tra, bọ phấn trắng xuất hiện rải rác với mật độ rất thấp nhưng xuất hiện cả trong các ruộng thí nghiệm và các ruộng chung quanh. Kết quả điều tra trực tiếp trên các ruộng cho thấy, bệnh khảm lá xuất hiện rải rác ở một số giống, mức độ biểu hiện cao nhất ở cấp 2 (lá có vết khảm và chỉ bị biến dạng nhẹ ở mép thùy lá, phần còn lại vẫn bình thường) trong khi đó các giống đối chứng và ruộng sắn nông dân trồng chung quanh khu vực thí nghiệm đều bị nhiễm bệnh nặng ở cấp 5, tỷ lệ nhiễm 100% số cây. Giai đoạn 4, 5 tháng, bệnh khảm lá chỉ mới bắt đầu xuất hiện trên giống HN5, tỷ lệ dưới 0,5% số cây (rải rác một số ít cây có vết bệnh nhẹ); giống HN3 không có vết bệnh. Trong khi đó, giống đối chứng và tại ruộng chung quanh (chủ yếu giống KM419) bệnh xuất hiện rất sớm, từ giai đoạn sắn 2 đến 2,5 tháng.

Dựa trên khả năng kháng bệnh khảm lá trên đồng ruộng và kết quả năng suất, tỷ lệ tinh bột từ các thí nghiệm diện hẹp đã thu hoạch, cơ quan chức năng xác định được các giống sau có khả năng chống chịu được bệnh gồm: C4, C9, C36, C48, C97, HN3, HN4, HN5, KM140, KM419. Trong các giống nêu trên, giống HN3 và HN5 đã thử nghiệm diện hẹp từ năm 2019, trồng trên diện rộng năm 2020. Các giống khác mới thử nghiệm diện hẹp. Giống HN3 và HN5 có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn tốt. Hơn nữa, hai giống này cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với giống KM140 và KM419. Các giống còn lại có tiềm năng kháng bệnh nhưng cần thí nghiệm trên diện rộng tại Tây Ninh trong năm 2021 để khẳng định khả năng kháng bệnh chính xác hơn.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương cho biết, sau khi xác định được các giống kháng bệnh khảm lá, Cục BVTV kiến nghị Cục Trồng trọt khẩn trương hướng dẫn công bố lưu hành giống HN3 và HN5 để sớm đưa vào sản xuất. Cục BVTV tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các Viện nghiên cứu, các địa phương đánh giá giống sắn kháng bệnh, khuyến cáo các địa phương áp dụng khi có giống sắn kháng bệnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho phép sử dụng. Trung tâm Khuyến nông quốc gia cần phối hợp tổ chức thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình áp dụng giống sắn kháng bệnh khảm lá khi Bộ cho phép sử dụng. Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam khẩn trương hoàn thiện báo cáo chi tiết trình Bộ NN và PTNT và các đơn vị liên quan để có cơ sở tổ chức công nhận giống; xây dựng phương án, kế hoạch nhân giống kháng nhanh để đưa vào sản xuất. Tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh, thu thập số liệu đầy đủ, có báo cáo toàn diện về các giống kháng bệnh, trong đó cần bổ sung đặc tính nông học, năng suất, tinh bột… và tính ổn định của một số giống sắn có triển vọng.

Bài, ảnh: MINH HUỆ và THIÊN VƯƠNG