Phòng ngừa sang chấn tâm lý cho trẻ bị cách ly vì Covid-19

NDO -

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 275/LĐTBXH-TE về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch.

Trẻ em trong khu cách ly ở Hà Nội dịp tháng 3 năm 2020 (Ảnh minh họa: Thủy Nguyên).
Trẻ em trong khu cách ly ở Hà Nội dịp tháng 3 năm 2020 (Ảnh minh họa: Thủy Nguyên).

Công văn nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tại Việt Nam, do xuất hiện biến thể mới của virus nên tốc độ lây lan nhanh hơn. Nhằm phòng tránh lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng, nhiều địa phương đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học và học trực tuyến tại nhà. Số trẻ em phải cách ly tập trung, cách ly tại gia đình tiếp tục tăng lên, trong đó nhiều em lần đầu xa cha mẹ, gia đình và phải cách ly trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh các nguy cơ lây nhiễm bệnh, các em còn có nguy cơ cao sang chấn, khủng hoảng tâm lý.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trẻ em và điều phối việc thực hiện quyền trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung, công việc nhằm phòng, chống dịch Covid-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch.

Cụ thể, cơ quan này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng tại địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em, bảo đảm an toàn cho trẻ em cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó, đặc biệt quan tâm các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng phù hợp; hỗ trợ, phòng ngừa sang chấn tâm lý; phòng, chống nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em.

Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, chủ động phối hợp với các ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt với Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, cập nhật tình hình tác động của dịch bệnh Covid-19 đến trẻ em; số lượng trẻ em, nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ em, học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh đang thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại gia đình để kịp thời tổng hợp, báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Trẻ em).

Đồng thời triển khai ngay việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tuyên truyền bằng nhiều hình thức các tài liệu, sản phẩm truyền thông, hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 đã được Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các tổ chức quốc tế xây dựng, sản xuất, trước hết đến các điểm cách ly tập trung có đông trẻ em và các cơ sở giáo dục, các địa phương có trẻ em phải cách ly tại gia đình.

Mặt khác, liên hệ với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để tổ chức tham vấn, tập huấn trực tuyến dành cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh tại các điểm cách ly tập trung và các cơ sở giáo dục có học sinh cách ly tại gia đình về những nội dung: an toàn cho trẻ em; chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly; giải quyết tình huống khẩn cấp về bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong thời gian Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Khi có các vấn đề phát sinh hoặc trường hợp khẩn cấp liên quan đến đối tượng trẻ em, cần chủ động báo cáo cơ quan có thẩm quyền và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Trẻ em) để có giải pháp xử lý, hỗ trợ kịp thời.