Phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn đường thủy

Theo báo cáo từ Bộ Công an, trong năm tháng vừa qua, cả nước đã xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy, làm chết 31 người, bị thương 4 người. So với cùng kỳ năm trước, TNGT đường thủy tăng mạnh cả ba tiêu chí: tăng 8 vụ (33,33%), tăng 18 người chết (138,46%) và tăng 3 người bị thương (300%). Trong đó, nghiêm trọng nhất là hai vụ lật thuyền ở Quảng Nam, làm 11 người chết.
Một chuyến đò chở khách tại bến đò Lạng (xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, Thái Bình).
Một chuyến đò chở khách tại bến đò Lạng (xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, Thái Bình).

Buông lỏng quản lý về an toàn

Khoảng 11 giờ ngày 8-5 vừa qua, 11 thanh niên ở thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) rủ nhau đi thuyền qua bên kia sông Thu Bồn chơi. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, khi quay trở về, đến giữa sông, đoạn gần cầu Cửa Đại, xã Duy Nghĩa thì gặp lốc xoáy, thuyền bị tràn nước, lật chìm xuống sông. Sáu người may mắn được cứu sống, còn lại năm người bị chết. Đây là vụ lật thuyền nghiêm trọng thứ hai xảy ra ở Quảng Nam chỉ trong vòng hơn hai tháng. Trước đó, ngày 25-2, trên sông Vu Gia chảy qua huyện Đại Lộc cũng xảy ra vụ lật thuyền nghiêm trọng. Chiếc thuyền gia dụng chở theo 10 người gồm bảy người lớn và ba trẻ em (thông thường thuyền này chở nhiều nhất là sáu người) đến giữa sông, gặp gió chướng đã bị lật, làm sáu người chết. Người dân sinh sống ở gần đó cho biết, đây là loại thuyền dân sinh, được đưa vào hoạt động, nhưng không có áo phao hoặc thiết bị cứu sinh.

Theo quan sát, tại hầu hết các bến đò quy mô lớn phạm vi khắp cả nước, tàu thuyền nào cũng treo khẩu hiệu “Khách đi đò mặc áo phao” nhưng từ người điều khiển đến hành khách đều không tuân thủ. Đại diện lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam nhận xét, trên nhiều tuyến đường thủy nội địa, đang phổ biến tình trạng “ba không”: Không đăng ký; không đăng kiểm; người lái không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Các lái đò chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, ít người được đào tạo bài bản, phương tiện hầu hết bị hết hạn đăng kiểm, kiểm định. Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Khuất Việt Hùng, nguyên nhân trực tiếp trong các vụ TNGT đường thủy trong năm tháng qua chủ yếu là do vi phạm quy tắc tránh vượt, chở quá tải trọng, quá số người cho phép, thiếu trang thiết bị an toàn... Một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là sự buông lỏng tuyên truyền, giáo dục pháp luật và quản lý nhà nước về ATGT đường thủy ở một số địa phương. Đồng thời, các quy định hiện hành về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định ATGT đường thủy chưa đủ sức răn đe, nhất là vi phạm quy định về trang thiết bị an toàn đối với phương tiện dân sinh, phương tiện nhỏ khi tham gia giao thông đường thủy. Các địa phương chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi hành khách và chủ thuyền không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện thuyền dân sinh, phương tiện nhỏ. Bên cạnh đó, tình trạng phương tiện dân sinh tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về ATGT, được người dân sử dụng để đi lại, sản xuất phục vụ đời sống còn khá phổ biến; người điều khiển phương tiện thiếu kiến thức về an toàn, không quan tâm sử dụng áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh.

Siết chặt quy định, tăng nặng chế tài

Vi phạm an toàn về đường thủy xảy ra nhiều, song khâu kiểm tra, xử lý đang bộc lộ không ít bất cập là quan điểm được đại diện các cơ quan chức năng đưa ra. Theo quy định, phương tiện đường thủy vi phạm sẽ bị giữ giấy tờ, nếu không có giấy tờ sẽ giữ phương tiện. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại không có đủ địa điểm phù hợp để tạm giữ phương tiện theo quy định. Một bất cập khác, trong quá trình tạm giữ phương tiện, nếu xảy ra sự cố vỡ, hỏng, hoặc chìm phương tiện, lực lượng chức năng phải đền bù thiệt hại cho chủ tàu. Trên thực tế, các phương tiện đường thủy nhỏ lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lớn. Thêm nữa, việc kiểm tra xử lý vi phạm không thường xuyên, liên tục do đặc điểm loại hình sông nước đã tạo ra sự chủ quan, lơ là, thiếu thận trọng của người điều khiển tàu thuyền.

Mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Văn Thể đã có công điện đề nghị chủ tịch UBND kiêm trưởng ban ATGT các địa phương và các đơn vị ngành đường thủy, đăng kiểm,… chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông ĐTNĐ, trong đó chú trọng tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở. Đồng thời, nhấn mạnh các quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông và các phương tiện thô sơ, phương tiện thủy loại nhỏ; quy định về bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy…

Thời gian tới, mùa mưa bão đến gần, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các phương tiện vi phạm. Qua đó, sẽ lồng ghép tuyên truyền các quy định về pháp luật giao thông ĐTNĐ. Tuy nhiên, để đưa việc này vào nền nếp, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các địa phương. Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp các cơ quan thành viên và MTTQ Việt Nam xây dựng báo cáo tổng kết cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” để đánh giá kết quả, hiệu quả cũng như những hạn chế, đề xuất hình thức vận động xây dựng văn hóa giao thông đường thủy trong nước phù hợp tình hình mới.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đường thủy” với mục tiêu: Cải tạo 100% “điểm đen” TNGT đường thủy trên các tuyến vận tải chính; 100% phương tiện thủy được lắp thiết bị nhận dạng tự động AIS; thông tin liên lạc VHF và đăng ký, đăng kiểm theo quy định; 100% người lái phương tiện thủy được đào tạo,...