Phòng cháy tại hộ gia đình: Đừng để mất bò vẫn chưa lo làm chuồng

NDO -

Hơn một tháng, bốn vụ cháy tại khu dân cư, 21 người thiệt mạng. Những thiệt hại lớn về người trong các vụ cháy liên tiếp đủ để thấy nguy cơ về cháy nổ tại các khu dân cư, với những nhà ống liền kề, san sát, kết hợp sản xuất kinh doanh hay nằm sâu trong ngõ hẻm. Nhưng liệu công tác an toàn phòng cháy chữa cháy tại những loại nhà kiểu này đã được quan tâm đúng mức, cả từ phía người dân lẫn cơ quan quản lý?

Hiện trường vụ cháy tại căn nhà kết hợp ở và kinh doanh, ở số 311, đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, rạng sáng ngày 4-4, làm bốn người thiệt mạng. (Ảnh: NGUYÊN TRANG)
Hiện trường vụ cháy tại căn nhà kết hợp ở và kinh doanh, ở số 311, đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, rạng sáng ngày 4-4, làm bốn người thiệt mạng. (Ảnh: NGUYÊN TRANG)

Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, chỉ trong khoảng 10 ngày, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội liên tiếp xảy ra ba vụ cháy nghiêm trọng tại khu dân cư, làm 13 người tử vong. Chiều tối 7-5, lại một vụ cháy thương tâm khác tại khu dân cư ở quận 11, TP Hồ Chí Minh làm những tám người tử vong.

Vẫn còn người dân thờ ơ

Hơn một tháng trước, ghi nhận của phóng viên tại thời điểm vài ngày sau khi xảy ra vụ cháy làm bốn người chết tại số nhà 311, đường Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội làm bốn người trong một gia đình tử vong, người dân chung quanh khu vực vẫn chưa hết hoảng sợ khi nhắc đến vụ việc.

Ông Trần Trọng Thủy, Tổ phó Tổ dân phố số 11, khu dân cư số 10, phường Hàng Bột, có nhà ở ngay sát bên phải căn nhà số 311 bị cháy cho biết: “Sau vụ cháy, tâm lý người dân trong khu phố khá sợ và hoảng. Nhà tôi cũng không dám ngủ ở nhà sau hôm xảy ra cháy, phải xuống bà chị ngủ nhờ”.

Gia đình ông Trần Trọng Thủy cũng là một hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Trong nhà, các bình chữa cháy cầm tay được bố trí dọc theo cầu thang bộ và các phòng, tầng nào cũng có lối thoát hiểm.

Cách nhà ông Thủy vài nhà là gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hương, có cửa hàng kinh doanh bỉm sữa với diện tích khá lớn. Đây cũng là một hộ gia đình mặt phố, nhà ở kết hợp kinh doanh.

“Nhà tôi lúc nào cũng có bình xịt chữa cháy để các góc, các nơi. Tôi ở đây luôn nhưng ở góc khác không ở trong cửa hàng này, đây là quầy kinh doanh. Chỗ tôi ở trên tầng hai nhưng có lối đi riêng, không đi chung cửa hàng, ban công rất rộng và thấp. Nhà tôi có cầu dao ngắt từng phòng, khi tôi rời cửa hàng là tôi ngắt cầu dao ở dưới, chỉ duy trì một hệ thống điện rất nhỏ phục vụ làm mát để ngủ”, bà Hương chia sẻ.

Theo ông Thủy, chỉ tính riêng tổ dân phố số 11 của ông có 256 hộ gia đình thì có tới 70 hộ mặt phố kinh doanh và cho thuê. Nhà ông Thủy và bà Hương là hai trong số các nhà tại mặt đường Tôn Đức Thắng, thuộc tổ dân phố 11, phường Hàng Bột, mà chúng tôi đi khảo sát. Đây là hai hộ gia đình có sự chuẩn bị chủ động trong phòng, chống cháy nổ.

Phòng cháy tại hộ gia đình: Đừng để mất bò vẫn chưa lo làm chuồng -0
 Một căn nhà mặt phố được rào chắn cẩn thận trên phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội. (Ảnh: LY VŨ)

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có sự chủ động như vậy.

Căn nhà ngay sát bên trái nhà số 311 bị cháy ở phố Tôn Đức Thắng cũng là một hộ gia đình nhà ở kết hợp kinh doanh, với tầng một cho thuê kinh doanh và tầng hai là nơi ở của chủ nhà. Rất may, hộ gia đình này không bị ảnh hưởng sau vụ cháy. Tuy nhiên, khi phóng viên (PV) hỏi gia đình có trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy gì không, chủ nhà cho biết “từ xưa tới giờ có trang bị gì đâu, ở nhà thì cứ ở nhà, có gì đâu”.

Khi PV hỏi chủ nhà về việc người cho thuê có trang bị phòng cháy chữa cháy không thì chủ nhà bảo hỏi người thuê!. Trong khi PV hỏi người thuê cửa hàng thì nhận được câu trả lời là có trang bị bình chữa cháy nhưng để ở chỗ khác!.

Khảo sát tại những khu dân cư hay những tuyến phố kinh doanh sầm uất khác, PV cũng ghi nhận tình hình tương tự, vẫn có người chủ động, người chủ quan trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Anh Phương, một hộ cho thuê kinh doanh tại phố Đội Cấn cho biết: “Tôi là người cho thuê nên cũng hay góp ý với chủ cửa hàng đang thuê nhà tôi phải cẩn thận trong việc phòng cháy chữa cháy. Một số thiết bị của họ là đồ dễ cháy nên tôi luôn trang bị sẵn hai bình cứu hỏa cho gia đình để đề phòng bất trắc. Khi phường gọi đi tập huấn, tôi tham gia rất đầy đủ và về phổ biến cho người thuê nhà. Tuy nhiên không phải hộ nào cũng ý thức như vậy nên tôi cũng khá quan ngại khi những nhà chung quanh không trang bị kỹ năng cho bản thân”.

Theo ông Trần Trọng Thủy, tại tổ dân phố của ông, cuối năm nào các hộ dân cũng phải ký cam kết về phòng cháy chữa cháy, công tác tuyên truyền tuỳ theo quyết định của phường. Nhưng người dân trong khu phố không mấy mặn mà với những đợt tuyên truyền, tập huấn về phòng cháy chữa cháy.

“Khi người ta tuyên truyền mua bình bọt chữa cháy thì chỉ một vài hộ mua, những đợt tập huấn thì người dân đến không nhiều. Thậm chí khi mời người dân đi tuyên truyền, tập huấn, có người còn nói các ông toàn mời đến để mua hàng!”, ông Thủy chia sẻ và cho biết thêm rằng, chính vì thế mà ông phải in từng thông báo của phường liên quan phòng cháy chữa cháy để gửi từng nhà.

Cơ quan quản lý liệu đã sát sao?

Nghị định số 136/2020/NĐ-CP về phòng cháy chữa cháy đã có hiệu lực từ ngày 10-1-2021. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định rõ yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với hộ gia đình, đặc biệt là hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất kinh doanh.

Theo đó, hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện phòng cháy, chữa cháy quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy (Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy).

Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm điều kiện trên cộng với phải có nội quy về phòng cháy chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy theo quy định của Bộ Công an; đồng thời phải có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh. Điều kiện này phải được hộ gia đình thực hiện, duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định.

Phòng cháy tại hộ gia đình: Đừng để mất bò vẫn chưa lo làm chuồng -0
 Phần tum của căn nhà số 311, đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, được rào kín và chất đầy hàng hoá. (Ảnh: BÔNG MAI)

Đồng thời, Nghị định 136 cũng phân cấp tối đa việc quản lý cho cấp cơ sở, quy định rõ danh mục cơ sở do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã quản lý để nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác phòng cháy và chữa cháy.

Phụ lục IV Nghị định 136 quy định 17 danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý, trong đó có nhiều cơ sở thường được kết hợp làm chỗ sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh như: trung tâm điện máy, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, cửa hàng ăn uống có diện tích kinh doanh dưới 300m2 và có khối tích dưới 1.000 m3; cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy, cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa dưới 150kg; nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300m2,...

Vụ cháy thương tâm tại quận 11, TP Hồ Chí Minh chiều tối ngày 7-5 cũng xảy ra tại căn nhà vừa là nơi ở kết hợp sản xuất kinh doanh.

Theo cơ quan chức năng, căn nhà có tổng diện tích 126m2, một trệt, một lầu, một lửng. Căn nhà chỉ có một cửa trước, một cửa phụ bên hông, kinh doanh sản xuất sáp đèn cầy nhưng chưa có giấy phép.

Vị trí căn nhà nằm trong hẻm nhỏ, chất cháy bên trong ngôi nhà dễ bắt lửa và tỏa khói nhiệt độ cao, khó dập và tạo nhiều khí độc; cảnh sát phải nối đường ống ở các trụ nước tại khoảng cách chừng 300m theo con hẻm. Điều này khiến hiệu quả chữa cháy phát huy chậm.

Trong khi đó, vị trí xảy ra cháy ở khu vực lầu một, ngôi nhà chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất là qua lối cửa chính, cửa bên hông đã bị khóa chặt. Khi xảy ra cháy, các nạn nhân không thể thoát ra ngoài và chết ngạt trong tầng 1 và tầng 2.

Rõ ràng, nếu chiếu theo Nghị định 136 mới có hiệu lực chưa lâu, hộ gia đình này đã không bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên hoạt động kinh doanh sản xuất vẫn diễn ra bình thường.

Phòng cháy tại hộ gia đình: Đừng để mất bò vẫn chưa lo làm chuồng -0
 Hiện trường vụ cháy tại căn nhà ở quận 11, TP Hồ Chí Minh, làm tám người chết, chiều tối ngày 7-5. (Ảnh: TTXVN)

"Nếu chúng ta kiểm tra sớm hơn, phát hiện không bảo đảm an toàn, tạm đình chỉ cơ sở sẽ không xảy ra vụ việc thương tâm này", báo chí dẫn lời Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu nói, sáng 8-5, khi đến thăm hỏi các thành viên gia đình nạn nhân trong vụ cháy tại quận 11.

Trước đó một tháng, vụ cháy xảy ra tại ngôi nhà số 311, phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội cũng là một căn nhà ở kết hợp kinh doanh. Theo UBND phường Hàng Bột, cửa hàng này cũng nằm trong diện quản lý của phường về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cũng đã ký cam kết an toàn phòng cháy chữa cháy hồi cuối năm 2020. Tuy nhiên, căn nhà này cũng chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất, không bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Tại thời điểm đó, mặc dù Nghị định 136 đã có hiệu lực được gần ba tháng, phường Hàng Bột cho biết đã ban hành kế hoạch tuyên truyền về Nghị định mới nhưng khi hỏi một số người dân tại khu vực đó, đều trả lời không biết quy định mới về phòng cháy chữa cháy.!

Nước xa không cứu được lửa gần

Báo cáo mới công bố ngày 5-5 của Cục Cảnh sát phòng cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết, riêng trong tháng 4, toàn quốc xảy ra 502 vụ cháy và vụ sự cố. Đáng chú ý, số vụ cháy chủ yếu xảy ra ở khu vực thành thị, chiếm tới 58,96% tổng số vụ. Trong đó, nổi lên tình hình cháy trong khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tập trung tại các đô thị lớn.

Trong số 271 vụ được điều tra làm rõ nguyên nhân, có tới 162 vụ do sự cố hệ thống điện, thiết bị điện; 45 vụ do sơ suất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Các đô thị lớn ở nước ta như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đất chật người đông, có rất nhiều các kiểu nhà ống liền kề mặt phố kết hợp sản xuất, kinh doanh hay nằm trong hẻm nhỏ, ngõ sâu, ngóc ngách, gây khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy mỗi khi xảy ra sự cố.

ton_duc_thang-1620536498418.jpg
Những căn nhà mặt phố kinh doanh san sát trên phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. (Ảnh: BÔNG MAI) 

Vì vậy, để tránh và giảm thiểu xuống mức thấp nhất rủi ro về người do cháy tại hộ gia đình, theo Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, cần trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cho mỗi người trong gia đình để có kiến thức đó chúng ta chủ động trong việc phòng, chữa cháy và chủ động thoát nạn.

Đặc điểm chung của những vụ cháy nghiêm trọng trong hơn một tháng qua ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là cháy xảy ra ở khu dân cư, tại những căn hộ chỉ có một lối thoát nạn duy nhất, có những căn nhà kết hợp ở và sản xuất kinh doanh.

“Xuất phát từ thực tế đó, các hộ gia đình hiện nay đang sống và sinh hoạt ở những nhà dạng như thế cần lấy đó làm bài học cảnh tỉnh để phải chủ động trong việc rà soát lại căn hộ của mình đã bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy hay chưa, đặc biệt là liên quan đến số lối thoát nạn trong căn hộ của mình. Theo nguyên tắc là mỗi một căn hộ phải có ít nhất hai lối thoát nạn để nếu như lối thoát nạn thứ nhất bị lửa khói bao trùm, thì chúng ta còn có lối thoát hiểm thứ hai để thoát ra nơi an toàn”, Đại tá Nguyễn Minh Khương khuyến cáo.

Các hộ gia đình cần phải lưu ý việc sắp xếp hàng hóa cũng như đồ đạc trong căn hộ của mình để không làm cản trở đến lối thoát nạn. Khi có tình huống cháy nổ xảy ra không gây cản trở đến khả năng thoát nạn của người trong điều kiện đó thì mới có thể thoát ra nơi an toàn được, Đại tá Nguyễn Minh Khương khuyến cáo thêm.

Theo Ready Campaign, chỉ trong vòng hai phút, một ngọn lửa có thể đe dọa đến tính mạng và chỉ trong năm phút, một ngôi nhà có thể bị chìm trong lửa. Chưa đầy 30 giây, một ngọn lửa nhỏ có thể bùng phát thành một đám cháy lớn và thời gian chỉ tính bằng phút để khói đen dày đặc lấp đầy một ngôi nhà hay nhấn chìm ngôi nhà đó trong lửa.

 Nước xa không cứu được lửa gần, để bảo đảm an toàn cho chính mình và những người trong gia đình, trước tiên mỗi người cần chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn. Song song với đó, chính quyền địa phương, các cấp quản lý cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát các yêu cầu về an toàn cháy nổ một cách thực chất, tránh hình thức hay làm cho có. Đừng để mất bò rồi nhưng vẫn chưa lo làm chuồng...!

Phòng cháy chữa cháy tại hộ gia đình cần trang thiết bị gì:

1. Phương tiện để phục vụ cho công tác chữa cháy và cứu nạn cứ hộ ban đầu như: các bình chữa cháy xách tay, dạng bột, dạng khí để có thể dập tắt đám cháy khi đám cháy mới phát sinh; các mặt nạ phòng chống khói độc để đeo vào để có thể di chuyển ra nơi an toàn, tránh hít phải khói độc. 

2. Những phương tiện có thể phát hiện cháy sớm như hệ thống đầu báo cháy: đầu báo cháy hoạt động độc lập chạy bằng pin có thể phát hiện ra cháy và báo động bằng tiếng còi, tiếng chuông; hoặc đầu báo cháy có thể tích hợp cả sim điện thoại hay sử dụng internet để có thể tự kích hoạt trực tiếp gọi đến máy điện thoại của người chủ gia đình hoặc những người thân trong gia đình rằng hiện đang có sự cố cháy nổ xảy ra đề nghị xác minh, xử lý.

Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, khuyến cáo.