Phiêu du cùng gió

Một cái cánh nối dài giấc mơ bay mang tên dù lượn/một cú nhảy được trả giá bằng chuỗi thót tim…/nào kỹ thuật, nào kinh nghiệm/tất cả đo bằng một cú nhảy/nhảy xổ vào khoảng không/bổ nhào vào niềm kiêu hãnh/rồi chao/rồi lượn tìm giấc mơ giữa cơn ngày… Những câu thơ trong bài Dù lượn của Song Phạm đã đủ nói lên sức hấp dẫn của môn thể thao dù lượn, với đầy sự đam mê, mạo hiểm và một chút cá tính của người chơi.

Học viên Nguyễn Thùy Trang trong một lần cất cánh.
Học viên Nguyễn Thùy Trang trong một lần cất cánh.

Chinh phục bầu trời

Nói như một số học viên ở lớp K13 bộ môn Dù lượn - Câu lạc bộ Hàng không phía bắc, vì yêu bầu trời và cảm giác tự do, phiêu du trên cánh dù ngắm nhìn bao la đất trời nên họ muốn tìm hiểu và trải nghiệm môn thể thao mạo hiểm này. Số khác thì từng ít nhất một lần bay đôi ở Mù Cang Chải (Yên Bái) nên muốn tập luyện nghiêm túc để tự mình chinh phục bầu trời. Dù sao thì cảm giác một mình bay lượn giữa không trung với gió và mây cũng mang đến sức hút riêng khi họ tự khám phá, chinh phục bản thân mà không phải phụ thuộc vào ai. Hay chỉ đơn giản là học bay dù lượn để có thêm kinh nghiệm thực tế giảng dạy cho sinh viên làm các mô hình máy bay, như anh Hà Mạnh Tuấn, giáo viên bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ của Trường đại học Bách khoa, chia sẻ.

Thế nhưng, đã xem bay dù lượn hay bay đôi là một chuyện, còn tập được hay không lại là câu chuyện khác, khi vượt qua cấp độ huấn luyện P1 thật sự là thử thách rất lớn cho tất cả, chưa nói đến việc bạn có thể vượt qua các cấp độ khác như bay cặp vách núi, bay theo cột khí nóng hay bay đường trường... Vì vậy, có cơ hội tập luyện bài bản ở Câu lạc bộ Hàng không phía bắc sẽ giúp người chơi tiếp cận với kiến thức và kỹ năng, giúp họ chủ động bay ở mọi địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam mà đơn vị được cấp phép. Quan trọng không kém, các học viên sẽ được sinh hoạt trong môi trường kỷ luật, chặt chẽ, khoa học và hiệu quả theo tác phong quân đội, như anh Nguyễn Thanh Tuấn, giáo viên dù lượn của Câu lạc bộ Hàng không phía bắc cho biết.

An toàn trên hết

Bộ môn Dù lượn - Câu lạc bộ Hàng không phía bắc là một trong hai bộ môn thuộc Câu lạc bộ Hàng không phía bắc (được Bộ Quốc phòng thành lập năm 2004), bên cạnh bộ môn Nhảy dù. Dù lượn và nhảy dù hay dù tròn là hai môn thể thao khác nhau. Không như dù tròn tuy mang lại cảm giác mạnh nhưng ít khả năng lái và bay lâu, cũng như đòi hỏi phải có máy bay chuyên chở, việc kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt, dù lượn mang màu sắc thể thao, tính giải trí cao và dễ tập luyện hơn. Điều này giải thích tại sao mỗi năm, lớp học dù tròn chỉ đào tạo một lần, trong khi dù lượn thường xuyên tổ chức song song hai lớp, với lớp K tập vào ngày chủ nhật hằng tuần, lớp F tập vào thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Mỗi lớp khoảng từ 10 đến 15 người, thậm chí có thời điểm lên đến 20 người, theo quy định bảy học viên - một giáo viên.

Theo anh Thanh Tuấn, với cách thức tổ chức của một đơn vị quân đội, Câu lạc bộ Hàng không phía bắc có thế mạnh trong việc duy trì tính kỷ luật và các nguyên tắc an toàn, để bảo đảm mọi học viên nắm vững và tránh được những yếu tố rủi ro trong khi tập và bay. Vì thế, rất nhiều bạn trẻ ở các địa phương như Thái Nguyên, Nghệ An, Hải Phòng… sẵn sàng dành thời gian để tham gia tập luyện hằng tuần cùng câu lạc bộ. Chẳng hạn như chị Vũ Huyền Trang của lớp K13 vẫn đều đặn từ Hải Phòng về Hà Nội từ sáng sớm và luyện tập cho đến khi mặt trời tắt nắng, nghỉ ngơi một chút rồi lại trở về Hải Phòng ngay trong ngày.

Phiêu du cùng gió ảnh 1

Chỉ huy phó Nguyễn Văn Tuấn hướng dẫn học viên kỹ thuật cất cánh.

Ngoài ra, một lợi thế nữa của Câu lạc bộ Hàng không phía bắc là đơn vị cung cấp hoàn toàn trang thiết bị luyện tập và bay cho học viên như dù tập, đai tập, dù bay, đai bay, bộ đàm, quân phục, găng tay (riêng mũ bảo hiểm sẽ do học viên tự trang bị). Thậm chí, đơn vị còn sản xuất được bộ dù với giá thành rẻ hơn so với những bộ dù nhập ngoại, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả huấn luyện. Nhờ đó, về lâu dài, người chơi có nhu cầu có thể thuê bộ dù của đơn vị, còn nếu có điều kiện sở hữu bộ dù riêng có giá hàng chục triệu đồng thì khi đó, chi phí mỗi buổi bay sẽ không đáng kể so với nhảy dù tròn.

Muốn bay phải chạy

Như đã nêu trên, đừng nghĩ rằng chơi dù lượn đơn giản như việc những cô gái, chàng trai xuất hiện trong các clip ngắn được đăng trên Facebook, Youtube, chỉ với vài thao tác là kéo vòm dù lên đỉnh đầu, xoay người lại chạy vài bước lấy đà, hai tay giật dây là có thể lướt đi nhẹ nhàng trong không trung như những chú chim. Bởi để đạt tới trình độ đó, người chơi hay còn được gọi là phi công sẽ phải vượt qua các cấp độ huấn luyện từ P0 đến P4 với rất nhiều giờ bay. Theo đấy, P0 là các kiến thức và kỹ năng trên mặt đất và đồi thấp; P1: các kiến thức và kỹ năng để bay các chuyến bay ngắn từ điểm bay cao (khoảng 10 phút/chuyến); P2: các kiến thức và kỹ năng để bay các chuyến bay thời lượng dài (có thể kéo dài tới nhiều giờ/chuyến); P3: các kiến thức và kỹ năng để bay các chuyến bay cao (có thể cao hàng nghìn mét, lên tới chân mây) và P4: các kiến thức và kỹ năng để bay các chuyến bay đường trường, khoảng cách lớn. Không tính phần lý thuyết P0 thì trong P1 đã có đến 10 buổi tập với những kỹ thuật cơ bản mà bất cứ ai cũng phải học qua. Và rất vất vả. Thế mới nói, khi chứng kiến tận mắt các học viên của lớp K13 tập luyện tại một ngọn đồi ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất (Hà Nội), tôi đã phần nào hiểu thêm rằng, không phải cứ có tiền là có thể chơi được dù lượn nếu thiếu những yếu tố như đam mê, quyết tâm, sự can đảm và sự khéo léo. Và không phải môn thể thao mạo hiểm này chỉ dành riêng cho phái mạnh, khi trên bãi tập vẫn có những cô gái nhanh nhẹn và mạnh mẽ không kém các đồng đội của họ như Phương Chi làm thiết kế trang sức (Hà Nội), Huyền Trang làm ở một công ty may (Hải Phòng), Nguyễn Thùy Trang là giáo viên của Trường phổ thông liên cấp Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), Nguyễn Bích Thảo dẫn chương trình của Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội. Thậm chí, họ có thể đến bãi tập từ lúc 7 giờ sáng, sớm hơn 1,5 tiếng so với quy định, và tự tập cùng nhau cho đến lúc tiếng còi tập trung vang lên.

Sau khoảng 15 phút tập trung để chỉ huy trưởng Thanh Tuấn điểm danh, rồi ôn lại buổi tập trước và nhắc nhở các học viên chỉnh sửa một số động tác, tất cả khởi động trong tiếng nói cười rôm rả trước khi vác dù tập, đai tập, các phụ kiện xuống chân đồi thực hiện bài tập mặt đất. Lúc này, nhiệt độ bắt đầu tăng dần. Trời không quá nắng gắt nhưng không khí rất oi bức, như thể sẽ báo hiệu một cơn mưa lớn vào cuối ngày. Mặc dù vậy, trong bộ đồ quân phục thường thấy ở các đơn vị không quân, đầu đội mũ bảo hiểm, tay đeo găng, có cảm giác 16 thành viên của lớp K13 chẳng quản ngại thời tiết, khi họ cố tận dụng từng đợt gió nhẹ để xin phép cất cánh qua chiếc bộ đàm gắn bên phía trái cầu vai. Tôi đã nghe những tiếng hô: “Lê Chính xin phép cất cánh”, “Thùy Trang xin phép cất cánh”, “Bích Thảo xin phép cất cánh”, “Anh Dương xin phép cất cánh”... không biết đến bao nhiêu lần dù mỗi lần như vậy, họ sẽ phải kéo dù chạy một quãng đường khá dài, vừa chạy vừa nghe khẩu lệnh được phát ra từ chiếc bộ đàm của chỉ huy phó Nguyễn Văn Tuấn để chuyển hướng. Nếu có gió không sao, còn không họ sẽ vất vả với mỗi thao tác di chuyển nhằm giữ cho dù lượn thăng bằng, trước lúc sang phải hoặc sang trái theo khẩu lệnh.

Mồ hôi đã nhỏ thành từng giọt trên khuôn mặt mỗi người, thấm đẫm lưng áo của từng học viên sau mỗi lần cất cánh. Nhưng họ vẫn không dừng lại. Chỉ uống tạm hớp nước, nhai vội miếng dứa hoặc quả trứng luộc để lấy sức, họ lại khoác lên người đai tập và ôm dù ra giữa bãi. Điều đáng nói ở các học viên là tất cả đều nỗ lực hoàn thành bài tập trong buổi sáng để buổi chiều có thể tập trên đồi nhưng họ cũng chẳng nề hà trong việc giúp đồng đội rải dù, căng dù mỗi khi trời không có gió, thay vì chui vào đâu đó ngồi nghỉ.

Thoáng một cái, trời đã trưa, cái nắng trở nên gay gắt và không khí ngột ngạt hơn. Vậy mà chỉ đến khi tiếng còi của chỉ huy trưởng Thanh Tuấn vang lên, các học viên mới thu dọn từng bộ dù vào phía bãi tre và tiến về phía một ngọn đồi khác để ăn trưa, nghỉ ngơi.

Căn nhà bỏ hoang mà mọi người tập trung ở đó không có gì ngoài mấy chiếc chiếu trải làm chỗ ngồi, cái bàn nhỏ và vài chiếc ghế con vốn chỉ dành cho những người chăn trâu quanh đây trú mưa, tránh nắng. Bù lại, bữa ăn mà họ chuẩn bị cho cả đội tuy ít món, đơn giản nhưng đầy đủ chất. Các học viên vừa ăn vừa trò chuyện một cách vui vẻ, cởi mở và gần gũi như thể tất cả đã quen nhau từ lâu, mặc dù đây mới chỉ là ngày chủ nhật thứ ba họ cùng tập, cùng ăn. Cũng vì thế mà tuy mỗi người mỗi ngành, mỗi nghề, họ vẫn dễ dàng chia sẻ nhiều điều về cuộc sống, niềm đam mê với các môn thể thao, trong đó có dù lượn. Chẳng hạn như Lê Anh Dương làm cho Tập đoàn Mitsubishi, Lê Văn Chính làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội, Đỗ Lê công tác tại BBC Thái-lan hay Phạm Đức làm cho Tập đoàn VNPT, Phạm Quý Phúc kinh doanh xưởng mộc sáng tạo tại Hà Nội…

Buổi tập bay đồi lại bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều theo quy định nhưng rất nhanh thôi, tất cả sẽ được thấy các học viên của khóa K13 trên những cánh dù ở Linh Trường (Thanh Hóa) hay Mù Cang Chải hay xa hơn là cơ hội giao lưu, tham gia thi đấu với thành viên của nhiều câu lạc bộ dù lượn trong cả nước. Tôi thì chỉ hy vọng rằng, sẽ không một ai bỏ lớp giữa chừng, vì cảm giác chinh phục bầu trời, phiêu du cùng gió như chia sẻ của nhiều người là rất đáng để bỏ tiền, thời gian và công sức luyện tập. Hay đơn giản là Một cái cánh nối dài giấc mơ bay mang tên dù lượn (Trong Dù lượn).