Phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

NDO -

NDĐT - Ban hành danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo theo lộ trình để chuẩn hóa lực lượng lao động và hội nhập quốc tế; có giải pháp tăng cường hiệu quả giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xu hướng tự động hóa… Đây là một trong những nội dung quan trọng Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện theo Chỉ thị số 24 ban hành ngày 28-5 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Đào tạo tại Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (Ảnh: Lilama 2).
Đào tạo tại Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (Ảnh: Lilama 2).

Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Hệ thống các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo; chất lượng được tăng cường; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Để tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nội dung sau:

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao đng. Phấn đấu đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Làm tốt công tác dự báo nhu cầu xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới và cập nhật dữ liệu theo định kỳ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động, bao gồm cả lao động đã đi làm việc nước ngoài trở về nước để phát huy các thế mạnh của họ trong lao động, sản xuất và nâng cao thu nhập gắn với việc làm bền vững.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển GDNN, vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề, nhằm huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển đất nước.

Tăng cường gắn kết chặt chẽ ba “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật…

Ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải chú trọng nội dung phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương, chủ động thu hút và ưu tiên sử dụng vốn ODA theo quy định của pháp luật để đầu tư cho các cơ sở GDNN, nhất là các trường chất lượng cao theo quy hoạch và các ngành, nghề trọng điểm đã được phê duyệt.

Trong đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước trung hạn, hằng năm và các nguồn vốn khác để phát triển GDNN hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển nhân lực và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ. Giao Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, bố trí vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực GDNN theo quy định về phân cấp ngân sách, trình cấp có thẩm quyền quyết định; trình Chính phủ việc áp dụng tỷ lệ vay lại phù hợp đối với nguồn vốn vay nước ngoài cho phát triển GDNN, nhất là cho đào tạo lao động có kỹ năng nghề; tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN, bảo đảm đồng bộ với Luật GDNN và các luật chuyên ngành, khuyến khích doanh nghip gắn kết với hoạt động GDNN…

Giao UBND các tỉnh, thành phố phải chú trọng nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN, đào tạo chất lượng cao theo các chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trình độ GDNN (bao gồm hỗ trợ kinh phí, học phí học văn hóa trung học phổ thông) phù hợp với điều kiện của địa phương và các quy định của pháp luật để góp phần thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”…

Chuẩn hóa lực lượng lao động để hội nhập quốc tế

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống quản lý và đánh giá kỹ năng nghề; xây dựng đề án chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong GDNN, đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Triển khai khung trình độ quốc gia về GDNN xây dựng và triển khai chương trình chuyên gia quốc tế trong GDNN…

Ban hành danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo theo lộ trình để chuẩn hóa lực lượng lao động và hội nhập quốc tế; nghiên cứu, có giải pháp tăng cường hiệu quả GDNN theo hướng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xu hướng tự động hóa.

Tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi kỹ năng nghề ở các cấp; nghiên cứu, thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành hoặc nghề. Đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tiếp tục triển khai các chương trình chuyển giao từ nước ngoài có hiệu quả để nhân rộng trong hệ thống GDNN.

Tổ chức tổng kết, đánh giá các chương trình, dự án phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 và đề xuất cho giai đoạn tiếp theo.

Đề xuất Ngày "Kỹ năng lao động Việt Nam", Giải thưởng quốc gia dành cho người học tiêu biểu trong hệ thống GDNN, chương trình về đại sứ kỹ năng nghề; có chương trình, kế hoạch cụ thể để tôn vinh, lan tỏa những giá trị của nhân lực có kỹ năng nghề xuất sắc tới giới trẻ và xã hội…